Nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan chỉ ra như vậy tại toạ đàm “Quan điểm, chủ trương, giải pháp phát triển kinh tế bền vững, sáng tạo, bao trùm” do Hội đồng Lý luận trung ương phối hợp với Trường đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội tổ chức sáng 26/2.
Theo bà Doan, sau 30 năm đổi mới, nhà nước đã có thay đổi mạnh mẽ trong quan điểm về kinh tế tư nhân. Từ chỗ không công nhận, nay đã coi kinh tế tư nhân là “thành phần” rồi “động lực quan trọng” và sẽ còn tiến lên nữa.
Tuy nhiên, nguyên Phó chủ tịch nước nhấn mạnh, thế giới đang chuyển mình ghê gớm từ cuộc cách mạng khoa học và công nghệ sang cách mạng tri thức, trí tuệ nhân tạo. Chính sự thay đổi rất nhanh này đã khiến cho cạnh tranh giữa các quốc gia giờ đây không phải tài nguyên, khoáng sản nữa mà là trí tuệ.
“Thế giới chưa bao giờ phẳng như hiện nay và sự chạy đua về trí tuệ đang rất quyết liệt. Nếu chúng ta không nhận thức sớm, bảo vệ và phát huy các tài nguyên trí tuệ thì chính doanh nghiệp của chúng ta sẽ tụt hậu”, bà Doan nói.
Từ đó, bà Doan đề nghị các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp trong nước đừng bị động trông chờ vào sự hỗ trợ của Chính phủ mà hãy chủ động tập trung đầu tư cho con người, công nghệ, văn hoá phi vật thế. Nâng tầm con người Việt Nam lên nếu không muốn sớm bị loại khỏi cuộc chơi.
“Tại sao chúng ta không thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, tại sao chúng ta không có các tập đoàn xuyên quốc gia?”, bà Doan đặt vấn đề.
Vẫn theo nguyên Phó chủ tịch nước, thực tế phát triển kinh tế hiện nay đang gặp vướng mắc về các chính sách luật nhằm đảm bảo công bằng giữa kinh tế nhà nước và kinh tế tư nhân. Ngoài ra, môi trường kinh doanh cũng không thực sự thông thoáng, còn ách tắc. Đặc biệt, nhà nước vẫn can thiệp sâu vào quá trình vận hành của khu vực kinh tế tư nhân.
Theo GS.TS Đỗ Đức Bình, trường Đại học kinh tế quốc dân, những năm qua chúng ta đã xây dựng và ban hành được rất nhiều bộ luật và các văn bản pháp quy phục vụ cho việc tổ chức, quản lý và vận hành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên, chất lượng của hệ thống văn bản này chưa thật cao. Bên cạnh đó, sự thay đổi, thiếu tính ổn định của hệ thống luật pháp nhiều khi làm cho doanh nghiệp và người dân trở tay không kịp, tạo ra nhiều tổn thất không đáng có đối với doanh nghiệp và người dân.
Để khắc phục những bất cập trên, ông Bình đề xuất tập trung rà soát tất cả các bộ luật, luật và chính sách... hiện hành, chỉnh sửa bổ sung những điểm còn bất cập, chưa tương thích với luật pháp, thông lệ quốc tế.
Cùng đó, đón bắt các cơ hội do các FTA thế hệ mới mà Việt Nam đã ký và sẽ ký tham gia như CPTPP, HĐ thương mại tự do Việt Nam - EU; nâng cao năng lực cạnh tranh cấp quốc gia, cấp ngành, doanh nghiệp và bản thân hàng hóa dịch vụ do doanh nghiệp và người dân cung cấp; xây dựng và khuyến khích các tập đoàn kinh doanh trong nước vươn mạnh ra thị trường nước ngoài và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, quản trị của nhà nước đối với sự phát triển kinh tế xã hội và phát triển đất nước nói chung.
“Việt Nam phải rà soát, bổ sung hoàn thiện các luật liên quan đến luật sở hữu trí tuệ, luật lao động, luật doanh nghiệp, luật đầu tư công, luật thương mại, môi trường, thương mại điện tử, tổ chức công đoàn....Thực hiện các giải pháp đột phá để tận dụng có hiệu quả các cơ hội để phát triển đất nước trong bối cảnh và điều kiện mới của thế giới và trong nước”, GS.TS Đỗ Đức Bình nói.
Bình luận