- Tuổi Trẻ: Mặc dù Trung Quốc đã bác bỏ thông tin nói họ sẽ lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại biển Đông, nhưng các nước trong ASEAN ngày càng lo ngại việc Trung Quốc sẽ áp đặt ADIZ tại biển Đông. Ông có bình luận gì về việc này?
Quan điểm của chúng tôi là căng thẳng ở cả biển Đông và biển Hoa Đông hiện tại cần được giải quyết một cách hòa bình thông qua con đường ngoại giao.
Với những tranh chấp lãnh thổ, phía Mỹ không ủng hộ bên nào nhưng chúng tôi muốn một môi trường ổn định. Vì vậy với việc áp đặt ADIZ ở biển Hoa Đông, quan điểm của phía Mỹ là rất rõ. Chúng tôi không thừa nhận khu vực này, đó là hành động không cần thiết từ phía Trung Quốc làm phức tạp thêm tình hình.
Đô đốc Locklear tại Đối thoại Shangri-La năm 2013 ở Singapore
Ở biển Đông, chúng tôi muốn ASEAN và Trung Quốc sớm đưa ra Bộ quy tắc ứng xử (COC) mà tôi nghĩ là đã bị trễ quá lâu rồi.
- Tuổi Trẻ: Với nguy cơ xung đột ngày càng lớn trên biển Hoa Đông và việc Mỹ - Nhật ràng buộc bởi hiệp định an ninh, đâu là lằn ranh đỏ cho việc Mỹ can thiệp trong trường hợp xảy ra xung đột Nhật - Trung?
Với liên minh Mỹ - Nhật, lãnh đạo hai nước đã khẳng định rất rõ tầm quan trọng của liên minh và về vấn đề tại biển Hoa Đông, chúng tôi đã khẳng định quan điểm chung của mình.
Tôi không thể nói về “lằn ranh đỏ” vì việc nêu ra điều đó không phải là thích hợp (cho tôi). Tôi chỉ có thể nói chúng tôi vẫn theo dõi sát sao tình hình ở biển Hoa Đông và hi vọng sẽ có hướng giải quyết hòa bình tình hình tại đây.
- Financial Times: Trung Quốc phản ứng nhanh đến đâu trong việc điều động máy bay quân sự đối với máy bay Nhật và Mỹ kể từ khi áp đặt ADIZ? Và rộng hơn, phải chăng Trung Quốc đã tạo hố sâu ngăn cách trong liên minh Mỹ - Nhật? Nhật rõ ràng không hài lòng khi Phó tổng thống Joe Biden (tới thăm) không yêu cầu Trung Quốc rút tuyên bố về ADIZ?
Trong những năm trước vẫn có những va chạm, tương tác giữa máy bay Mỹ bay trong không phận quốc tế với máy bay của quân đội Trung Quốc.
Từ khi có tuyên bố ADIZ, chúng tôi chưa thấy có gì khác trong các va chạm này. Như vậy, điều tốt là các máy bay quân sự vẫn cư xử chuyên nghiệp trong những lần va chạm.
Với câu hỏi là Trung Quốc muốn tạo hố ngăn cách Mỹ - Nhật thì có lẽ anh nên hỏi phía Trung Quốc. Mỹ - Nhật xây dựng mối quan hệ đồng minh chiến lược dài hạn và chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển mối quan hệ này.
Với môi trường an ninh, dù chú ý đến các tiểu tiết, chúng ta không nên quên bức tranh lớn. Về dài hạn, quân đội Trung Quốc có thể tham gia vào môi trường an ninh hòa bình khu vực với các nước láng giềng cũng như với Mỹ.
Chúng tôi hi vọng mở rộng mối quan hệ đó. Vì vậy chúng tôi sẽ mời quân đội Trung Quốc tham gia tập trận ở Thái Bình Dương vào mùa hè này tại Hawaii. Quân đội Ấn Độ cũng sẽ tham gia cùng với khoảng 20 nước. Đó là các hoạt động gây dựng niềm tin giữa các nước.
- Reuters: Thưa đô đốc, tôi muốn hỏi tiếp về biển Hoa Đông. Kể từ khi thiết lập ADIZ thì trong những tháng qua và thời gian sắp tới, về mặt triển khai quân khí thì ông có thể cung cấp chi tiết về việc tăng bao nhiêu chuyến đi tuần, bao nhiêu tàu... từ phía Mỹ?
Như đã nói, chúng tôi không thừa nhận ADIZ và việc áp dụng ADIZ không làm thay đổi hoạt động hằng ngày của chúng tôi. Chúng tôi không thay đổi chỉ vì vài máy bay của Trung Quốc hay bất cứ nước nào. Dù vậy, tiến trình tái cân bằng ở châu Á hiện vẫn đang tiếp tục.
Vẫn có những tranh cãi về chuyện liệu tái cân bằng có thể thực hiện được hay không thì tôi xin nhấn mạnh lại tái cân bằng là quá trình dài hạn. Nó bao gồm nhiều nội hàm lợi ích của Mỹ, bao gồm cả về quân sự dù rằng đó không phải là lĩnh vực tập trung duy nhất.
Tôi có thể nói chúng tôi đã có tiến bộ trong việc củng cố các liên minh, xây dựng quan hệ đối tác với các nước như Ấn Độ, Trung Quốc. Triển khai các hỏa lực quân sự mạnh nhất (ở đây) để đảm bảo môi trường an ninh ổn định. Các việc đó đều đúng định hướng.
- Báo Today (Singapore): Tôi xin hỏi đô đốc về lời kêu gọi của tổng thống Philippines đề nghị cộng đồng quốc tế giúp chống lại việc Trung Quốc chiếm biển Đông. Ông có quan điểm thế nào? Đồng thời trên biển Đông, sau vụ suýt đụng nhau giữa tàu khu trục USS Cowpens với tàu Trung Quốc, đã có biện pháp nào để hạn chế các sự vụ tương tự?
Về lời kêu gọi của tổng thống Philippines, chúng tôi vẫn luôn ủng hộ việc dùng luật, thông lệ và các hiệp ước quốc tế để tìm giải pháp hòa bình cho vấn đề rất phức tạp về chủ quyền lãnh thổ tại biển Đông. Việc Philippines quyết định theo đuổi vấn đề này một cách hòa bình và đúng luật là điều đáng được khen ngợi và ủng hộ.
Về vụ tàu khu trục USS Cowpens thì tôi sẽ không gọi sự cố giữa hải quân Mỹ và hải quân Trung Quốc đó là “suýt đụng nhau.” Nói vậy là nói hơi quá. Nhưng sự cố đó cho thấy khi hải quân (các nước) hoạt động nhiều hơn trong khu vực thì (họ) rất cần biết cách cư xử cho chuyên nghiệp.
Tôi nghĩ sự cố xảy ra là đáng tiếc và có những hành vi thiếu chuyên nghiệp từ phía hải quân Trung Quốc. Nhưng khi nhận ra sự việc là nghiêm trọng thì đối thoại giữa hai bên đã có hiệu quả và tình hình dịu xuống.
Về quy trình ứng xử thì không có bất cứ lý do gì cần quy trình mới. Đã có những chuẩn mực quốc tế về việc tàu thuyền trên thế giới phải hành xử thế nào trên vùng biển quốc tế. Với phía Mỹ, chúng tôi sẽ vẫn hành xử chuyên nghiệp như vậy và chúng tôi hi vọng tàu quân sự và hải quân các nước, bao gồm cả Trung Quốc, cũng phải hành xử như vậy.
Bình luận