Trung Quốc nhiều năm qua không giấu diếm tham vọng trở thành quốc gia tiên phong về y tế và khoa học của thế giới. Bắc Kinh không ngại vung hàng tỷ USD để nghiên cứu các loại thuốc tiên tiến, xây dựng các phòng thí nghiệm hiện đại. Giới chức lãnh đạo Trung Quốc muốn mang giải Nobel về nước mình.
Giờ đây, tất cả những tham vọng đang được mang ra thử nghiệm trước một thách thức sức khỏe cơ bản: đợt bùng phát bệnh truyền nhiễm chết người.
Các dấu hiệu ban đầu cho thấy quốc gia tỷ dân dường như đang đuối sức bước đầu trước tham vọng của mình.
Loại virus corona mới được phát hiện ở Vũ Hán hồi tháng 12 hiện cướp đi sinh mạng của 81 người, khiến hơn 2.800 người nhiễm bệnh ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Các cơ quan y tế Trung Quốc và quốc tế đang chạy đua để tìm hiểu về loại virus mới, nguồn gốc và mức độ lây lan của nó.
Các quan chức y tế toàn cầu cho biết phản ứng của Trung Quốc với bệnh dịch là một sự tiến bộ to lớn của Bắc Kinh so với phản ứng của Trung Quốc trước dịch SARS cách đây 17 năm.
Năm 2003, chính quyền Trung Quốc che giấu sự bùng phát của dịch bệnh này và chỉ xác nhận 4 tháng sau khi phát hiện trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên.
Trong đợt bùng phát mới này, Trung Quốc công bố các trường hợp nhiễm bệnh chỉ vài ngày sau khi phát hiện.
Tới tháng 1, họ giải mã trình tự gen của virus trước khi cung cấp cho các nhà nghiên cứu trên toàn thế giới, bước cần thiết để tìm ra vắc-xin và phương pháp điều trị.
Tuy nhiên, gần một tháng sau khi phát hiện các trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên, các quan chức y tế Trung Quốc đạt được rất ít tiến bộ trong việc ngăn chặn sự lây lan của dịch viêm phổi cấp.
Theo ước tính gần đây của Neil Ferguson, một nhà nghiên cứu tại Đại học Hoàng gia London, có tới 4.000 người Trung Quốc có thể đã nhiễm virus corona cho tới trước ngày 18/1.
Một số chuyên gia y tế toàn cầu và người dân địa phương cáo buộc Trung Quốc chần chừ trong việc tiết lộ công khai số một số manh mối cơ bản về loại virus mới mặc dù hiểu rằng các nghiên cứu thường mất rất nhiều thời gian.
Các bệnh viện tại Vũ Hán, nơi bùng phát dịch bệnh nhiều tuần qua luôn rơi vào tình trạng quá tải. Người dân than phiền về tình trạng thiếu hụt đội ngũ y tế, thiết bị thử nghiệm và quá trình cách ly không an toàn.
Các cơ quan y tế của Trung Quốc dường như chỉ hành động mạnh mẽ sau các bình luận công khai của Chủ tịch Tập Cận Bình.
"Các quan chức nên thông báo thông tin về dịch bệnh một cách kịp thời và tăng cường hợp tác quốc tế", ông Tập nói.
Hôm 23/1, Vũ Hán ban hành lệnh cấm các phương tiện giao thông công cộng và hạn chế đi lại với người dân. Nhiều địa phương sau đó cũng áp dụng các lệnh phong tỏa tương tự. Nhưng một số chuyên gia dịch bệnh cho rằng giải pháp này khó hiệu quả và thậm chí còn phản tác dụng.
Theo các chuyên gia quen thuộc với hệ thống y tế công cộng của Trung Quốc, kỹ năng của Trung Quốc trong một số nhiệm vụ y tế công cộng cơ bản như điều tra ổ dịch còn nhiều hạn chế.
Thách thức mà Trung Quốc đang đương đầu hiện nay là không nhỏ. Ưu tiên hàng đầu của Chủ tịch Tập trong những năm qua là khôi phục tầm vóc của đất nước trên phạm vi toàn cầu. Điều đó bao gồm việc chứng minh cho thế giới thấy Trung Quốc có thể xử lý các vấn đề y tế nghiêm trọng. Nếu Trung Quốc thất bại hoặc tốn quá nhiều thời gian để ngăn chặn dịch bệnh, danh tiếng của Bắc Kinh và kể cả nền kinh tế nước này sẽ bị tổn hại không nhỏ.
"Điều rất rõ ràng là chính phủ đã chi rất nhiều tiền cho công nghệ, thu hút nhân tài từ nước ngoài và bạn mong đợi họ sẽ làm nhiều hơn vào thời điểm hiện tại", Yanzhong Huang, chuyên gia y tế công cộng ở Hội đồng quan hệ đối ngoại Trung Quốc cho hay.
Virus corona mới được cho là truyền từ động vật sang người trước khi lây truyền từ người sang người, cùng họ với virus gây dịch SARS. Các nhà khoa học tin rằng virus gây dịch SARS có nguồn gốc từ loài dơi và nhảy sang các vật chủ khác.
Kể từ SARS, Trung Quốc đã cải thiện vệ sinh tại các khu chợ ẩm ướt, nơi mua bán thực phẩm ưa thích của người Trung Quốc và tìm cách khuyến khích buôn bán động vật hoang dã tại các trang trại.
Cũng kể từ đại dịch khiến hàng trăm người thiệt mạng cách đây 17 năm, Trung Quốc tìm cách gia tăng ảnh hưởng tại Tổ chức Y tế thế giới WHO. Nhiều chuyên gia gần đây bày tỏ nghi ngờ về quyết định không tuyên bố dịch viêm phổi cấp tại Vũ Hán là cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu của WHO. Họ cho rằng tổ chức này có thể bị ảnh hưởng từ vị trí siêu cường của Trung Quốc
Theo WSJ, một trong những đóng góp lớn nhất của Trung Quốc cho hệ thống chăm sóc sức khỏe của chính họ trong những năm gần đây là xây các bệnh viện mới.
Theo các báo cáo, Vũ Hán trong 3 năm xây dựng 69 bệnh viện, nâng số bệnh viện tại thành phố này tính tới năm 2017 lên tới 335. Chính quyền thành phố này cũng tuyển dụng thêm 62% nhân lực cho lĩnh vực y tế, không tính tới số lượng không nhỏ robot làm việc tại một số cơ sở y tế.
Tuy nhiên, các bệnh viện tuyến đầu của Vũ Hán đang quá tải những ngày gần đây. Hôm 24/1, hàng chục máy xúc được huy động tới một cánh đồng để xây dựng một bệnh viện mới với 1.000 giường bệnh trong nỗ lực đối phó với dịch viêm phổi cấp.
Trước đó vài ngày, một số nhân viên bệnh viện thừa nhận họ đang thiếu hụt một loạt vật tư y tế, bao gồm khẩu trang, dụng cụ bảo vệ mặt, găng tay cao su, mũ và thuốc khử trùng.
Bình luận