Đi làm đội nón xanh, đi vệ sinh đội nón cam và phải trình diện giám sát, ghi rõ giờ vào, giờ ra nhà vệ sinh, không thực hiện đúng thì bị nhắc nhở, vi phạm 3 lần thì lập biên bản.
Chị Hoàng Thị Thùy Dung - công nhân làm việc tại công ty TNHH Daiwa Plastics Việt Nam (gọi tắt là Cty Daiwa), KCX Tân Thuận, quận 7, TP.HCM - trình bày, chị bị đi ngoài mà trong phòng không có nón, vì gấp” nên chị “liều mạng” đi vệ sinh mà không đội cái nón màu cam theo quy định của công ty.
Chị bị giám sát “bắt quả tang”, vì là vi phạm lần đầu đáng ra chị Dung chỉ bị nhắc nhở, nhưng vì hơn 10 năm làm việc ở công ty không vi phạm điều gì, nay lại bị nhắc nhở vì tội đi vệ sinh không đội nón, bức xúc chị đã cãi lại giám sát.
Chuyện đến tai Tổng giám đốc, chị Dung bị lập biên bản với 2 lỗi: “Cãi nhau trong giờ làm việc ảnh hưởng đến mọi người xung quanh và đi vệ vệ sinh không đội nón”. Chị Dung trình bày: “Tôi lý giải thì Tổng giám đốc chỉ nghe một phía rồi bắt tôi làm biên bản tường trình.
Quá bức xúc với nội quy khắt khe này, tôi đã nói chuyện này với một phóng viên, sau khi phóng viên đó đăng một cái tin khoảng 50 chữ thì tôi lại bị Tổng giám đốc đình chỉ công tác, với lý do điều tra - kiểm tra, xác minh làm rõ vấn các vấn đề liên quan đến việc chị Dung cung cấp thông tin cho phóng viên viết bài”.
Theo nội quy của công ty Daiwa, đồng phục làm việc, công nhân phải đội một cái nón màu xanh, khi đi vệ sinh thì phải thay cái nón màu xanh bằng cái nón màu cam và báo cáo với giám sát, ghi rõ giờ ra, giờ vào nhà vệ sinh trong “Bảng ghi chép nhân viên đi ra ngoài”. Chị Dung - công nhân bị công ty Daiwa Plastics Việt Nam cho thôi việc chỉ vì đi vệ sinh không đội nón đúng màu.
Trung bình gần 20 người sẽ có một cái nón cam để thay nhau đội, thay nhau đi vệ sinh. Tùy theo mỗi tổ có bao nhiêu người mà số lượng nón công ty phát cho mỗi tổ từ 1 đến 5 cái. Nếu công nhân đi vệ sinh không đội nón bị giám sát bắt được, nhắc nhở 2 lần thì sẽ bị lập phiếu vi phạm. Theo quy định của thì sau khi lập phiếu vi phạm, tái phạm sẽ bị cảnh cáo, tái phạm lần nữa sẽ bị kỷ luật, đuổi việc.
Mỗi doanh nghiệp có một cách quản lý riêng, quy định đội nón cam đi vệ sinh như của Cty Daiwa cũng còn “nhẹ nhàng” so với nhiều công ty thuê luôn giám sát ngồi ngay cửa nhà vệ sinh mà canh thời gian công nhân đi vệ sinh.
Bà Phạm Thị Tuyết Nga -Trưởng phòng nhân sự công ty Daiwa - cho rằng quy định đội nón cam đi vệ sinh có từ tháng 6/2012, trước đó công nhân đi vệ sinh phải đeo thẻ, sau mới chuyển sang nón. Để áp dụng quy định này, công ty có thử nghiệm 2 tuần ở công nhân, nhưng không ai có ý kiến nên áp dụng luôn.
Bà Nga khẳng định, việc đội nón cam đi vệ sinh nằm trong quy định bắt buộc về đồng phục, được trích từ nội quy đã trình lên Ban quản lý các KCN-KCX TP.HCM nên không có gì là sai trái. Bà Nguyễn Thị Ngọc Diệp - Phó giám đốc công ty Daiwa - cho rằng, việc quy định công nhân đi vệ sinh phải đội nón màu cam là cách quản lý, để công ty biết công nhân đó đang đi đâu, làm gì, chứ không phải khống chế số lượng người đi vệ sinh trong một khoảng thời gian nhất định, nếu công nhân bức xúc, có nhu cầu cao thì đề nghị với tổ trưởng, tổ trưởng đề xuất lên, lãnh đạo Cty sẽ cấp thêm nón để công nhân đi vệ sinh! Còn về trường hợp của chị Dung, hiện công ty cũng chưa có hướng giải quyết cụ thể.
Ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch Công đoàn cơ sở công ty Daiwa - cho biết, nếu anh chị em công nhân yêu cầu được cấp thêm nón hoặc bức xúc bỏ quy định về việc đội nón cam đi vệ sinh thì anh chị em công nhân có đơn gửi lên CĐ, BCH CĐ sẽ làm việc với Ban giám đốc để có hướng giải quyết, nếu không được nữa thì nhờ đến CĐ cấp trên can thiệp. Trước mắt, trường hợp của chị Dung, CĐ sẽ liên hệ và làm việc trực tiếp để hỗ trợ khi chị Dung có yêu cầu.
Theo Lao Động
Bình luận