• Zalo

Đi tìm lá diêu bông của người Mường Xứ Thanh

Phóng sự - Khám pháChủ Nhật, 08/12/2013 03:00:00 +07:00Google News

Nếu ai có được một chiếc lá của loại cây này người đó sẽ nhanh chóng chiếm được tình cảm của người mình yêu.

“Em đố ai tìm được lá diêu bông, em xin lấy làm chồng”. Nếu ai có được một chiếc lá của loại cây này người đó sẽ nhanh chóng chiếm được tình cảm của người mình yêu.


Tưởng như chiếc lá kỳ diệu đó thật ra chỉ có trong thơ, trong nhạc, vậy mà tại một ngôi làng heo hút bên bờ sông Mã nằm cách biệt với thế giới bên ngoài từ bao đời bao kiếp, người dân truyền tai nhau kể về một loại cây kỳ diệu mang tên diêu bông mọc bên vách đá cheo leo trên núi nàng Ờm đầu làng.

Gian nan đi tìm lá

Trong một ngày xế chiều, bên quán trà đá quen thuộc ven đường, chúng tôi thuận miệng hát “Lời ru buồn...” của nhạc sĩ Trần Tiến, một người bạn trong nhóm khơi chuyện “Liệu trên đời này cây diêu bông có thật hay không?”, bất ngờ, một vị khách ngồi ở bàn kế bên nói rõ “có đấy, ở một huyện nghèo nằm ở tỉnh Thanh Hóa có một cây diêu bông, nghe nói linh thiêng lắm, nhưng cụ thể nằm ở vùng nào thì tôi không rõ lắm”.

Đem theo câu chuyện về lá diêu bông của người khách lạ, tôi tìm đến tận nhà một người bạn vốn từ lâu đã hăng say nghiên cứu nền văn hóa Xứ Thanh, ông bạn tôi cho biết: “Tại làng Côn, xã Ái Thượng, huyện Bá Thước đúng là có một cây diêu bông, nhưng tôi cũng mới nghe nói, chứ chưa từng được tận mắt nhìn thấy”.

Lần theo một vài chi tiết ít ỏi có trong địa chỉ, tôi tìm về làng Côn trong một ngày cuối thu. Sau khi vượt một đoạn đường cheo leo dốc núi, thuê người lái con thuyền độc mộc chông chênh bơi qua con sông Mã hung dữ, tôi tìm được ngôi làng hiện đang sở hữu cây diêu bông tưởng chỉ có trong thơ, trong nhạc. Hỏi thăm một người trong thôn về loài cây kỳ diệu, mọi người ai cũng nhìn chúng tôi với ánh mắt ngờ vực “không có đâu, các anh tìm nhầm rồi”.

Nếu ai có được một chiếc lá của loại cây này người đó sẽ nhanh chóng chiếm được tình cảm của người mình yêu.  

Không từ bỏ, tôi tìm về nhà ông Trương Văn Thanh - Bí thư chi bộ làng Côn, mang niềm tâm sự của mình đến với ông, ông tiết lộ: “Đúng là làng tôi có một cây diêu bông, nhưng người làng tôi luôn giữ bí mật về nó, nếu anh không phải nhà báo thì tôi cũng sẽ không tiết lộ cho đâu”. Qua câu chuyện giữa tôi và ông, hóa ra bên cạnh cây diêu bông còn chứa đựng một chuyện tình thấm đẫm nước mắt lưu truyền cho tận ngày nay.

Ông Thanh kể: Ngày xưa, quê tôi gọi cây này là cây bùa yêu, nhưng sau này khi bài “Sao em nỡ vội lấy chồng” ra đời, người làng tôi gọi luôn cây này là cây diêu bông, bởi chúng tôi quan niệm nếu ai lấy được lá cây bùa yêu thì người đó sẽ nhanh chóng chiếm được tình cảm của người mà mình ngày đêm thương thầm nhớ trộm, nhưng từ xưa đến giờ vẫn chưa có ai hái được lá cây này.
Mối tình đầy nước mắt của nàng Ờm

Trong những ngày đi thực tế tại làng Côn, tôi được các cụ già cao tuổi kể cho nghe về câu chuyện tình đầy nước mắt của nàng Ờm chung thủy: Ngày xưa, đã lâu lắm rồi ở tận xứ Mường, tỉnh Hòa Bình, có một người con gái con nhà chúa đất có tên là nàng Ờm. Nàng yêu da diết một người con trai trong bản, nhưng bố mẹ nàng lại kịch liệt phản đối bởi nhà chàng trai quá nghèo, quanh năm phải đi làm thuê cho các nhà giàu quanh bản.

Để đến được với nhau, hai người quyết định từ biệt bản làng tìm đến một vùng đất mới, nhưng hễ cứ đi đến đâu gia đình nhà gái lại đến bắt cô về, rồi cho người đánh cho chàng trai một trận thập tử nhất sinh. Rồi họ quyết định đi thật xa, địa điểm dừng chân là địa phận làng Côn, thuộc tỉnh Thanh Hóa ngày nay, nhưng lúc này sau bao ngày chạy trốn trước sự truy sát của gia đình cô gái, sức cùng lực kiệt cộng thêm nội thương từ những trận đòn lần trước giờ mới bộc phát, chàng trai lâm bệnh nặng thổ huyết mà chết và hóa thân thành ngọn núi Làn Mún.

Quá đau thương trước cái chết của người mình yêu, người con gái đã hóa thân thành ngọn núi nàng Ờm, nằm sát bên cạnh núi Làn Mún, linh hồn của nàng biến thành cây bùa yêu mọc giữa lưng chừng núi với mong muốn thế hệ sau này khi đã yêu thương nhau sẽ không có bất kỳ ai có thể chia lìa được họ. Và cũng từ đó cây bùa yêu trở thành đối tượng để các chàng trai chứng tỏ bản lĩnh leo núi, chinh phục độ cao với mong mỏi hái được “lá thần”. Nhưng từ xa xưa cho đến tận bây giờ, đám trai làng Côn vẫn chưa có bất kỳ ai hái được lá bùa yêu cho dù chỉ là một nhánh nhỏ.

Tin về cây bùa yêu được lan truyền rộng khắp, ngày càng có nhiều người tìm đến hái lá nhưng chưa có ai đạt được kết quả như mong muốn. Vị trí cây bùa yêu mọc cheo leo nằm ngay giữa vách đá dựng đứng, bên dưới là hồ nước rộng được thông ra sông Mã. Một điều kỳ lạ là xung quanh cây bùa yêu không có hề bất cứ một loại cây nào mọc bên cạnh. Nhiều người mạnh dạn trèo lên vách đá, nhưng họ không thể tiếp cận gần cây do vị trí quá dốc và trơn, xung quanh không có bất cứ một loại cây nào có thể đeo bám.

Có nhiều người mang súng săn đến bắn, nhưng lạ kỳ thay cứ hễ chiếc lá nào rơi xuống nước sẽ có một bầy cá to lớn nằm trong hang sâu dưới lòng hồ lập tức lao đến tranh nhau đớp lá. Nhiều người “ế vợ” công phu đầu tư mua lưới giăng kín mặt hồ, dự định dùng súng bắn nếu lá rụng sẽ vướng vào lưới không bị rơi xuống nước. Những tay xạ thủ cung tiễn được huy động, nhiều mũi tên bắn trúng lá bùa yêu, nhưng khi lá vừa rơi xuống mặt hồ bỗng nhiên gió ở đâu nổi lên, một trận “phong thần” cuốn chiếc lá ra giữa sông, thoát khỏi thế trận lưới đánh cá.

Các cụ già cao tuổi vẫn còn nhớ rõ, kể lại: “Vào năm 1980, có một đoàn bộ đội đặc công quân đội nhân dân Lào đi ngang qua, nghe kể chuyện về cây bùa yêu, họ đã trèo lên ngọn núi Nàng Ờm rồi thả dây đu mình xuống, nhưng do cây bùa yêu mọc sâu vào trong núi nên không thể cho tay vào để bứt lá”.

Hiện nay, vào những ngày rằm, ngày lễ thỉnh thoảng vẫn có những người từ các vùng khác nhau đến bày đồ cúng ngay phía bên bờ hồ gần chân núi Nàng Ờm. Đồ lễ có khi chỉ là một chai rượu, vài nén hương, hoặc vài đồng tiền cầu mong cho hạnh phúc lứa đôi. Trong số những “tín đồ” đến thờ cúng, có cả các thầy mo, thầy bùa tới để cầu xin được ban phát sức mạnh tâm linh, giúp họ trở thành những ông thầy cao tay trong thế giới bùa ngải huyền bí.
Đi tìm lá diêu bông

Sau một hồi năn nỉ, ông Bí thư chi bộ khó tính đã cử người cháu họ của ông là anh Trương Ngọc Thành dẫn tôi ra ngọn núi Nàng Ờm nơi có cây diêu bông ngự trị. Vượt qua một cánh đồng lúa, nương ngô, anh Thành dẫn tôi đến đầu ngọn núi Làn Mún, núi Nàng Ờm. Hai ngọn núi giờ trông như một hòn đảo nhỏ được nước sông bao quanh.

Theo như anh Thành giới thiệu, muốn lên núi Nàng Ờm buộc phải đi bộ qua một khu rừng Trúc có nhiều cây thị cổ thụ, đây là nơi ngự trị của rất nhiều loài rắn độc như: Hổ mang, cạp nong, rắn lục..., rắn không biết ở đâu kéo về mà nhiều vô kể, sống thành từng bầy lớn trong các gốc thị mục rỗng xù xì. Tính trung bình cứ mỗi gốc cây thị có một đàn rắn trú ngụ.

Nhiều người cho rằng các loài rắn độc tụ họp về đây để bảo vệ sự linh thiêng cho cây diêu bông, tránh bị rơi vào tay kẻ xấu, người khác lại giải thích: “Quả thị chín rụng xuống, các loài côn trùng sẽ kéo đến ăn. Cóc, nhái, ếch đến ăn côn trùng, còn rắn sẽ đến ăn thịt ếch, nhái”.

Anh Thành tiết lộ cho tôi một bí mật: “Ngày xưa, rắn độc ở đây nhiều vô kể, không ai dám lại gần khu vực này, nhiều khi rắn còn bò cả xuống làng, nhưng chưa thấy ai bị rắn cắn. Nhưng hễ có bất kỳ ai có ý định lên núi hái lá thì đều bị một con rắn chúa to như thân cây tre lao ra dọa, buộc phải tháo chạy”.

Cây bùa yêu sau này được người làng đổi tên thành cây diêu bông đứng hiên ngang giữa lưng chừng ngọn núi Nàng Ờm hùng vĩ, nó như một lời thách thức đối với trai làng Côn và trai làng khác. Nhưng có một sự thật: Trai làng Côn vẫn lấy gái làng Côn mà chẳng cần phải tốn công leo núi đi tìm lá diêu bông.

TheoLô Giang - Lao Động
Bình luận
vtcnews.vn