Ngày 1/11, thảo luận trên diễn đàn Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu đã đề cập đến lương hưu của lao động nữ kể từ đầu năm 2018.
Theo quy định hiện hành, người lao động đóng bảo hiểm xã hội 15 năm được hưởng lương hưu bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội. Sau khi đạt tỷ lệ này, cứ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội, lao động nữ được tính thêm 3%, nam là 2%.
Tuy nhiên, quy định trên sẽ thay đổi từ ngày 1/1/2018 theo cách tính tỷ lệ phần trăm hưởng lương theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. Cụ thể, người lao động đóng đủ 15 năm bảo hiểm xã hội thì cả nam và nữ sẽ "cào bằng", đều được tính thêm 2%. Và với cách tính này, lao động nữ sẽ phải đóng đủ 30 năm bảo hiểm xã hội mới được hưởng lương hưu tối đa 75%, thay vì chỉ cần 25 năm như trước.
Đại biểu Nguyễn Thị Như Ý lo ngại, thay đổi nêu trên sẽ ảnh hưởng tới hàng triệu lao động nữ và lâu dài sẽ tác động tới chính sách an sinh, bảo hiểm xã hội của Nhà nước.
"Đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét cho lùi thời hạn thực hiện chính sách thay đổi lương hưu trên để đảm bảo quyền lợi lao động nữ", nữ đại biểu tỉnh Đồng Nai kiến nghị.
Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) cũng kiến nghị lùi thời gian thay đổi chính sách lương hưu với lao động nữ từ đầu năm tới để đảm bảo sự công bằng, bình đẳng giới.
Giơ biển tranh luận với đại biểu Như Ý, ông Bùi Sĩ Lợi - Phó chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội, cho hay trước đây luật quy định nam là 2%, nữ 3%. Nhưng đến năm 2014, với tinh thần bình đẳng giới nên "chúng ta quy định nam và nữ đều 2%". Quy định này sẽ khiến cho lao động nữ giảm 4% tiền lương hưu từ đầu năm 2018.
Video: Giáo viên công tác 37 năm, lương hưu 1,3 triệu đồng - Bộ GD&ĐT yêu cầu sửa luật
Tuy nhiên, ông Lợi cũng nhìn nhận, nếu kéo dài chính sách hiện hành thêm 5 năm để phụ nữ được hưởng theo tỷ lệ 3% như trước đây thì tác động đến quỹ bảo hiểm xã hội không lớn.
"Uỷ ban các vấn đề xã hội ủng hộ kéo dài thêm mấy năm tính theo công thức cũ để phụ nữ đỡ thiệt thòi so với nam giới. Chúng tôi nghĩ tác động không lớn, đề nghị Quốc hội ủng hộ, Thường vụ Quốc hội có ý kiến để chúng ta cho tính công thức lương hưu như cũ", ông Lợi nói thêm.
Bình luận