Chiều 24/10, Quốc hội thảo luận tại Tổ về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành (tỉnh Đồng Nai). Nếu được Quốc hội thông qua, dự án với tổng mức đầu tư 111.689 tỷ đồng, tương đương 4,779 tỷ USD, sẽ được đưa vào khai thác từ năm 2025. Công suất giai đoạn 1 dự kiến là 25 triệu hành khách/ năm.
Liên quan đến vấn đề này, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội, Bí thư Hà Giang Đặng Quốc Khánh cho rằng: Mối lo lớn nhất trong quá trình triển khai dự án vẫn là vấn đề giải phóng mặt bằng, đảm bảo tiến độ, vì các dự án thường tắc ở khâu này.
Theo ông Đặng Quốc Khánh, về hình thức lựa chọn nhà đầu tư, hai đơn vị hàng không được giao nhiệm vụ triển khai dự án cũng là hai doanh nghiệp nhà nước. Ông Khánh lưu ý cần quan tâm tới việc quản lý vốn của doanh nghiệp. Vì bản chất vẫn là nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, nên phải được quản lý và có sự giám sát chặt chẽ, nếu không tình trạng đội vốn sẽ xảy ra.
Bí thư Hà Giang nhấn mạnh, việc huy động vốn làm sân bay Long Thành khi giao cho doanh nghiệp thì phải chịu trách nhiệm về tính hiệu quả dự án. "Bài toàn lỗ lãi thế nào, trong bao nhiêu năm cần phải rõ. Nếu Quốc hội thông qua, sau này lại điều chỉnh, đầu tư lại không hiệu quả thì rất phức tạp", ông Khánh nói.
Ngoài vấn đề đầu cơ đất đai, nhiều đại biểu đề nghị hết sức lưu ý đến việc huy động vốn, lựa chọn nhà đầu tư, vì dự án này liên quan đến vấn đề quốc phòng an ninh. Vì vậy, nhiều ĐB đồng tình với phương án huy động vốn trong nước, chứ không phải vốn nước ngoài, vốn ODA.
Trong khi đó, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái kiến nghị việc thuê giám sát nước ngoài để loại trừ các mối quan hệ có thể tác động đến việc tổ chức thi công dự án sân bay Long Thành.
Ông Lê Minh Khái khẳng định đây là dự án trọng điểm quốc gia, có liên quan đến an ninh, quốc phòng nên giao cho các doanh nghiệp Nhà nước có chức năng quản lý, đủ thẩm quyền thực hiện sẽ thấy yên tâm.
Tổng Thanh tra Chính phủ cũng đưa ra các cảnh báo về công tác giám sát, quản lý phải hết sức chặt chẽ ngay từ giai đoạn thiết kế, giao thầu đến thi công. Ông Lê Minh Khái đề nghị Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hết sức quan tâm đến công tác kiểm tra, thanh tra trong quá trình thực hiện, đặc biệt là khâu giám sát. Theo đó, có thể thuê giám sát nước ngoài để loại trừ hết tất cả các mối quan hệ có thể tác động đến việc tổ chức thi công dự án.
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, nếu kiểm tra, kiểm soát chấn chỉnh kịp thời thì khắc phục những hậu quả, sai sót, hạn chế nếu có sẽ dễ hơn, vừa không mất tiền của Nhà nước, của xã hội, vừa không phải xử lý mất cán bộ.
Bổ ích
Xúc động
Sáng tạo
Độc đáo
Phẫn nộ
Bình luận