• Zalo

ĐBQH bất bình với quảng cáo 'coi thường' phụ nữ

Thời sựThứ Hai, 14/11/2011 06:26:00 +07:00Google News

(VTC News) - Các quảng cáo phát đi một thông điệp méo mó là phụ nữ thì suốt ngày phải lo việc nội trợ phục vụ chồng, chiều con…

(VTC News) – Quảng cáo nếu không nhằm góp phần nâng cao bình đẳng giới, chống phân biệt đối xử với phụ nữ và trẻ em thì rất dễ góp phần duy trì tạo nên các định kiến về giới.

Ý kiến này được nhiều ĐBQH đồng tình tại buổi thảo luận tại Hội trường ngày 14/11 về dự án Luật quảng cáo.

Bất bình với quảng cáo tạo định kiến về giới

ĐB Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) cho rằng, quảng cáo nếu không nhằm góp phần nâng cao bình đẳng giới, chống phân biệt đối xử với phụ nữ và trẻ em thì rất dễ góp phần duy trì tạo nên các định kiến về giới.


Theo ĐB Nguyệt, hiện nay trên truyền hình xuất hiện những quảng cáo sản phẩm liên quan đến gia đình như nước lau sàn, nước rửa bát, nồi cơm điện, gia vị, thực phẩm, máy giặt, tủ lạnh... hầu hết các nhân vật trong clip quảng cáo là phụ nữ.


Hình ảnh những người phụ nữ liên tục chăm sóc con cái, nấu ăn trong bếp, chọn hàng trong siêu thị, lau rửa nhà vệ sinh, giặt giũ quần áo... Trong khi đó hình ảnh người đàn ông thì nam tính hơn ở các hoạt động nước uống, xe máy, xe hơi, điện thoại di động, tivi...

“Như vậy, các quảng cáo này phát đi một thông điệp méo mó là phụ nữ thì suốt ngày phải lo việc nội trợ phục vụ gia đình, phục vụ chồng và chiều con… Tôi đề nghị cần nghiên cứu lại xem dự thảo luật đã giúp tăng cường bình đẳng giới hay làm cho tình trạng bất bình đẳng giới thêm trầm trọng hơn?!” – ĐB Nguyệt nói.


ĐBQH Lê Thị Nguyệt (Ảnh: TTXVN). 

ĐB Nguyệt đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật quy định rõ việc cấm các quảng cáo có nội dung tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến người xem và sự phân biệt đối xử không công bằng giữa nam và nữ. Cùng với đó, bổ sung quy định rõ về trách nhiệm của cơ quan chủ quản các cấp trong lĩnh vực quảng cáo, truyền thông nếu để xảy ra sai phạm về vấn đề này.


ĐB Nguyễn Văn Minh (TP.HCM) cũng chung quan điểm, theo ĐB này, số quảng cáo gây khó chịu về bình đẳng giới hiện nay tuy không nhiều, nhưng một lúc nào đó khi người xem quảng cáo có cảm giác bất bình hơn trước cách cư xử với phụ nữ trong hình ảnh quảng cáo, bất bình bởi cách cư xử thiếu tôn trọng trong quảng cáo có thể lây lan trong đời sống thực.

“Tôi kiến nghị phải có nội dung này trong các hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo của luật” – ĐB Minh nói.


ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) cũng đồng tình đề nghị không dùng những hình ảnh phân biệt đối xử giữa bình đẳng giới trong quảng cáo.


Liên quan đến trẻ em trong quảng cáo, ĐB Khá đề nghị, trước khi quảng cáo phần đầu phải ghi lời khuyến cáo. “Ví dụ sữa mẹ là tốt nhất cho sức khỏe và sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thì ở trên các phương tiện thông tin đại chúng đọc rất nhanh để cho mọi người nghe không kịp, có nghĩa là chỉ… é é là xong, không ai hiểu được”.

Về hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo, ĐB Khá cũng đề nghị bổ sung không dùng trẻ nhỏ để quảng cáo.

ĐB này dẫn chứng: “Về quảng cáo sản phẩm giúp cho trẻ biếng ăn thì có 3 trẻ nhỏ, một trẻ thì chạy trốn, một trẻ thì bụm miệng, một trẻ nói dối là đau bụng thì mẹ sẽ tin ngay, các trẻ nhỏ xem nó có học nói dối theo không?”.


Quảng cáo băng rôn: nên bỏ hay chưa?

Về bỏ qui định cấp giấy phép quảng cáo trên biển quảng cáo băng rôn trong dự án Luật, ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, xu hướng thì phù hợp nhưng chúng ta nên tính đến là như vậy đã nên bỏ hay chưa?


“Việc quảng cáo trên các biển quảng cáo, băng rôn tại hầu hết các đô thị hiện nay đang hết sức phức tạp, quảng cáo lộn xộn, mất mỹ quan diễn ra phổ biến. Điều kiện căn bản để bỏ qui định cấp giấy phép hộp quảng cáo ngoài trời là có quy hoạch quảng cáo, hiện mới có 33/63 tỉnh thành có quy hoạch và chất lượng quy hoạch còn hạn chế.

Đội ngũ cán bộ quản lý quảng cáo ở địa phương còn thiếu và yếu. Lực lượng thanh tra mỏng và
chế tài xử phạt chưa đủ mạnh, cho nên theo tôi chưa nên bỏ quy định cấp giấy phép” – ĐB Tuyết nêu ý kiến.
ĐB Nguyễn Văn Minh (TP.HCM) “kiến nghị Quốc hội nên cân nhắc thêm điều này để đảm bảo tính khả thi khi quyết định bỏ thủ tục cấp phép đối với loại hình quảng cáo này” – ĐB Minh nói.


Còn ĐB Đặng Công Lý (Bình Định) ghi nhận, bỏ cấp phép là một bước tiến của cải cách thủ tục hành chính, tuy nhiên cần phải cân nhắc. “Tôi thấy chúng ta chưa có đủ điều kiện để quản lý cho tốt những mặt còn kém, do vậy theo tôi nên giữ cấp phép” – ĐB Lý nói.


Một nội dung khác được nhiều ĐB quan tâm thảo luận, đó là Luật Quảng cáo nên chú trọng tập trung điều chỉnh hạn chế các vấn đề đang gây nhiều bức xúc hiện nay trong hoạt động quảng cáo như: quảng cáo sai sự thật, mang tính lừa đảo, quảng cáo gây mất mỹ quan, thiếu văn hóa, vi phạm thuần phong mỹ tục gây phản cảm trong xã hội, quảng cáo ồn ào ảnh hưởng đến giao thông môi trường, quảng cáo trá hình trong các phương tiện thông tin đại chúng.


Nhiều ĐB cho rằng, hiện nay Bộ Thông tin và truyền thông (TT&TT) đã có sẵn bộ máy vừa quản lý nội dung thông tin tuyên truyền, vừa kiểm soát về quảng cáo.


Hiện cả nước có 745 cơ quan báo chí với 1.003 ấn phẩm, 67 đài truyền hình và phát thanh của TW và địa phương với gần 200 kênh chương trình.


Tính đến tháng 11/2010 cả nước có 34 báo điện tử, 66 trang thông tin điện tử, 43.575 trang web được cấp phép - với số lượng phương tiện truyền thông hùng hậu như vậy thì nguồn lực để quản lý hoạt động quảng cáo là không nhỏ.

Một lý do khác bản chất của quảng cáo là thông tin, là truyền thông, kể cả quảng cáo ngoài trời cũng là thông tin bằng hình ảnh.


Trong thông tin quảng cáo không chỉ có yếu tố văn hóa thuần phong mỹ tục mà còn liên quan đến nhiều yếu tố khác như vấn đề đạo đức, vấn đề xã hội, vấn đề khoa học, thậm chí các khía cạnh chính trị.


Vì vậy, các ĐB đề nghị, Bộ TT&TT cần phải quản lý thông tin quảng cáo cho thống nhất với nội dung tuyên truyền nhằm đảm bảo tính định hướng đúng đắn của các phương tiện truyền thông.



 Kiều Minh

Bình luận
vtcnews.vn