Trong hoạt động kinh doanh mua bán, người bán hàng rõ ràng phải tính đến yếu tố hàng tồn.
Thời điểm trước Tết, tầm 23 - 24 Âm lịch, người bán bán được giá cao thì không ai kêu. Đến chiều 30 Âm lịch, hàng tồn, cây cảnh cũng xấu hơn, thương nhân không bán được giá như kỳ vòng quay ra đổ lỗi cho người mua rằng ép giá.
Trong hoạt động kinh doanh buôn bán, cứ thuận mua vừa bán. Lúc bán, ai cũng muốn bán giá cao, còn người mua rõ ràng sẽ muốn mua giá thấp.
Thời điểm bán được hàng sẽ không ai nói gì, nhưng khi không bán được giá cao, giá như mình mong muốn, phải bán giá thanh lý, nhiều người kêu ca, lên tiếng, thậm chí đập bỏ hàng. Có rất nhiều người ủng hộ quan điểm này. Cá nhân tôi không ủng hộ.
Tại sao lại như thế?
Đơn giản là vì quất, đào hay cây cảnh thì không phải là mặt hàng thiết yếu. Trong thời điểm kinh tế đang khó khăn, rõ ràng người tiêu dùng phải lựa chọn giữa việc ưu tiên mua cái nào trước, cái nào mua sau và cái nào có thể không mua. Người ta chỉ mua cái không thiết yếu khi giá của chúng rẻ, còn khi chúng đắt, họ sẽ không mua.
Người bán không bán được giá theo ý mình, quay qua đổ lỗi cho người mua. Đây là quan điểm lạ.
Thêm nữa, nếu đúng cứ bán theo giá cao, bán hết hàng, không tồn kho thì đó là kịch bản ấm no. Nhưng chẳng lẽ người bán không tính đến yếu tố rủi ro?
Cuối cùng, nếu các thương nhân không bán được hàng, họ không mang về lại vứt bỏ ngoài đường. Tôi quan sát nhiều phố bày bán đào, quất, cây cảnh Tết ở Hà Nội đến chiều 30 là hàng hoá này bị vứt bỏ, la liệt khắp nơi. Việc này sẽ trở thành gánh nặng cho người làm vệ sinh môi trường.
Ai cũng thế thôi, ai cũng muốn có một cái Tết đủ đầy, tiền tiêu rủng rỉnh, mua sắm không phải nghĩ. Những người có tiền sẽ mua sắm từ sớm. Họ chơi cây cảnh, ngắm quất, ngắm đào từ sớm. Còn những người thu nhập tầm trung và ít tiền, họ sẽ đợi rẻ mới mua. Vậy phải chăng người bán chỉ nhắm bán cho người có tiền, còn người thu nhập thấp thì họ không bán sao?
Chiều 9/2 (30 Tết), phóng viên VTC News ghi nhận nhiều chợ bán hoa Tết tại TP.HCM hay các phố ở Hà Nội vẫn thấy cảnh tượng đập bỏ hoa diễn ra như các năm. Nhiều người vẫn nghĩ những chậu hoa bị đập bỏ là không bán được, nhiều bình luận gay gắt chỉ trích người bán "làm giá", cố tình phá hủy hàng hóa để không phải bán rẻ.
Một số tiểu thương cho biết, số hoa bị đập bỏ đều là những loại héo úa không có người mua, không thể chăm sóc tiếp, nếu chở về sẽ rất tốn chi phí nên họ đành đập bỏ.
Bạn có đồng tình với ý kiến trên? Hãy chia sẻ ý kiến ở box bình luận bên dưới.
Bình luận