Trong đêm nhạc này, khán giả được thưởng thức những tác phẩm nổi tiếng được cả thế giới yêu mến như Triple Concerto của Beethoven, Symphonic Dance, OP.45 của Rachmaninoff, Slavonic Dance NO 2,6,8 của Dvorak và Hungarian Dance No 1,5,6 của Brahm.
Với sự hình thành trải qua bao nhiêu thế kỷ, âm nhạc cổ điển được đánh giá là một hình thuật nghệ thuật được sử dụng một cách tinh tế để thể hiện những bản sắc, hình ảnh của xã hội tại các thời điểm khác nhau. Tuy nhiên, để có thể đem âm nhạc cổ điển đến gần hơn với khán giả, đặc biệt tại Việt Nam, đó là một thử thách mà bất cứ ban tổ chức nào cũng phải suy nghĩ một cách thấu đáo.
Thật may mắn, xuyên suốt những năm gần đây, Dàn nhạc giao hưởng Sài Gòn đã tạo ra những làn sóng mới, đưa những chủ đề mới lạ, gần gũi với người nghe để dễ dàng truyền tải sự tinh hoa của thể loại nghệ thuật này.
Tại Liên hoan âm nhạc cổ điển quốc tế lần thứ 2 với sự tham gia của các nghệ sĩ trong và ngoài nước đã tạo ra một sức hút vô cùng lớn để chứng tỏ rằng chúng ta đã đủ khả năng để mang đến những chương trình chất lượng. Chương trình thành công phải kể đến sự tài hoa của các nhạc công như Richard Bamping, Choi Hokyong và Fan Ting.
Trong phần đầu của buổi diễn, chúng ta đã được thưởng thức sự kết hợp nhịp nhàng và hoàn hảo từ Piano, Cello và Violin. Về mặt kỹ thuật, đây là một trong những điều “điên rồ" mà Beethoven đã khuấy đảo cả một cộng đồng bởi ba nhạc cụ này không hề đơn giản để kết hợp.
Cùng với đó là một sự bất ngờ đến từ ông Fan Ting, một trong những nhà nhạc trưởng quen thuộc với những chương trình lớn tại Việt Nam. Lần này, ông không chỉ là một nhà nhạc trưởng, mà sẽ còn đảm nhiệm vai trò độc tấu violin. Được mệnh danh là thần đồng violin, từng giây phút trình diễn của ông đã chiếm được sự thán phục và ngưỡng mộ của cả khán phòng.
Với chủ đề “From Beethoven to Rachmaninoff: A Romantic Era", dàn nhạc đưa toàn bộ khán phòng trở về với thời kỳ lãng mãn bắt đầu bởi sự tiên phong của Beethoven để rồi được kế thừa bởi các nhà soạn nhạc về sau như Brahm, Dvorak và Rachmaninoff.
Có thể nói rằng Rachmaninoff đã đặt một nét chấm cực kỳ khó phai của phong cách lãng mạn với những giai điệu mang tâm trạng, cảm xúc, và chất riêng của ông khiến các nhạc công về sau cũng phải đau đầu để có thể đem lại đúng cảm giác mà chính Rachmaninoff tạo ra.
Sự nỗ lực không ngừng nghỉ của ban tổ chức để đặt bệ phóng vững chắc cho sự phát triển lâu dài của âm nhạc cổ điển và tiếp lửa cho tình yêu và đam mê của khán thính giả trên khắp đất nước. Hy vọng rằng, sau sự thành công của cả hai Liên hoan âm nhạc cổ điển quốc tế, chúng ta sẽ còn được thưởng thức và trải nghiệm nhiều những sự kiện âm nhạc tầm cỡ, có quy mô và tiêu chuẩn quốc tế nhiều hơn nữa.
Bình luận