• Zalo

Đại tá quân y Việt Nam và ca mổ gay cấn cứu sản phụ Campuchia giữa chiến trường Siem Reap

Thời sựThứ Năm, 26/09/2019 12:06:00 +07:00Google News

Không mổ, sản phụ sẽ chết nhưng mổ vẫn có thể chết, ca phẫu thuật đã được thực hiện trong ánh sáng từ máy phát điện quay tay, và rồi đang rạch thì điện tắt...

Hôm nay (26/9), tròn 30 năm quân tình nguyện Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ quốc tế, cùng quân dân Campuchia đánh bại mưu toan phục hồi chế độ diệt chủng Pol Pot – Ieng Sary, để có một đất nước Chùa Tháp hồi sinh từ đau thương.

Đã 3 thập kỷ trôi qua, trong tâm trí Đại tá Quân y Nguyễn Hữu Chí vẫn in rõ những hình ảnh, sự kiện, cảm xúc về những ngày phục vụ trên chiến trường Campuchia, hỗ trợ nước bạn đánh Khmer Đỏ. Trò chuyện với phóng viên VTC News, vị bác sĩ quân y hồi tưởng về những kỷ niệm không thể quên.

Ca mổ thót tim

Huyện Varin (tỉnh Siem Reap, Campuchia) là địa bàn đứng chân của Trung đoàn 271 (E271) thuộc Sư đoàn 302 (F302) để truy quét tàn quân Pol Pot. Lúc này, bác sĩ Nguyễn Hữu Chí là Đại đội phó Đại đội Quân y (C23) E271 giai đoạn 1985 - 1987.

cuuc-chien-binh-campuchia-4

Đại tá - Bác sĩ Nguyễn Hữu Chí (ở giữa) khi ở chiến trường Campuchia.

Ngoài việc nhiệm vụ cấp cứu thương bệnh binh, Bệnh xá Quân y vẫn thường xuyên cứu chữa cho người Campuchia. Khoảng 17h một ngày tháng 3 năm 1987, Bệnh xá C23 tiếp nhận một sản phụ bản xứ đã chuyện dạ ngày thứ năm. Sản phụ hốc hác này xấp xỉ 30 tuổi, sốt cao tới  40 độ C, da xanh, niêm mạc nhợt. 

Người nhà cho biết, sản phụ chuyển dạ đã 5 ngày. Nghe các triệu chứng thì có thể vỡ ối từ ngày thứ hai. Tôi không nghe được tim thai, bụng của sản phụ nhỏ lại, ít đau hơn”, bác sĩ Chí kể, nhớ lại rằng người phụ nữ được bôi một hỗn hợp sền sệt suốt từ rốn đến phần phụ, mùi hôi bốc lên. Các bác sĩ chẩn đoán thai chết lưu, người mẹ sốt nhiễm trùng, nhiễm độc, cần nhanh chóng phẫu thuật để cứu sản phụ. 

Qua phiên dịch, bác sĩ Chí trao đổi với người nhà về hiện trạng bệnh nhân, nói rõ phương pháp giải quyết và khuyên nên chuyển sản phụ ra Chong Kal. 

Thế nhưng, nếu dùng cáng hoặc chở bằng xe bò, họ phải mất 2 ngày để đi từ Varin ra Chong Kal, đi đồng nghĩa với việc sản phụ sẽ chết. Biết vậy, người nhà của chị thống thiết xin bác sĩ Chí cứu giúp.  

chien-truong-campuchia

 Một góc yên bình của làng quê Varin hiện tại. (Ảnh: NVCC)

Vẻ mặt trầm ngâm, bác sĩ Chí nhớ lại "phòng phẫu thuật" của Đại đội Quân y C23 thời điểm đó. Đó là một cái lán khoảng 20m2, đắp vách đất, trong đặt một bàn mổ, một bàn để dụng cụ, một bàn để đồ gây mê đều bằng gỗ, do anh em tự đóng.

Nền đất được đầm chặt. Cửa ra vào và cửa sổ có màn che để ngăn côn trùng bay vào. Phòng mổ còn có một máy phát điện quay tay. Để có điện phục vụ ca mổ, phải có vài ba người thay nhau quay máy.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Chí cho biết, với trang thiết bị lúc đó cùng đội ngũ quân y có mặt, việc bệnh xá trung đoàn tiến hành phẫu thuật này là quá sức, quá chuyên môn. Thế nhưng nếu không lấy thai nhi ra, sản phụ sẽ chết. Vì thế, hội ý với đồng đội xong, ông và nhóm y bác sĩ quyết định mổ dù biết rằng khả năng tử vong rất cao. Cái chết có thể đến trong hoặc sau ca phẫu thuật.

19h, ca mổ được thực hiện. “Tâm trạng tôi lúc đó rất căng thẳng, không khí trước phẫu thuật thật im lặng. Nhưng cũng may có tiếng máy quay phát điện dã chiến xua bớt đi sự im lặng ghê sợ đó”, bác sĩ Chí hồi tưởng.

Vừa rạch da bệnh nhân, bác sĩ vừa mở từng lớp, vào đến dạ con thì đèn phụt tắt vì cháy bóng. Qua ánh đèn dầu, bác sĩ Chí phải khâu đóng tạm vết mổ, duy trì mê, hồi sức. Tất cả các phương án để có ánh sáng cho cuộc phẫu thuật được tính đến. Phương án khả thi nhất là đi mượn đèn măng - sông.

Video: Nhà tủ S 21 - Bộ máy giết người tàn bạo nhất của Khmer đỏ

Gần một tiếng sau mới có đèn. Anh em vui mừng vì nghĩ rằng chỉ cần bơm cho nhiều hơi để đèn sáng thêm là có thể phẫu thuật. Nhưng đen đủi thay, đèn lại phụt tắt vì cháy lõi ống. Lại phải chạy đi mượn lõi ống, lại chờ…Phải 90 phút sau mới có được ánh sáng từ đèn măng - sông để tiếp tục ca mổ.

Tôi đã nghĩ đến tình huống sản phụ sẽ chết nhưng thật kỳ lạ, các chỉ số sinh tồn của chị ấy đều bình thường. Điều này ngoài sức tưởng tượng của chúng tôi”, bác sĩ Chí kể lại. 

Đến 23h, ca phẫu thuật gay cấn hoàn tất. Những ngày sau đó, sản phụ hết sốt, sau 7 ngày thì cắt chỉ, ra viện. Cho tới bây giờ ngồi nhớ lại, ông Chí không hiểu sao sản phụ lại hồi phục nhanh chóng, thần kỳ như vậy.

Loạt bài "Pol Pot thảm sát người dân ở Ba Chúc (An Giang)" tại đây

Thoát chết trong gang tấc

Đoạn đường từ Varin ra Chong Kal - nơi đóng quân của Sư đoàn 302- dài gần 50km. Mùa khô, xe quân sự loại hai cầu gầm cao có thể đi được, nhưng đến mùa mưa thì bộ đội buộc phải đi bộ mất hai ngày mới vượt qua được quãng đường này.

Đây là đoạn đường huyết mạch nối thông E271 với F302 nên Pol Pot thường cài mìn, phục kích chặn đường tiếp vận của bộ đội Việt Nam. Thương vong của bộ đội xảy ra ở đây rất thường xuyên. Do đó khi hành quân, một đội trinh sát phải đi trước để dẫn đường.

Sau khi làm việc xong ở Trung đoàn 271, Đoàn Quân y của Sư đoàn 302 có chuyến công tác, kiểm tra tại Trung đoàn 88 đóng ở núi Hồng. Ông T. - Chủ nhiệm Quân y của Sư đoàn 302 - nói với bác sĩ Chí: “Em đi kiểm tra Trung đoàn 88 cùng anh nhé. Nếu đồng ý thì báo để anh trao đổi với chỉ huy trung đoàn. Không phải đi bộ đâu vì chưa mưa nhiều. Anh điều xe cho em”.

Bác sĩ Chí biết chỉ huy muốn ông tham gia đoàn giám định như một hình thức nghỉ ngơi sau thời gian dài căng thẳng, vất vả ở chiến trường.

Thế nhưng, đúng thời điểm đó, ông nhận được thư từ người vợ đang công tác tại Bệnh viện Quân y 175 ở quê nhà. Thư biên mấy chữ: “Thương binh cụt chân, cụt tay, cột sống về nhiều lắm. Một bước đi là một bước mìn. Anh giữ mình để về nuôi con với em”.

Chẳng hiểu có phải vì lá thư đó không mà ông đã từ chối đề nghị đầy ưu ái của thủ trưởng.

chien-truong-campuchia1 3

 Con đê đi về Pum Prasat - nơi nhiều chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam đã ngã xuống. (Ảnh do đồng đội bác sĩ Chí chụp gần đây)

Chuyến công tác vẫn diễn ra theo đúng lịch trình. 4h, xe xuất phát từ ban hậu cần của Trung đoàn 271 đóng tại Varin. Khoảng 5h30, có điện báo về: “Xe bị phục kích, các đồng chí T., T., B. hy sinh tại chỗ. Các đơn vị có người đi cử bộ đội ra nhận dạng”.

Thì ra đoàn vừa qua khỏi Pum Toramcong thì bị phục kích. Đoàn đi đến một vùng trũng nước (mùa khô chỉ là vùng cát khô) thì phát hiện một cây chắn ngang mũi xe. Không biết là vật cản do Pol Pot tạo dựng, xe dừng, bộ đội xuống giải phóng cây thì bị hai quả mìn định hướng gắn trên một cây gần đó phát nổ. Bộ đội bị thương rất nhiều. Pol Pot làm chủ hiện trường.

Nó bắn “bồi” vào tất cả lính của mình đang bị thương. Đa số hy sinh. Một số ít chạy được. Như C23 của tôi có em C. chạy thoát được, sau 3 tháng mới tìm được đường về đơn vị trong trạng thái hoảng loạn. Lái xe cũng tên Chí bị thương phần mềm ở đùi, nhảy xuống núp sau bụi cây. Nó không phát hiện nên thoát. Đây là phản xạ dày dạn của những lái xe chiến trường mới có”, bác sĩ Chí kể lại.

quan-tinh-nguyen-vietnam 4

 Quân tình nguyện Việt Nam tại Kampong Cham trước khi rút về nước năm 1989. (Ảnh: Southeast Asia Globe).

Sau khi xe Quân y Trung đoàn 271 bị phục kích, thi thể những người hy sinh được chuyển về Bệnh viện Quân y 175 (quận Gò Vấp, TP.HCM).

Vợ bác sĩ Chí nghe tin, ôm theo con trai nhỏ mới 2 tuổi đến nhà xác bệnh viện để tìm chồng. Vừa đi, bà vừa khóc xót xa cho thân phận mấy mẹ con, cho người chồng còn đầu xanh tuổi trẻ. Đến nhà xác không thấy thi thể chồng đâu, bà hỏi thì nhiều người đoán rằng chắc sỹ quan cấp tá mới được đưa về đây, còn bác sĩ Chí cấp uý nên được chôn tại Campuchia.

Thế là bà lại ôm con ra căn cứ Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình) để hỏi tin, nhưng không biết được gì thêm. Rất may, một số thương binh của Trung đoàn 271 điều trị tại Bệnh viện 175 nhiệt tình tìm hiểu giúp và được biết bác sĩ Chí vẫn bình an, còn tài xế Chí bị thương. Tin này khiến người vợ cảm thấy mình như vừa chết đi sống lại.

Tự thấy mình may mắn khi được lành lặn trở về đúng như lời khẩn cầu của vợ, vị đại tá quân y vẫn chưa nguôi đau lòng về sự hy sinh của anh em, dù 3 thập kỷ đã trôi qua.

Sau 34 năm, nhìn con đường qua những tấm hình mà đồng đội tôi mới ghi nhận trong chuyến đi thăm lại Varin, tôi vẫn còn dâng lên cảm giác đau thương, mất mát khi nghĩ về anh em, đồng đội”, bác sĩ Chí trầm ngâm.

Còn nhiều nhiều những câu chuyện đau thương mà bây giờ nhớ lại tôi vẫn cảm thấy rùng mình. Chiến tranh, sự hy sinh, thương tích gắn với ai còn là định mệnh, nhưng không thể phủ nhận những mất mát mà quân đội ta, nhân dân ta gặp phải là quá lớn, quá xót xa.

Những ký ức về Varin gợi cho tôi nhớ về làng quê Camphuchia yên bình: Con suối nhỏ, cột cổng làng bằng gỗ. Campuchia là đất nước thanh bình nhưng Pol Pot đã gieo họa diệt chủng, tàn sát nhân dân. Không dừng lại ở đấy, nó tràn qua biên giới tàn sát nhân dân Việt Nam. Pol Pot buộc nhân dân Campuchia và nhân dân Việt Nam phải cầm súng để giành lấy sự sống. Cuộc chiến đấu gian khổ, hy sinh nhưng đất nước Campuchia đã độc lập và hồi sinh.

Miền quê Varin dù đã hồi sinh nhưng vẫn còn giữ lại những dấu ấn khó quên của một thời khói lửa”- Đại tá Nguyễn Hữu Chí.

Nhật Linh
Bình luận
vtcnews.vn