• Zalo

Đại hội đồng cổ đông bất thường: Sinh viên, giảng viên ĐH Hoa Sen lo lắng

Giáo dụcChủ Nhật, 03/08/2014 11:20:00 +07:00Google News

Chuyện lùm xùm diễn ra ở ĐH Hoa Sen đang được dư luận chú ý. Đây là một ngôi trường ngoài công lập khá nổi tiếng, cũng là vấn đề có chiều hướng “lây lan".

Chuyện lùm xùm diễn ra ở Đại học Hoa Sen đang được dư luận chú ý. Bởi đây là một ngôi trường ngoài công lập khá nổi tiếng, và đây cũng là vấn đề có chiều hướng “lây lan”.

Sáng 2-8, đại hội đồng cổ đông bất thường Trường ĐH Hoa Sen 2014 đã diễn ra với 84 người tham gia, chiếm 70,08% cổ phần. Đại hội này do một nhóm cổ đông chiếm hơn 30% cổ phần triệu tập.

Ngay từ khi bắt đầu, đại hội đã rất lộn xộn, bị ngắt quãng liên tục và tranh cãi gay gắt do ban tổ chức phát thiếu phiếu biểu quyết. Mở đầu đại hội, các thành viên chủ tọa đoàn báo cáo các sai phạm của hiệu trưởng Bùi Trân Phượng, HĐQT, ban kiểm soát và đề nghị xem xét sai phạm, trách nhiệm của hiệu trưởng, bãi miễn HĐQT và bãi nhiệm ban kiểm soát.
 Đại biểu cổ đông Trường ĐH Hoa Sen biểu quyết bầu lại HĐQT mới tại buổi đại hội đồng cổ đông bất thường sáng 2/8. Ảnh: Như Hùng

Bác nội dung “không vì lợi nhuận”

Một cổ đông (có hơn 20.000 cổ phần tại ĐH Hoa Sen) đề nghị bổ sung vào chương trình làm việc các nội dung: thảo luận về điều lệ hoạt động của trường “không vì mục tiêu lợi nhuận theo Luật giáo dục ĐH” và tính pháp lý của Công ty iConnect khi tham gia biểu quyết tại đại hội. Theo ý kiến cổ đông, vì đang có tranh chấp cổ phần tại iConnect giữa công ty này và cổ đông (là giảng viên, nhân viên ĐH Hoa Sen) nên cần phải xem xét tính pháp lý của công ty này. Ngoài ra phải ghi nhận điều này vào biên bản đại hội để xem xét quá trình biểu quyết sau này.

Tuy nhiên, chủ tọa đoàn kiên quyết bác bỏ các nội dung trên. Tranh cãi gay gắt tiếp tục xảy ra. Trong khi cổ đông cho rằng theo luật, với cổ đông có trên 20.000 cổ phần, đề xuất của họ phải được đưa vào nội dung chương trình đại hội, thế nhưng chủ tọa đoàn cho rằng đây là đại hội đồng cổ đông bất thường nên điều đó không hợp lý và phải biểu quyết. Kết quả đại hội không đồng ý đưa hai nội dung trên vào chương trình đại hội. Trong quá trình nêu ý kiến về các nội dung trên, chủ tọa đoàn liên tục ngắt lời ý kiến của cổ đông.

Sau khi thông qua chương trình làm việc, chủ tọa đoàn thông báo dành 10 phút cho phần thảo luận. Cổ đông Nguyễn Đăng Hưng cho rằng đại hội hôm nay chủ yếu liên quan đến vấn đề tài chính, chia cổ tức cho cổ đông. Trường thật sự thành công, doanh thu ngày càng cao. Nếu không có tích lũy như thế thì chắc sẽ không có đại hội bất thường hôm nay.

“Đúng là thời gian qua việc quản lý tài chính có lỏng lẻo, nhưng cần phải xem xét đó là sai sót có thể khắc phục hay là trục lợi cá nhân. Nếu chứng minh được đó là trục lợi cá nhân thì bãi miễn hiệu trưởng. Trong khi đó, chúng ta chưa chứng minh được đó là trục lợi cá nhân thì sai sót đó có đến mức bãi miễn hay không?” - ông Hưng nói thêm.

Tự trọng nên từ nhiệm

Kết quả bầu cử đại hội đồng cổ đông bất thường Trường ĐH Hoa Sen 2014, chủ tịch HĐQT mới là ông Lưu Tiến Hiệp và các thành viên Nguyễn Trung Đức, Nguyễn Ngọc Duy, Tô Ngọc Ngời, Huỳnh Minh Việt và Trần Phước Huy. Các thành viên ban kiểm soát gồm Nguyễn Hoàng Chương, Nguyễn Hữu Phát, Phan Hữu Tấn Đức, Võ Thị Anh Thy và Đặng Nguyễn Hương Quế Bình.

Kết quả bầu HĐQT này chưa có giá trị ngay mà còn phải chờ cơ quan chức năng, ở đây là UBND TP.HCM, xem xét công nhận (theo quy chế và hoạt động của trường ĐH tư thục do Chính phủ ban hành). Cơ quan chức năng sẽ xem xét đại hội này có hợp lệ hay không, nếu hợp lệ mới được công nhận và có giá trị. Khi HĐQT được công nhận, họ mới có thể tiến hành bầu hiệu trưởng, trình đại hội đồng cổ đông, nếu được đồng ý mới trình UBND TP.HCM để công nhận.

Một điều đáng lưu ý tại đại hội lần này, văn kiện đại hội cáo buộc HĐQT đương nhiệm thiếu trách nhiệm trong việc giám sát hiệu trưởng, trong việc báo cáo tài chính che giấu 119 tỉ đồng, kê khai thuế, không thực hiện được quyền giám sát... nên đề nghị miễn nhiệm. Và kết quả 5/7 thành viên HĐQT bị miễn nhiệm với tỉ lệ gần 99% cổ đông đồng ý.

Trong khi đó, hai thành viên HĐQT đương nhiệm là Nguyễn Trung Đức có đến 82,7% và bà Phạm Thị Thủy có 74,7% cổ đông không đồng ý bãi nhiệm. Hai người này tiếp tục ở lại trong HĐQT mới. Sau khi có kết quả, bà Thủy cho rằng trong thời gian đương nhiệm bà làm nhiều việc, trong đó có phó hiệu trưởng phụ trách tài chính nên cũng có trách nhiệm liên đới trong các vụ việc vừa qua. Do đó với lòng tự trọng của mình, bà xin rút  khỏi HĐQT.
 Các cổ đông bỏ phiếu bầu lại HĐQT ĐH Hoa Sen sáng 2/8. Ảnh: Như Hùng

Tác động tâm lý đến giảng viên, sinh viên

Việc nội bộ trường xào xáo thời gian qua đã tác động không nhỏ đến tâm lý của sinh viên và cán bộ, giảng viên của trường. Sinh viên N.T.H. cho biết sinh viên ĐH Hoa Sen đóng học phí cao hơn nhiều những trường ĐH khác nhưng theo tôn chỉ của trường, chia cổ tức thấp và học phí được tái đầu tư cho sinh viên.

Nếu có sự thay đổi nhân sự có thể sẽ thay đổi về chính sách và liệu sinh viên có còn được đầu tư như hiện nay hay các cổ đông chia nhau? Hơn nữa, những lộn xộn này khiến xã hội đánh giá khác đi về trường, không còn tốt như trước và sinh viên tốt nghiệp ra trường cũng sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều khi tìm việc làm.

Một sinh viên khác chia sẻ chỉ quan tâm đến chất lượng giảng dạy, thầy cô gần gũi và dạy tốt, không quan tâm ai là người lãnh đạo trường. Tuy nhiên, một số thầy cô cho biết nếu sự thay đổi diễn ra, họ không thể làm việc ở trường, không thể tiếp tục giảng dạy nữa, đó là điều đáng tiếc nhất.

Cùng quan điểm này, một giảng viên lo lắng: nếu có sự thay đổi cơ cấu chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tương lai, công ăn việc làm của nhiều người. Những người không cùng “phe” với họ hoặc chống đối họ trước đây liệu có bị “thanh trừng” hay không? “Điều chúng tôi quan tâm nhất hiện nay là tâm lý bất ổn của sinh viên và phụ huynh. Chúng tôi đang cố gắng trấn an họ. Dù chuyện gì xảy ra thì việc học của sinh viên cũng phải được đảm bảo”.

Ông Lưu Thanh Trà - giảng viên khoa khoa học công nghệ - cho rằng: chất lượng đào tạo của ĐH Hoa Sen đã được thừa nhận nhưng vẫn có thể phát triển hơn. Do đó cần có sự thay đổi bộ máy lãnh đạo để thay đổi tư duy, cách điều hành và phát triển trường.

Người trong cuộc nói gì?

Tại đại hội đồng cổ đông, ông Lưu Tiến Hiệp - cổ đông sáng lập trường - bày tỏ: “Bà Phượng có nhiều sai phạm trong quản lý, tài chính lại tung tin trường có nguy cơ bị chiếm đoạt. Ai chiếm đoạt hay bà đang chiếm đoạt? Bà Phượng làm hiệu trưởng 20 năm nên điều hành thành thói quen, làm lâu quá rồi thì nên nghỉ. Cuộc chiến này mà thua thì sẽ có nhiều người mất việc!”.

Trả lời ý kiến cổ đông sau phần thảo luận, ông Tô Ngọc Ngời - thành viên chủ tọa đoàn - cho rằng: “Xét cho cùng, chúng ta đi tận cùng vấn đề thì ĐH Hoa Sen của ai? Và nếu nó thất bại thì ai chịu? Cổ đông chúng ta là những người bỏ tiền vào đó.

Còn anh là giáo viên, hôm nay anh không dạy chỗ này thì mai anh dạy chỗ khác. Người lao động có thể mất việc nếu Hoa Sen không còn tồn tại và phát triển. Nhưng chúng tôi là những người bỏ tiền vào, nếu Hoa Sen sụp đổ, chúng tôi mất tiền”.

Trong khi đó, trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Bùi Trân Phượng - hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen - cho rằng đại hội đồng cổ đông bất thường này không hợp lệ bởi lý do triệu tập của nhóm cổ đông 30% đưa ra là có bất minh về tài chính và thất bại về đào tạo.

HĐQT đã có văn bản trả lời không có thất bại về đào tạo và bất minh tài chính. Họ tiếp tục gửi yêu cầu đến ban kiểm soát và ban kiểm soát đã trả lời đang xem xét vụ việc và từ giờ phút này quyền triệu tập đại hội là của ban kiểm soát. Chỉ vài ngày sau, nhóm cổ đông đề nghị ông Nguyễn Trung Đức đứng ra triệu tập và ông này đã nhận lời. Như vậy là không đúng.


Theo Tuổi Trẻ
Bình luận
vtcnews.vn