Theo đơn khởi kiện của ĐH Cần Thơ, tháng 10/2005 bà Vũ Thị Nhuận được ĐH Cần Thơ cử đi học Tiến sĩ ngành Công nghệ Sinh học tại trường Đại học Kyushu (Nhật Bản), toàn bộ kinh phí trong thời gian học tại Nhật của bà Nhuận đều do ĐH Cần Thơ chi trả trích từ nguồn thu học phí của sinh viên hàng năm.
Tháng 9/2008 hoàn thành khóa học trở về hoạt động tại trường ĐH Cần Thơ, tuy nhiên không lâu sau bà Nhuận lại có ý định không muốn phục vụ tại trường và đơn phương xin nghỉ việc tại trường mà không bồi thường chi phí đào tạo cho trường.
Do đó trường ĐH Cần Thơ khởi kiện yêu cầu bà Nhuận trả lại toàn bộ chi phí là hơn 3 triệu Yên (tương đương gần 570 triệu đồng).
Trước yêu cầu khởi kiện của trường ĐH Cần Thơ, bà Nhuận trình bày: bà Nhuận bắt đầu làm việc tại ĐH Cần Thơ từ năm 1997. Đến năm 2005, bà Nhuận tự tham gia và đã trúng tuyển học bổng Mext (Monbukagku – SHO) của Nhật Bản thông qua trang web điện tử.Sau đó bà Nhuận làm đơn xin Trường ĐH Cần Thơ đi du học là được chấp thuận.
Theo đó mọi chi phí học tập dài 3 năm (tháng 10/2005-9/2008) tại Nhật đều do chính phủ Nhật viện trợ chứ không lấy bất cứ nguồn kinh phí nào từ Trường ĐH Cần Thơ. Bà chỉ nhận mức 30% mức lương cơ bản hàng tháng từ Trường ĐH Cần Thơ trong 3 năm tương đương 16 triệu đồng.
Về vấn đề kinh phí đào tạo, Giáo sư Makoto Kimura người tham gia xét tuyển học bổng Mext thuộc trường đại học Kyushu Nhật bản cũng đã gửi văn bản xác nhận đến trường ĐH Cần Thơ “cô Nhuận được lựa chọn như một sinh viên tốt nghiệp được hỗ trợ học bổng Mext chỉ dựa trên kiến thức đạt chuẩn của bản thân chứ không phải dựa vào vị trí nghề nghiệp của cô tại Đại học Cần Thơ.
Học bổng cô giành được không được ban tặng cho bất kỳ thành viên nào của Trường ĐH Cần Thơ. Ngân sách học bổng là viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản để hỗ trợ các nước đang phát triển, nó chưa bao giờ thuộc về trường ĐH Cần Thơ. Mọi yêu cầu bắt buộc bồi thường liên quan đến số tiền này đến từ ĐH Cần Thơ là vô lý không thể chấp nhận được”.
Nói về việc đơn phương nghỉ việc tại trường, bà Nhuận cho rằng việc bà nghỉ việc là đúng với pháp luật. Theo đó sau khi hoàn thành khóa học bà trở về làm việc tại trường trong thời gian gần 3 năm. Tuy nhiên trong thời gian trở về làm bà không được sử dụng đúng chuyên môn và bị trù dập khi có ý kiến đóng góp cho những đề tài luận án tiến sĩ và bị phân biệt đối xử.
Sau đó, bà 2 lần làm đơn xin tham dự khóa đào tạo tiến sĩ sau đại học thời gian 1 năm do trường Đại học Tokyo tài trợ, tuy nhiên không được xem xét nên đến tháng 3/2011 bà làm đơn xin nghỉ việc.
Tháng 5/2011, Trường ĐH Cần Thơ chính thức cắt lương và BHXH của bà tuy nhiên lại không hề có bất cứ quyết định thôi việc nào.
“Có nhiều người được đào tạo nước ngoài đã định cư bên đó không trở về nhưng có thấy ai phải bồi thường kinh phí đâu. Tôi cũng thừa sức để ở lại làm việc nước ngoài, nhưng vì tôi yêu nước, tôi cảm thấy mình nợ Cần Thơ nên mới trở về phục vụ tại Cần Thơ. Nếu tôi không về chắc đã không bị kiện vô lý như thế này” bà Nhuận tâm sự.
Được biết ngoài bà Nhuận trường ĐH Cần Thơ có rất nhiều người được đi đào tạo chiến sĩ nước ngoài tuy nhiên những người này đã ra đi luôn không trở về phục vụ cho đất nước nhưng ĐH Cần Thơ không có quyết định đòi bồi thường nào.
“Tôi là người đầu tiên bị Trường ĐH Cần Thơ kiện, đòi số tiền không phải của họ cũng không phải nguồn chính sách của Chính phủ Việt Nam. Tôi rất buồn và thấy rất vô lý trước quyết định của trường”bà Nhuận bức xúc nói.
Liên quan đến vụ việc Trường ĐH Cần Thơ kiện tiến sĩ Nhuận, thông tin từ phía Trường cho biết, sẽ được tổ chức họp báo công khai vào chiều 20/6. Tuy nhiên Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ Hà Thanh Toàn cho biết đang bận họp, nên sẽ không tổ chức họp báo công khai như dự định thay vào đó sẽ gặp trực tiếp với phóng viên từng báo.
Bình luận