• Zalo

Đại dịch corona: Thách thức để nông sản Việt tự 'tìm đường', không còn 'bấu víu' vào Trung Quốc

Thị trườngThứ Bảy, 08/02/2020 09:19:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Theo Chủ tịch Hiệp hội thanh long tỉnh Long An, sự cố dịch corona với những tác động gây thiệt hại nặng nề vừa là thách thức, vừa là cơ hội để nông sản Việt tìm lối thoát, không phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

"Bấu víu" vào thị trường Trung Quốc

Giữa thời điểm đại dịch viêm phổi cấp (virus corona) diễn biến ngày càng phức tạp, các mặt hàng nông sản của Việt Nam rớt giá thảm hại vì không thể xuất khẩu qua Trung Quốc. Hàng vạn tấn dưa hấu, thanh long, khoai lang, sầu riêng... đến mùa thu hoạch "nằm dài" chờ thối rữa.

Thanh long trước Tết giá đạt 50.000 đồng/kg, nay chỉ còn 3.000 - 5.000 đồng/kg; khoai lang trước Tết 30.000 đồng/kg, nay chỉ còn 4.000 đồng/kg; sầu riêng trước Tết 70.000 đồng/kg, nay còn 40.000 đồng/kg; mít thái trước Tết 35.000 đồng/kg, nay chỉ còn 4.000 đồng/kg; thậm chí giá dưa hấu chỉ còn 1.000 đồng/kg.

Đại dịch corona: Thách thức để nông sản Việt tự 'tìm đường', không còn 'bấu víu' vào Trung Quốc - 1

Nông sản ứ đọng tại cửa khẩu quốc tế do không thể thông quan qua Trung Quốc từ sau tết nguyên đán Canh Tý 2020.

 

Theo dự báo của Bộ Công Thương, hoạt động xuất nhập khẩu không tránh khỏi ảnh hưởng tiêu cực trong ngắn hạn và trung hạn với khoảng thời gian có thể từ 6 đến 8 tháng. Trong khi đó, số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy xuất, nhập khẩu vào Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu thương mại Việt Nam.

Cụ thể, năm 2019, xuất khẩu của Việt Nam đạt hơn 264 tỷ USD thì có tới trên 41 tỷ USD là sang Trung Quốc. Riêng nông sản, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam trong năm 2019 với 5,92 tỷ USD.

Việc nông sản Việt phụ thuộc, "bấu víu" vào thị trường Trung Quốc cho thấy các ngành hàng sẽ rất dễ bị "điểm huyệt" khi nền kinh tế quốc gia này “hắt hơi, sổ mũi”. Dịch viêm phổi cấp do virus corona gây ra như đã phân tích ở trên là minh chứng cụ thể.

Sự cố do virus corona gây ra vô tình cho thấy việc phát triển công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra. Tính tự chủ của nhiều ngành hàng còn thấp, phụ thuộc vào nguồn cầu từ Trung Quốc.

Từ đây cũng gióng lên một hồi chuông cảnh báo, nếu không thay đổi được điều này, không chỉ nông sản mà nhiều ngành nghề khác của nước ta sẽ phải luôn thấp thỏm trước những biến động khó lường của Trung Quốc.

Trước tình hình hết mức căng thẳng, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn liên tục tổ chức tới 5 cuộc họp khẩn của hai ngành để bàn giải pháp. Đích thân Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã phải liên tục nhắc đến việc “Đây là lúc chúng ta phải đẩy mạnh tái cơ cấu lại các ngành kinh tế”.

Đại dịch corona: Thách thức để nông sản Việt tự 'tìm đường', không còn 'bấu víu' vào Trung Quốc - 2

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy xuất, nhập khẩu vào Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu thương mại Việt Nam.

Là một trong những thủ phủ trồng thanh long lớn nhất nước, hiện huyện Châu Thành (Long An) đang phải hứng chịu thiệt hại nặng nề khi cửa khẩu ngưng thông quan. 

Trả lời VTC News, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An cho biết, hiện sản lượng thanh long tồn kho khoảng 1.900 tấn. Dự báo sản lượng thanh long thu hoạch toàn tỉnh (từ 28/1 đến 13/2) ước tính khoảng 63.000 tấn. Nếu hoạt động xuất khẩu gặp khó khăn, số thanh long này chưa biết tiêu thụ đi đâu.

Thoát khỏi thị trường Trung Quốc, cách nào?

Trước tình trạng này, ông Nguyễn Quốc Trịnh - Chủ tịch Hiệp hội thanh long Long An cho biết, nhiều ngày qua, các ban ngành của tỉnh cũng đã liên tục họp để tìm ra giải pháp tháo gỡ.

Theo ông Trịnh, trước mắt Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Sở Công Thương đề ra phương án đó là có 3 tập đoàn lớn gồm: BigC, Coopmart, Vinmart sẽ thu mua để bán tại các siêu thị. Thanh long sẽ được 3 tập đoàn này bán ra tại siêu với giá 9.000 đồng - 10.000 đồng/kg, điều này đồng nghĩa với mức giá thu mua tại vườn chỉ ở khoảng 3.000 đồng - 5.000 đồng/kg.

"Trước giờ, Trung Quốc phát giá qua bằng WeChat, điện thoại. Trước Tết thì Trung Quốc phát giá cho nhà lái là 50.000 đồng/kg (nhà lái sẽ đi gom tại vườn với giá 35.000 đồng/kg - PV).

Thế nhưng đến 26/1 (mùng 2 Tết), khi dịch corona bùng phát thì Công ty Hồng Thái Dương (doanh nghiệp Trung Quốc, tiêu thụ hơn 30% thanh long tại Long An - PV) báo huỷ đơn hàng do công ty này phân phối chủ yếu tại tâm dịch Vũ Hãn. Theo đó, công ty này hủy 300 container tương đương với 5.000 tấn.

Khi đó, các nhà kho mới mời các hiệp hội lại và hội ý, tìm cách hỗ trợ cho người dân, vận động các doanh nghiệp thu mua giúp người dân. Nói thì nói vậy nhưng trong trường hợp dừng thông quan hẳn thì người dân phải chịu giá thấp hơn nữa", ông Trịnh nói.

Đại dịch corona: Thách thức để nông sản Việt tự 'tìm đường', không còn 'bấu víu' vào Trung Quốc - 3

Theo Chủ tịch Hiệp hội Thanh Long tỉnh Long An, sự cố dịch corona với những tác động gây thiệt hại nặng nề vừa là thách thức, vừa là cơ hội để nông sản Việt tìm lối thoát, không còn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Song, ông Trịnh cho rằng, đó chỉ là giải pháp tạm thời để giải cứu một phần rất nhỏ cho người dân. Nếu muốn phát triển bền vững, lâu dài thì cần có phương án và kế hoạch cụ thể.

"Trước nay, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đến nước ta để mua thanh long sạch, tuy nhiên để chứng nhận được thanh long sạch thì phải đạt tiêu chuẩn VietGAP (Quy trình sản xuất nông nghiệp đạt chuẩn - PV). Trong khi đó, chứng chỉ VietGAP tốn khoảng 500 triệu đồng để thực hiện, giá quá cao nên người dân không thể bỏ tiền ra làm. 

Quay trở lại, vấn đề là hiện các doanh nghiệp nước ngoài đều đòi hỏi được kiểm định bằng VietGAP mới mua. Do đó, khi có chứng nhận rồi thì nông sản sẽ dễ dàng xuất đi nhiều nước hơn", ông Trịnh nói.

Ông Trịnh cho rằng, muốn giải quyết về lâu về dài và đặc biệt là để nông sản Việt không còn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, các bộ ngành phải chung tay hỗ trợ người dân nhiều hơn nữa. 

"Ngày 5/2 mới đây, khi tôi tham dự cuộc họp và kiến nghị Nhà nước đứng ra hỗ trợ người dân làm giấy chứng nhận VietGAP thì được Sở Nông nghiệp, Sở Công thương và Ngân hàng nhà nước hứa là sẽ hỗ trợ kiến nghị của hiệp hội.

Vì vậy, tôi mong rằng, khi kiến nghị được thực hiện thì nông sản Việt không chỉ còn xuất qua Trung Quốc, mà còn đi được xa nhiều nước khác. Trước đây 80% là xuất đi Trung Quốc, thì giờ cố gắng giảm xuống còn 50%, 50% là xuất đi các nước khác. Cứ từ từ rồi sẽ dứt ra hẳn, mà không còn phải phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc",  ông Trịnh cho hay.

Thy Huệ
Bình luận
vtcnews.vn