Sau phát ngôn gây phẫn nộ của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, nhiều cựu chiến binh quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia thể hiện sự giận dữ và yêu cầu nhà lãnh đạo quốc gia này phải có lời xin lỗi nhân dân Việt Nam.
Những người thanh niên tình nguyện năm nào cũng nhớ lại những ký ức hào hùng của “Đội quân Nhà Phật” cách đây hơn 30 năm khi nghe lệnh tổng động viên, lên đường nhập ngũ ở tuổi 20, mong muốn giải thoát cho người dân nước bạn trước chế độ diệt chủng tàn bạo Khmer Đỏ - Pol Pot.
“Đội quân Nhà Phật”
Ông Võ Phúc Vẫn (61 tuổi, quê Hải Quy, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị), từng là chiến sỹ Đại đội 16 – Trung đoàn 273 – Sư đoàn 341 (Đoàn Bộ binh sông Lam) tham chiến ở chiến trường Campuchia.
“Tháng 9/1978, tôi có mặt tại tỉnh Tây Ninh, giáp với biên giới Campuchia khi vừa 20 tuổi. Đó là khu vực chiến trường ác liệt vì từ những năm 1975, quân Khmer Đỏ - Pol Pot nhiều lần tấn công vào sâu trong đất của Việt Nam. Trong đó, chúng tấn công chủ yếu là 2 tỉnh An Giang và Tây Ninh.
Chúng tàn sát người dân Việt Nam, kể cả những người đã chạy trốn lên chùa chúng cũng không tha mà giết cho bằng được.
Tôi nhớ lần đầu đặt chân lên đất Campuchia, tôi thường bắt gặp những cánh đồng đầy sọ người. Chúng lùa dân thành phố lên rừng rồi tàn sát những người chống đối.
Đi đến đâu, chúng tôi cũng thấy đầu lâu và xác chết.
Tôi từng chứng kiến một cái giếng có khoảng vài chục xác ở dưới. Khi vớt lên mới biết đa số những người này đều bị chúng đánh vỡ sọ bằng búa găm. Còn người bị tàn sát và chôn tập thể, khi chúng rút đi bị một số kẻ tham lam bới xác lên lại để tìm vàng trong những thi thể đó.
Pol Pot không có chính sách tù binh, nhiều chiến sỹ Việt Nam bị thương nếu chẳng may rơi vào tay những tên đồ tể Pol Pot sẽ bị chúng giết ngay. Thậm chí, chúng còn chặt xác ra làm 5- 7 phần.
Cả cuộc đời tôi không quên được trận đánh ngày 27 Tết năm 1978 (nhằm 25/1/1979). Sáng hôm đó, cả đại đội huy động toàn bộ hỏa lực tấn công địch trên một đoạn đường dốc. Đến khoảng 10h00, khi thấy lực lượng chúng tôi mỏng, chúng tập trung phản công.
Ở thế yếu hơn, chúng tôi phải rút lui. Sau đó, lực lượng chủ lực của Trung đoàn vừa kịp bổ sung đến. Được chi viện, chúng tôi tấn công trở lại điểm tác chiến.
Sau 1 ngày, chúng tôi quay lại điểm tác chiến. Khi đến đỉnh dốc, chúng tôi nhìn thấy thi thể đồng đội nằm đó. Chỉ mới 1 ngày thôi, nhưng dưới cái nắng nóng của đất Campuchia, thi thể đồng đội tôi đều trương phình lên.
Cả đơn vị có 6 người hy sinh, người lớn nhất cũng mới 21 tuổi. Trong đó có thi thể không còn nguyên vẹn.
Đau đớn lắm. Nhưng từ kinh nghiệm chiến đấu trước đó, chúng tôi không thể vội xông đến đưa họ đi chôn cất được. Chúng tôi hiểu rằng địch có thể cài mìn bên dưới những phần thi thể đó, nếu xông vào thì không tránh khỏi thương vong oan uổng. Vì vậy, chúng tôi đành phải lấy dây kẽm để kéo các phần thi thể ra, đến điểm an toàn mới đưa hết lên võng mà gánh đi.
Trong những người hy sinh, có 3 người quê Thanh Hóa mới được bổ sung vào khuya 26 Tết, chúng tôi còn chưa kịp biết tên nên không thể nhận dạng được, phải nhờ người ở đơn vị cũ của họ đến nhận dạng. Sau khi chôn cất đồng đội, chúng tôi tiếp tục lên đường chiến đấu.
Lúc đó chúng tôi được lệnh hành quân liên tục, không nghỉ ngơi, không có thời gian viết thư về cho gia đình. Cũng vì thế, chúng tôi liên tục bị vây hãm và tin đồn tôi hy sinh “bay” về quê hương.
Chúng tôi đánh liên tục từ biên giới Tây Ninh lên đến gần biên giới Thái Lan để truy quét cứ điểm Khmer Đỏ. Cùng lúc này, chiến tranh biên giới Tây Bắc nổ ra, chúng tôi được lênh bí mật rút về chi viện
Năm 1980, cùng với Quân đoàn 2 và Quân đoàn 3, Sư đoàn 341 chúng tôi trở về. Nhưng lúc này cuộc chiến biên giới phía Bắc đã tạm yên, chúng tôi lên đóng quân ở miền Tây Nghệ An phòng trường hợp địch tấn công bọc sườn.
Cả thế giới đều đang thừa nhận tội ác của Pol Pot, bằng chứng là những vụ án xét xử các lãnh đạo Pol Pot. Thế vì sao ông lại không thừa nhận điều đó? Ông cần có lời xin lỗi đến người dân Việt Nam và vong linh những đồng đội hy sinh vì cuộc chiến này của chúng tôi”.
Đại tá Quân y Nguyễn Hữu Chí
Hôm qua tôi vừa nghe ông Lý Hiển Long nói chúng tôi “xâm lược” và “chiếm đóng” Campuchia. Nghĩ đến những đồng đội hy sinh, tôi thấy vô cùng căm phẫn. Sao ông lại nói những điều sai trái và đi ngược lịch sử như thế? Không lẽ ông không biết gì về tội ác của Khmer Đỏ?
Là người đứng đầu một quốc gia, lại cùng trong khối ASEAN, đáng lẽ sau bao nhiêu năm ông nên hiểu đất nước chúng tôi hy sinh và mất mát thế nào vì cuộc chiến ở vùng Tây Nam Tổ quốc?
Chúng liên tục đánh vào quê hương tôi, giết đồng bào tôi, rồi tàn sát cả đồng bào của chúng. Có những lần chúng dùng 4 Sư đoàn đánh sâu vào Tây Ninh, âm mưu đánh vào TP.HCM, thử hỏi chúng tôi có ngồi yên để chúng tác oai tác quái?
Ông nên đến Campuchia, đến những vùng đất từng đau thương và mất mát vì nạn diệt chủng Khmer Đỏ, xem họ nói gì về chúng tôi. Vì sao người dân Campuchia, những người trực tiếp gánh chịu nỗi đau của nạn diệt chủng gọi chúng tôi là đội quân Nhà Phật?
Thời điểm đó, chúng tôi có 6 điều kỷ luật ở chiến trường và 9 điều làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia. Chúng tôi sống và chiến đấu ở mảnh đất không phải quê hương mình, nhưng là anh em của mình.
Chúng tôi yêu cầu ông ta phải xin lỗi vì sự xuyên tạc và đi ngược lịch sử ấy”.
Quân y cũng là chiến sỹ
Đại tá Quân y Nguyễn Hữu Chí (59 tuổi, đã nghỉ hưu), ngụ Phường 3 (Quận Gò Vấp, TP.HCM) - nguyên chỉ huy một đơn vị Quân y cấp Trung đoàn ở Campuchia.
“Khi vừa tốt ngiệp bác sĩ ở tuổi 23 với quân hàm Thiếu úy, tôi được tập huấn về tình hình Campuchia để chờ lệnh lên đường.
Năm 1985, tôi sang Campuchia, lúc này Campuchia chuyển sang một thời kỳ mới là truy quét tàn quân. Pol Pot lợi dụng các điểm căn cứ ở Thái Lan để tập kích phản công lực lượng của chúng ta.
Thời điểm này, kinh tế Việt Nam còn nhiều khó khăn, lại vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh, người dân trong nước còn nghèo nên đời sống của lính vì thế cũng còn nhiều khó khăn, rất khổ. Thế nhưng ở chiến trường chúng tôi vẫn luôn cười đùa vui vẻ vì biết rằng khi có lệnh tác chiến, chúng tôi có thể là một đi không thể trở lại.
Tôi nhận nhiệm vụ làm chỉ huy cấp phó Quân y ở Bệnh xá C23. Đơn vị tôi đóng quân cách tiền tuyến khoảng 20 km nhưng sự ác liệt không hề giảm bớt chút nào.
Tôi nhớ nhất một đêm vào tháng 4/1986, lúc đó khoảng 18h00, chúng tôi chuẩn bị giao ban để báo cáo công việc hôm nay và bàn bạc công việc ngày hôm sau.
Khi tôi đang đứng nói chuyện với đồng chí chính trị viên thì nghe tiếng đạn cối nổ xẹt qua đầu. Chúng tôi đều nhận ra ngay Pol Pot đang tấn công vào đơn vị Quân y của tôi từ khu rừng tre phía trước. Toàn đơn vị ngay lập tức tác chiến để bảo vệ đơn vị, bảo vệ thương bệnh binh.
Toàn bộ đội ngũ huy động sơ tán thương bệnh binh vào hầm và liên lạc với các đơn vị chiến đấu nhờ ứng cứu, vừa tổ chức lực lượng đánh trả Pol Pot.
Tiếng đạn nổ khắp nơi.
Lúc này, một cậu bé tên Sửu, người Quảng Bình đưa thương binh xuống hầm trú ẩn. Khi vừa đến cửa hầm thì một viên đạn cối nổ ngay trên đầu. Khi tôi chạy đến, chỉ thấy cậu nằm đó, có một lõm sâu và to trên đầu, máu cứ liên tục tuôn ra. Cậu ấy nắm tay tôi, mắt nhấp nháy được vài cái như muốn nói điều gì rồi ra đi. Cậu ấy hy sinh khi mới chỉ khoảng 19 tuổi.
Tôi hiểu rằng, trong chiến tranh chỉ có vận may mới cứu được mình, còn lại không thể nói trước được điều gì. Khi ra đi khỏi quê hương là chúng tôi sẵn sàng hy sinh, sẵn sàng chết nhưng vẫn không tránh được đau lòng.
Lính Việt Nam thời đó đi sang Campuchia vẫn còn rất trẻ, đa số đều tuổi 20, lại vô tư, thoải mái, xác định đi vừa là giúp bạn, vì lương tri con người, cũng là vừa tự cứu lấy mình. Đi âm thầm, giúp đỡ và hỗ trợ người dân Campuchia mà thôi.
Sau đó chúng tôi cũng không còn thêm trận chiến nào quá ác liệt nữa. Hơn 2 năm ở chiến trường, tôi trở về quê hương khi được lệnh rút về nước.
Với những người từng trực tiếp tham gia vào chiến tranh tại Campuchia như tôi, từng chứng kiến đồng đội hy sinh trước mắt mình không khỏi căm phẫn vì những lời nói hồ đồ, xuyên tạc, thay trắng đổi đen của ông Lý Hiển Long.
Chúng tôi sang là để giúp bạn thoát khỏi nạn diệt chủng chứ không phải đi chiếm Campuchia như lời ông đang nói. Cả thế giới đều đang thừa nhận tội ác của Pol Pot, bằng chứng là những vụ án xét xử các lãnh đạo Pol Pot. Thế vì sao ông lại không thừa nhận điều đó?
Ông cần có lời xin lỗi đến người dân Việt Nam và vong linh những đồng đội hy sinh vì cuộc chiến này của chúng tôi”.
10 người chỉ chọn 1 đến Campuchia
Ông Trần Đình Chiến (50 tuổi, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) – lính trinh sát Trung đoàn 20 tại chiến trường Campuchia.
“Năm 1989 tôi có mặt ở Campuchia, khi vừa tròn 20 tuổi. Trước đó, tôi không dám nói với gia đình chuyện mình tình nguyện đi sang Campuchia, chỉ nói vào Cà Mau mà thôi.
Lúc này quân tình nguyện Việt Nam gần như đã rút về nước hết, nhưng vẫn cần lực lượng xuất sắc ở lại để hỗ trợ người dân và lính Campuchia. Chính vì vậy, việc tuyển chọn lính rất gắt gao.
Nếu 10 người thì chỉ có thể chọn 1, đều phải là những người có tư tưởng, bản lĩnh vững vàng. Lúc mới đặt chân đến Campuchia, tôi vẫn nhớ rõ 2 bên đường vắng vẻ, người đi lại thưa thớt, vì đa phần đều sơ tán hết, hầu như không ai dám ở lại nhà của mình.
Trước khi đi, chúng tôi đều xác định một đi không trở lại và cũng không ai rõ nhiệm vụ chính thức của mình là gì. Chỉ khi đặt chân đến đất Campuchia, chúng tôi mới được phân nhiệm vụ cụ thể.
Tôi là lính trinh sát của Trung đoàn 20 Hà Tiên, Kiên Giang, có nhiệm vụ xác định các vị trí bắn cho pháo và hỏa lực của quân ta. Sau khi bắn pháo xong, tôi đi vào bên trong để kiểm tra địa hình thực tế.
Khi quân tình nguyện Việt Nam về nước, Pol Pot trở lại phản công quân của Thủ tướng Hun Sen. Không còn đủ mạnh để đánh những trận lớn như trước, nhưng chúng vẫn đánh du kích, đánh bẫy khiến quân đội phe ta cũng có thương vong rải rác. Hầu như ngày nào đơn vị chúng tôi cũng có người chết và bị thương.
Cũng vì tính rải rác, nên việc nhầm lẫn giữa quân phe ta và phe địch rất dễ xảy ra. Pol Pot không còn để tóc dài như trước, chúng tìm cách trà trộn vào phe ta để tập kích bất ngờ. Vì vậy lúc này để đảm bảo an toàn, chúng tôi phải có mật khẩu để xác nhận rồi mới nói chuyện với nhau.
Trận đánh lớn nhất giai đoạn này có lẽ là trận đánh vào mùa khô năm 1990-1991, khi chúng tôi đi trinh sát, kiểm tra trận địa phát hiện đầy xác chết lính Sư đoàn 320 và Sư đoàn 415 của địch.
Trận đó, đơn vị tôi cũng có một số anh em bị địch bắt, chúng đưa họ lên đài phát thanh để tuyên truyền. Chúng tôi nghe được giọng họ qua đài, rồi từ đó về sau không còn bất kỳ thông tin gì nữa. Tất cả họ chỉ mới 22 – 23 tuổi, chưa có gia đình.
Ở thời điểm hành quân đến Campuchia, chúng tôi hiểu rằng cần hỗ trợ Campuchia không chỉ vì đó là nước anh em, mà đó còn là ngăn chặn những hậu quả có thể xảy ra sau này.
Ngay sau khi hoàn thành xong nhiệm vụ, chúng tôi trở về nước. Những người có thể trở về như tôi đều coi đó là kỳ tích, vì ai cũng biết chiến tranh ác liệt thế nào.
Có lẽ, ông Lý Hiển Long vẫn chưa thực sự hiểu về tình cảnh Campuchia thời điểm đó, không biết quân Pot Pol lộng hành và tàn bạo ra sao. Ông chỉ đứng bên ngoài để phán xét sự hy sinh của cả 2 dân tộc anh em. Tôi cho điều đó là rất hồ đồ”.
Bình luận