Theo bác sĩ Trần Thị Trà Phương, hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome, rượu (alcohol) là chất ức chế thần kinh trung ương khiến hoạt động của não chậm lại. Uống rượu điều độ, đúng liều lượng có thể an toàn, hỗ trợ cho giấc ngủ, nhưng điều này còn phụ thuộc vào phản ứng với rượu của mỗi cá nhân.
Khi uống rượu, alcohol được hấp thu ở dạ dày và ruột non. Quá trình chuyển hóa rượu qua gan thường khá chậm. Sau thời gian uống khá lâu, lượng rượu vẫn còn tiếp tục lưu thông trong cơ thể. Ảnh hưởng của rượu phụ thuộc vào lượng rượu, tốc độ uống, tuổi tác và các chức năng trong cơ thể của mỗi người.
Uống rượu trước khi ngủ làm tăng khả năng ức chế giấc ngủ (thường bắt đầu khoảng 90 phút sau khi chìm vào giấc ngủ). Điều đó có nghĩa là uống rượu thường gây buồn ngủ, dễ ngủ vào thời gian đầu. Nhưng khi men gan chuyển hóa rượu vào ban đêm, lúc này nồng độ cồn trong máu giảm, giấc ngủ bị ảnh hưởng, người uống dễ bị gián đoạn giấc ngủ, tỉnh dậy giữa đêm.
Các nghiên cứu còn cho thấy, lạm dụng rượu kéo dài còn gây nên tình trạng mất ngủ mạn tính. Vì cơ thể có khả năng thích nghi với rượu nên lần sau lại càng phải uống nhiều hơn lần trước để an thần, dễ ngủ.
Để an toàn cho sức khỏe, mọi người không nên uống rượu. Uống rượu bia ở mức nguy hại khi một lần uống hơn 6 đơn vị rượu trong 30 ngày. Một đơn vị rượu tiêu chuẩn tương đương 10 g cồn ethanol, tương đương một lon bia 330 ml với nồng độ cồn 4%; một ly rượu vang 100 ml với nồng độ 13,5%; một chén rượu mạnh 30 ml với nồng độ cồn 40%.
Uống rượu bia có thể có lợi cho sức khỏe tim mạch nhưng với điều kiện người uống đã trên 45 tuổi và uống ở mức nguy cơ thấp dưới 10 đơn vị rượu mỗi tuần và trong tuần phải có ít nhất 2 ngày không uống.
Nam giới có thể uống tối đa 2 đơn vị rượu và nữ giới là một đơn vị rượu một ngày. Tuy nhiên, mức tiêu thụ này có thể an toàn cho sức khỏe tim mạch, tiêu hóa, hô hấp, thận; nhưng cũng có thể làm tăng nặng các vấn đề khác như nguy cơ ung thư, tai nạn thương tích, các bệnh không lây nhiễm khác.
Bình luận