DJIA hôm qua có thời điểm mất hơn 800 điểm, chốt phiên giảm 3,1%. Chỉ số S&P 500 mất 2,9% và Nasdaq giảm 3%. Đây là phiên giao dịch tệ nhất của chứng khoán Mỹ từ đầu năm.
Nguyên nhân là lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm xuống dưới 1,6% hôm qua, thấp hơn cả lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2007 việc này diễn ra.
Nhà đầu tư lo lắng khi Đức tăng trưởng âm trong quý II, căng thẳng Mỹ - Trung Quốc chưa có dấu hiệu sớm giải quyết và sản xuất công nghiệp tại Trung Quốc tăng thấp nhất 17 năm trong tháng 7. Vì thế, họ đổ tiền vào trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn dài. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 30 năm đã xuống 2,03% - thấp kỷ lục.
Trái phiếu chính phủ được coi là tài sản an toàn điển hình khi nhà đầu tư lo ngại về nền kinh tế. Thông thường, trái phiếu dài hạn trả lãi cao hơn, do nhà đầu tư muốn được hưởng lợi lớn hơn nếu để tiền tại kênh này trong dài hạn. Tuy nhiên, đường cong lợi suất hôm qua đã đảo ngược (lợi suất trái phiếu ngắn hạn cao hơn dài hạn), cho thấy nhà đầu tư lo lắng về triển vọng dài hạn của kinh tế Mỹ.
Việc này đã diễn ra nhiều lần trong vài tháng qua. Tuy nhiên, hôm qua là lần đầu tiên đường cong lợi suất chủ chốt – 2 năm và 10 năm – đảo ngược. Việc này khiến Wall Street lo lắng, do nó thường là chỉ báo cho một cuộc suy thoái. Suy thoái sẽ không diễn ra ngay. Ví dụ khủng hoảng tài chính 2008 diễn ra vài năm sau khi đường cong lợi suất đảo ngược vào cuối năm 2015.
Dù vậy, William Foster – nhà phân tích tại Moody’s dự báo Mỹ sẽ tránh được suy thoái trong năm 2019 và 2020, bất chấp dấu hiệu cảnh báo từ đường cong lợi suất đảo ngược. Bên cạnh đó, các yếu tố nền tảng tại đây vẫn khá tốt. Tỷ lệ thất nghiệp đang thấp kỷ lục, tiêu dùng bùng nổ và hệ thống tài chính vững mạnh. "Dù đường cong lợi suất không thuận lợi, chúng tôi không nhận thấy nhiều dấu hiệu nguy hiểm trong tương lai", John Lynch – chiến lược gia đầu tư tại LPL Research nhận định.
Bình luận