Thực trạng trên được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề cập khi báo cáo chuyên đề "Chủ trương, giải pháp về thể chế, thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia", tại Hội nghị toàn quốc quán triệt Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, sáng 13/1.
Chưa khuyến khích, thu hút đầu tư từ xã hội
Chủ tịch Quốc hội cho biết, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, Quốc hội đã thông qua 8 Luật liên quan đến nội dung khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Đặc biệt, 29 luật và 41 nghị quyết Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 và 8 đã giải quyết nhiều vấn đề cấp bách của thực tiễn, đồng thời trong đó có những Luật quy định về việc tạo lập cơ sở dữ liệu số; phương thức quản lý, cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù liên quan đến ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số; cho phép triển khai cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đối với các hoạt động nghiên cứu sản xuất sản phẩm, dịch vụ, các loại hình kinh doanh mới.
Ông Trần Thanh Mẫn khẳng định hệ thống pháp luật hiện hành cũng đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi về đầu tư, tài chính, phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy các hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng hệ thống pháp luật về khoa học, công nghệ và chuyển đổi số quốc gia vẫn còn có những hạn chế cơ bản, đơn cử như thiếu đồng bộ, thống nhất, dẫn đến một số cơ chế khuyến khích, thúc đẩy trong những lĩnh vực này không phát huy được tác dụng.
"Cơ chế đầu tư, tài chính cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa thực sự phù hợp, chưa khuyến khích, thu hút đầu tư từ xã hội", Chủ tịch Quốc hội đánh giá và nêu rõ 8 vấn đề thực tế.
Một là tổng kinh phí đầu tư của toàn xã hội cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo còn thấp. Việc huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực còn nhiều hạn chế, chưa hiệu quả; chi đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho lĩnh vực này có xu hướng giảm; trong giai đoạn 2016-2023 giảm từ 1,29% (năm 2016) xuống còn 0,8% (năm 2023).
Hai là phân bổ vốn đầu tư cho hoạt động khoa học, công nghệ còn chồng chéo, dàn trải, chưa tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên. Kinh phí đầu tư trong những năm qua không đạt tỉ lệ tối thiểu 2% tổng chi ngân sách nhà nước theo Nghị quyết số 20 và Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013.
Ba là hằng năm, kinh phí phân bổ đa số các bộ, ngành trung ương và các địa phương không giải ngân hết.
Bốn là quy quy định về xây dựng dự toán và kinh phí quản lý nhiệm vụ khoa học, công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước hiện nay chưa phù hợp với đặc thù của hoạt động khoa học và công nghệ, chưa đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của cộng đồng khoa học.
Năm là cơ chế quản lý tài chính đối với các tổ chức khoa học, công nghệ, nhất là các tổ chức sự nghiệp công lập chưa phù hợp, dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong quyền tự chủ về kế hoạch, tài chính, nhân lực và hợp tác quốc tế, nhất là thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao trong nghiên cứu.
Sáu là các quy định về việc khuyến khích trích lập và sử dụng quỹ chưa đủ hấp dẫn, chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp; số lượng doanh nghiệp trích lập Quỹ chưa nhiều và số dư Quỹ chưa sử dụng còn lớn. Quy trình phân bổ kinh phí vào các Quỹ khoa học và công nghệ các cấp chưa được thực hiện do một số bộ, ngành, địa phương chưa được thành lập Quỹ.
Bảy là cơ chế khoán chi đến sản phẩm cuối cùng của nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã được triển khai thực hiện, nhưng không phổ biến, hiện nay, việc chi tiêu, thanh toán vẫn phải chịu sự điều chỉnh đồng thời của Luật Kế toán, Luật Ngân sách nhà nước và Luật Đấu thầu.
Tám là khó khăn, vướng mắc trong việc quản lý, sử dụng tài sản công đối với xử lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước. Quỹ đầu tư mạo hiểm công nghệ cao quốc gia đều đã được quy định tại Luật Công nghệ cao năm 2008. Tuy nhiên, các quy định này hầu như chưa được quy định chi tiết, hướng dẫn triển khai.
Cùng đó, theo ông Trần Thanh Mẫn, cơ chế đầu tư, tài chính để triển khai hoạt động chuyển đổi số còn khó khăn, chưa được tháo gỡ chưa kịp thời; việc phân bổ nguồn tài chính cho các nhiệm vụ, đề án, dự án có phạm vi quy mô quốc gia còn chậm và triển khai phức tạp, mất nhiều thời gian.
Phân bổ ngân sách dựa trên kết quả đầu ra
Đề cập nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá về thể chế để thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh trước hết cần nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy về vị trí, vai trò của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
Đồng thời, đổi mới mạnh mẽ tư duy, phương thức, quy trình thủ tục trong hoạt động xây dựng pháp luật.
Theo Chủ tịch Quốc hội, các luật phải ngắn gọn, rõ ràng, chỉ quy định những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội; không luật hóa các nội dung thông tư, nghị định.
Tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách hành chính; chuyển mạnh từ luật thiên về quản lý sang kết hợp hài hòa giữa quản lý có hiệu quả với kiến tạo phát triển, khuyến khích đổi mới sáng tạo, kiên quyết từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm".
"Đối với những vấn đề cụ thể còn đang trong quá trình vận động, chưa ổn định, thì luật chỉ quy định khung và giao cho Chính phủ quy định chi tiết, đảm bảo sự linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành, đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn", Chủ tịch Quốc hội quán triệt.
Nhắc lại chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về hệ thống pháp luật cần được hoàn thiện, để mỗi nội dung chỉ quy định tại một luật duy nhất, ông Trần Thanh Mẫn lưu ý quản lý theo kết quả, cần loại bỏ cơ chế xin cho và bao cấp; đổi mới phân bổ ngân sách dựa trên kết quả đầu ra, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Cơ chế quản lý khoa học phải tạo động lực đổi mới, sáng tạo như tinh thần "khoán 10" trong nông nghiệp.
Bên cạnh đó, tiếp tục cho phép thí điểm đối với những vấn đề thực tiễn mới đặt ra; nghiên cứu, quy định phù hợp về cơ chế thí điểm, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát; nghiên cứu quy định miễn trừ trách nhiệm trong trường hợp thử nghiệm công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh cần nhận diện đúng, đầy đủ các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn, rào cản để tháo gỡ, xóa bỏ; thống nhất nhận thức về nhiệm vụ "đưa thể chế thành lợi thế cạnh tranh"; thể hiện rõ mức độ khuyến khích, ưu đãi vượt trội nhằm phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, ông Trần Thanh Mẫn cho biết Quốc hội sẽ cho ý kiến, xem xét thông qua các dự án Luật trong các lĩnh vực trọng tâm về khoa học; công nghệ, đổi mới sáng tạo, công nghệ số.
"Trên tinh thần đó, Quốc hội sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, như phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Chính phủ và chính quyền địa phương là: Thời điểm hiện nay đất nước đã có đủ thế và lực, đủ ý chí và quyết tâm để bước vào kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.
Mọi cơ hội đang đến với chúng ta phải được nắm bắt kịp thời, bởi nếu để vuột mất, chúng ta sẽ có lỗi với lịch sử và với Nhân dân", ông Trần Thanh Mẫn nói thêm.
Bình luận