• Zalo

Chiến thắng đặc biệt của Thể Công sau giải phóng miền Nam 1975

Thể thaoThứ Bảy, 03/09/2016 08:16:00 +07:00Google News

Người hâm mộ trông chờ cuộc đọ sức giữa Thể Công với Cảng Sài Gòn và coi đây mới là cuộc đối đầu chính thức của bóng đá 2 miền.

Sau chiến thắng lịch sử giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/04/1975, tháng 5/1975, đội bóng đá Thể Công có đợt tập huấn 4 tháng tại Cộng hoà Dân chủ Đức nhằm hoàn thiện đội hình, nâng cao trình độ chuẩn bị làm nhiệm vụ tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.

Tháng 11/1975, đội về nước, dự kiến tháng 12/1975 sẽ lên đường. Lúc này lực lượng Thể Công rất mạnh: lớp cầu thủ 1965 Trọng Giáp, Vũ Mạnh Hải, Phan Văn Mỵ, Thế Anh - Ba Đẻn... đang ở thời kỳ đỉnh cao, phong độ ổn định với tuổi trung bình tầm 27, 28 làm nòng cốt; lại được bổ sung thêm lớp cầu thủ 1971 gồm Cao Cường, Quản Trọng Hùng, Trần Văn Thành, Trần Triệu Tuấn... mới ngoài 20 tuổi tài năng và khát khao cống hiến.

the-cong

Đội hình Thể Công năm 1979

Chuyến tập huấn thành công tốt đẹp khi trận đấu báo cáo trước Bộ Quốc phòng và nhân dân tại sân Hàng Đẫy, Thể Công thắng rất đậm Công an Hà Nội trong thế trận một chiều. Đặc biệt về thể lực thì vượt trội (CAHN hiệp hai chỉ đi bộ). Các mảng miếng chiến thuật đa dạng. Thể Công khi ấy có uy tín lớn như ĐTQG vì trình độ chuyên môn và đạo đức cầu thủ.

Những người hâm mộ phía Nam coi việc Thể Công vào thi đấu như một sự kiện đặc biệt để so sánh tài năng bóng đá 2 miền Nam – Bắc. Mặc dù liên tiếp các năm 1975, 1976, một số đội mạnh ở miền Bắc như CAHN, Đường sắt Việt Nam, Phòng không Không quân, Quân khu 3... đã vào Nam thi đấu, nhưng người ta vẫn không vừa lòng. Đối với họ, Thể Công mới là tiêu biểu cho bóng đá phía Bắc. Họ trông chờ cuộc đọ sức giữa Thể Công với Cảng Sài Gòn và coi đây mới là cuộc đối đầu chính thức của bóng đá 2 miền !

Nhưng mãi đến 4 năm sau, tháng 5/1979, đội bóng đá Thể Công mới được vào miền Nam thi đấu chính thức chào khán giả Tp.HCM và những người hâm mộ trên sân Thống Nhất. Bốn năm trôi qua, lớp cầu thủ nòng cốt của Thể Công đã qua tuổi 30 không còn sung sức nữa, nhưng sức nóng của trận đấu vẫn thế, tính chất của trận đấu vẫn thế.

the-cong-1

Đại tướng Võ Nguyên Giáp chụp ảnh lưu niệm cùng cả đội

Tình hình trước trận đấu rất căng thẳng. Thể Công bay vào Tp.HCM bằng chuyến bay quân sự, toàn đội “cấm trại” 2 tuần trong trại David. Những ngày đóng quân ở đây, hầu như ngày nào cũng có khách. Thủ trưởng các quân khu, đơn vị, đoàn thể... đến động viên.

Chiều 20/05/1979, một chiếc xe jeep quân cảnh hú còi dẹp đường, ngay sau là xe M113 dẫn xe của Thể Công đi giữa và một chiếc M113 bọc hậu rời trại David tiến ra sân Thống Nhất. Khi tới sân, một không khí bóng đá đặc biệt chào đón: khán giả chen chúc đặc kín trên các khán đài và cả bên ngoài. Những tiếng hoan hô, vỗ tay của hàng vạn người tạo nên những âm thanh hỗn độn.

Trong phòng thay đồ, sự hồi hộp pha chút lo lắng hiện lên trên khuôn mặt đẫm mồ hôi của các cầu thủ. Tâm lý thi đấu căng thẳng. Đoàn trưởng Ngô Xuân Quýnh, Phạm Tất Thắng và các HLV Nguyễn Ngọc Chi, Nguyễn Bính tranh thủ dặn dò từng cầu thủ, nhắc lại những chi tiết đấu pháp được thống nhất ban sáng.

Trước khi khởi động, thủ quân Nguyễn Trọng Giáp dẫn toàn đội mặc áo đỏ chạy ra sân xếp hàng ngang chào khán giả. Hàng vạn khán giả TP.HCM vỗ tay hoan hô và đồng thanh 2 tiếng: Thể Công ! Thể Công !

Do tính chất trận đấu, ngay từ phút đầu 2 đội đá rất thận trọng, thi đấu an toàn sân nhà, chưa dám mạo hiểm trong tấn công. Thế trận cân bằng nhưng Thể Công bắt đầu tăng tốc khi phát hiện trong đội hình CSG có nhiều cầu thủ lớn tuổi như Tư Lê, Tam Lang... Rất nhiều đường bóng dài được sử dụng tận dụng tốc độ và sự linh hoạt của anh em Thế Anh, Cao Cường; trong khi đó CSG đá nhỏ, nhuyễn và cũng có cơ hội khi Thà đột phá cánh trái lật vào giữa cho Ngôn sút nhưng bóng đi không chính xác.

Được hơn 10 phút, trong một đợt tấn công bằng bóng dài ở cánh phải, Thể Công được hưởng quả phạt góc. Cầu thủ trẻ Đỗ Văn Phúc xin thực hiện quả phạt này và anh đã làm nên lịch sử khi dùng mu ngoài chân phải sút mạnh để bóng bay cong theo hình trái chuối, vượt qua tầm kiểm soát của một rừng cầu thủ hai đội và đôi tay của thủ môn Lưu Kim Hoàng bay vào góc chữ A khung thành bên phải. Cả cầu trường ào lên như sóng dậy, tất cả vỗ tay tán thưởng cú sút điệu nghệ, hiếm có. Thể Công dẫn trước 1-0.

Nhưng CSG đâu phải non nớt. Đa số đội hình là các danh thủ đầy tiếng tăm đã từng thi đấu trong màu áo đội tuyển Việt Nam Cộng hoà chinh phục cúp Merdeka và là một thế lực ở Đông Nam Á nên họ bình tĩnh, tiếp tục kiên trì lối đá nhỏ. Gần cuối hiệp 1, cũng từ biên bên phải tạt vào, hậu vệ Thể Công đánh đầu phá bóng ra, tiền vệ Văn Mười xuất hiện đúng lúc và anh lập tức sút chéo góc Trần Văn Khánh san bằng cách biệt 1-1 ! Khán đài lại sắp vỡ bởi hiệu ứng từ bàn thắng ! Người ta ào lên hô vang: Cảng Sài Gòn ! Cảng Sài Gòn!

Vào hiệp 2, trận đấu tiếp tục căng thẳng. Thể Công chơi nhanh, an toàn sân nhà và dùng bóng dài vượt tuyến, không phối hợp nhỏ như mọi khi, còn CSG vẫn cố gắng trung thành với lối đá nhỏ sở trường. Phút 75, trong một đợt tấn công từ biên trái, Ba Đẻn nhanh như cắt vượt qua hậu vệ CSG lật bóng vào trung lộ, Cao Cường lao vào nhưng bị cản phá không chạm được bóng, bỗng từ phía sau Trần Viết Cường lao vào đánh đầu, trong cự ly quá gần lại diễn ra rất nhanh, thủ môn Lưu Kim Hoàng bất lực nhìn bóng lăn vào lưới.

Cả cầu trường im lặng trong giây lát rồi lại vỡ oà lên. 2-1 cho Thể Công ! 2-1 cho Thể Công.

Hết 90 phút, tướng Cao Văn Khánh xuống sân bắt tay và ôm từng cầu thủ. Những giọt nước mắt hạnh phúc lăn trên gò má vị tướng già từng xông pha trận mạc ngày nào, nay chứng kiến những người lính trẻ vừa hoàn thành nhiệm vụ. Ông biểu dương: “Các đồng chí đã mang chiến thắng vẻ vang về cho quân đội ! Các đồng chí Thể Công trẻ đã xứng đáng kế tục lớp già!”.

Đội hình ra sân:

Thể Công: Thủ môn: Trần Văn Khánh. Hậu vệ: Đỗ Văn Phúc, Nguyễn Trọng Giáp, Quản Trọng Hùng, Đặng Đình Đức; Tiền vệ: Vũ Mạnh Hải, Phan Văn Mỵ, Trần Viết Cường; Tiền đạo: Bùi Ngọc Chi, Nguyễn Cao Cường, Nguyễn Thế Anh.

Cảng Sài Gòn: Thủ môn: Lưu Kim Hoàng. Hậu vệ: Phạm Huỳnh Tam Lang, Lê Đình Thăng, Trung “sói”, Nguyễn Kim Quang; Tiền vệ: Nguyễn Văn Mười, Cù Sinh, Ngọc; Tiền đạo: Lê Văn Tư (giữa), Dương Văn Thà (phải), Nguyễn Văn Ngôn (trái).

Trích tự truyện “Tôi là cầu thủ bóng đá Thể Công” của cựu danh thủ Vũ Mạnh Hải     

Vũ Mạnh Hải
Bình luận
vtcnews.vn