Nhân chuyến công tác đến Việt Nam theo lời mời của Quỹ VinFuture, giáo sư Ming Hung Wong (Đại học Giáo dục Hong Kong, Trung Quốc) chia sẻ về tác động của các hoá chất trong nhựa ảnh hưởng đến hệ sinh thái và sức khỏe con người.
Hoá chất trong đồ nhựa gây rối loạn nội tiết con người
GS Ming Hung Wong cho hay, Bisphenol A (BPA) và phthalates – hai chất hóa học phổ biến trong nhiều sản phẩm nhựa, túi nilon hàng ngày, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và môi trường.
Cấu trúc hoá học của BPA là thành phần chính trong nhựa, trong khi phthalates được thêm vào để tăng độ bền và tính dẻo.
Trước đây, BPA thường được tìm thấy trong chai nước, bình sữa em bé, hộp đựng thực phẩm và lớp lót của lon thực phẩm và đồ uống. Còn Phthalates có trong nhiều sản phẩm hơn, chẳng hạn như màn tắm, sàn nhựa vinyl, đồ chơi nhựa và các sản phẩm chăm sóc cá nhân khác nhau như kem dưỡng da, dầu gội, son môi và thậm chí một số đồ uống như chất tạo độ đục.
Ở Đài Loan (Trung Quốc), khoảng 15 năm trước, cơ quan nghiên cứu phát hiện chất phthalates trong đồ uống từng gây quan ngại lớn. Chúng được cho thêm vào đồ uống như trà sữa vì những chất này giá rẻ và hiệu quả trong việc tạo ra vẻ ngoài có màu đục hấp dẫn.
Điều đáng quan ngại nhất là các hóa chất này có thể ngấm vào đồ uống và thực phẩm mà chúng ta tiêu thụ mỗi ngày.
"Tôi không rõ ở Việt Nam thế nào, nhưng ở Hong Kong (Trung Quốc) và Bangkok (Thái Lan), nhựa được sử dụng rất nhiều. Túi nhựa thường dùng đựng đồ uống và thực phẩm, như túi đựng bánh mì, bánh ngọt và bánh bao", vị này dẫn chứng. Hay đôi khi mọi người hâm nóng thức ăn bằng lò vi sóng trong hộp nhựa, điều này có thể làm tăng nguy cơ các hóa chất này “ngấm” vào thức ăn và đồ uống. Nhiệt, đặc biệt là khi đạt mức quá cao, có thể khiến các hóa chất này dễ thấm hơn vào thực phẩm.
Về tác động của các hóa chất này với sức khỏe, GS Wong phân tích, cả hai đều được phân loại là chất gây rối loạn nội tiết. Chúng can thiệp vào chức năng nội tiết tố bình thường của con người, có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản ở người và động vật, đồng thời gây ra các vấn đề về phát triển như dậy thì sớm ở trẻ em gái và chậm lớn ở trẻ em trai.
Ngoài ra còn có thể có các tác động xấu đến sức khỏe khác, chẳng hạn như béo phì, bệnh tim mạch và tác động đến gan, thận, phổi và các cơ quan khác. Đây là một số tác động tiềm tàng đối với sức khỏe của con người.
Không chỉ riêng Hong Kong, ngày nay hai độc tố hoá học nhựa trên cũng xuất hiện trong ô nhiễm công nghiệp, xử lý chất thải và ô nhiễm không khí từ giao thông vận tải và công nghiệp, ông Wong lo ngại về hai hoá chất này.
Nỗ lực tìm chất thay thế, bảo vệ con người
Theo GS Đại học Giáo dục Hong Kong (Trung Quốc), để giải quyết vấn đề này, các nước cần giảm ô nhiễm công nghiệp bằng cách đặt ra các quy định, áp dụng quy trình sản xuất sạch hơn và cải thiện hệ thống quản lý chất thải. Cần đặt mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm và tái chế chất thải trong điều kiện an toàn.
Nhiều quốc gia, khu vực đang nỗ lực đáng kể để giải quyết vấn đề này. Các quốc gia đang nỗ lực tìm chất thay thế, đặt mục tiêu bảo vệ sức khỏe sinh thái và sức khỏe con người.
Theo ông để đạt được điều này, trước tiên cần thiết lập các quy định về vật liệu thay thế không chứa các hóa chất này, và đặt ra giới hạn về sự hiện diện của chúng trong các sản phẩm. Các quy định, hoạt động sản xuất, tiêu thụ bền vững và thay đổi hành vi cá nhân là rất quan trọng.
"Đặc biệt, công chúng nên được thông báo về những rủi ro sức khỏe tiềm ẩn, trao cho họ quyền đưa ra lựa chọn sáng suốt", ông nhấn mạnh.
Nhiều quốc gia, nhiều người đang cố gắng ngừng sử dụng nhựa, nhưng điều đó rất khó trong cuộc sống hàng ngày. Nhựa nhẹ, bền và được sử dụng rộng rãi trong các sản phẩm khác nhau.
Theo ông, nếu con người không thể loại bỏ hoàn toàn chúng, nên chọn các loại nhựa an toàn hơn và xem xét các lựa chọn thay thế như chai thủy tinh hoặc hộp đựng bằng gốm. Các nước cần xem xét toàn bộ: nguồn gốc, số phận, tác động và quản lý các hóa chất này, bao gồm sản xuất, tiêu thụ và thải bỏ.
Bình luận