(VTC News)- Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga tại hội thảo “Đổi mới và phát triển hệ thống các trường ngoài công lập ở Việt Nam” diễn ra ngày 29/2.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng, từ trước tới nay chưa có cơ chế rõ ràng nên các trường ngoài công lập không vì lợi nhuận có nhiều thiệt thòi. Sự công bằng giữa trường công và trường tư mới chỉ được đảm bảo trong chuyên môn, còn cơ chế tài chính còn có sự khác biệt giữa đầu tư nhà nước và đầu tư tư nhân. Về lâu dài, vấn đề này sẽ được xem xét, điều chỉnh để bảo đảm công bằng cho sinh viên các trường ngoài công lập.
Thứ trưởng Ga cũng nhấn mạnh, khi ta xác định được thế nào là trường không vì lợi nhuận thì có cơ chế khác, vì lợi nhuận thì sẽ có cơ chế khác. Hiện giờ vấn đề này vẫn chưa rạch ròi nên chưa có cơ chế rõ ràng, làm thiệt thòi cho các trường không vì lợi nhuận.
Cần có một cơ chế tài chính công bằng cho các trường ngoài công lập (Ảnh: Phạm Thịnh) |
GS-TS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Chủ tịch hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập đề xuất: “Nhà nước nên có chính sách đối với các trường ngoài công lập phi lợi nhuận, trong đó có vấn đề đất đai, miễn thuế, hoặc Nhà nước có thể đầu tư trực tiếp vào các trường này”.
Theo GS Quân, việc các trường ĐH, CĐ ngoài công lập hoạt động sẽ giúp đỡ cho ngân sách nhà nước rất nhiều do các trường tự thu, tự chi. Vì vậy, ngân sách nhà nước có thể được sử dụng để đầu tư cho các đối tượng khác.
Đồng tình với ý kiến của nhiều đại biểu, GS Hoàng Xuân Sính – Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH Thăng Long chỉ ra một thực tế, nhà nước kiểm soát đầu vào thông qua điểm sàn dẫn đến thực tế là là các trường công, trường trọng điểm vẫn có quyền lấy đến điểm sàn và như vậy đồng nghĩa với việc chiếm hết thị phần của các trường tư, đặc biệt các trường mới thành lập. Ngoài ra, sự mở rộng quá nhanh hệ thống các trường đại học trong đó có các trường tư thục khiến cho các trường lâm vào thế cạnh tranh gay gắt.
GS Hoàng Xuân Sính cũng kiến nghị, Bộ GD&ĐT sớm ban hành những cơ chế minh bạch, tạo sự công bằng cho các trường ngoài công lập. Thêm nữa, phải có quy hoạch về thời gian và không gian, vùng nào nên có trường tư, vùng nào không. Ngoài ra, Nhà nước cần có chính sách về đất đai, thuế, giao đất sạch cho trường và có chính sách miễn thuế cho trường phi lợi nhuận.
Ngoài ra, tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận những vấn đề khác liên quan đến thực trạng phát triển hệ thống các trường ngoài công lập ở Việt Nam.
Phạm Thịnh
Bình luận