• Zalo

Cần coi trọng và đặt an toàn hàng không ở vị trí ưu tiên hàng đầu

Thị trườngThứ Ba, 19/09/2023 06:45:55 +07:00Google News

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn yêu cầu các doanh nghiệp vận tải hàng không cần coi trọng và đặt an toàn hàng không ở vị trí ưu tiên hàng đầu.

Từ 19-21/9/2023, Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) sẽ tổ chức Hội nghị An toàn và Khai thác hàng không thế giới 2023 tại Hà Nội. 

Trước thềm hội nghị quan trọng này, PV trao đổi với Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn liên quan đến việc đảm bảo an toàn hàng không tại Việt Nam.

Ngành hàng không Việt Nam đã có hơn 20 năm liên tục không để xảy ra tai nạn hàng không trong vận tải hàng không thương mại.

Ngành hàng không Việt Nam đã có hơn 20 năm liên tục không để xảy ra tai nạn hàng không trong vận tải hàng không thương mại.

 

- Hơn 20 năm qua, ngành hàng không Việt Nam đã nỗ lực đảm bảo an toàn, không xảy ra tai nạn hàng không trong vận tải hàng không thương mại. Đáng nói, sau khi được Nhà chức trách hàng không Mỹ phê chuẩn năng lực giám sát an toàn hàng không CAT 1, Việt Nam đã nỗ lực duy trì được chứng chỉ này. Ông đánh giá thế nào về thành tựu này?

Đảm bảo an toàn giao thông nói chung và an toàn hàng không nói riêng luôn là một trong những mục tiêu, nhiệm vụ trọng yếu mà Bộ GTVT được Đảng và Chính phủ giao. 

Việc Cục Hàng không Việt Nam được Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) xếp hạng năng lực giám sát an toàn hàng không ở mức 1 - hay còn gọi là CAT 1, (mức xếp hạng năng lực giám sát an toàn hàng không cao nhất của Nhà chức trách hàng không Mỹ đối với các Nhà chức trách hàng không nước ngoài) vào 15/02/2019 là một thành tựu rất đáng được biểu dương, khen ngợi. 

Thành tựu này thể hiện năng lực giám sát an toàn của hàng không Việt Nam đã hoàn toàn đáp ứng được các tiêu chuẩn an toàn rất khắt khe của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) nói chung và của Hàng không Mỹ nói riêng. Điều này đã thể hiện sự công nhận của quốc tế đối với công tác đảm bảo an toàn hàng không của Việt Nam cũng như khẳng định sự hội nhập toàn diện của Hàng không Việt Nam với hàng không thế giới.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn.

Do đó việc đạt được CAT 1 không chỉ đem lại lợi ích về an toàn hàng không mà còn mang lại các lợi ích to lớn khác về kinh tế đối với các Hãng hàng không Việt Nam, ngoài ra nó cũng mang lại các lợi thế cho các Hãng hàng không Việt Nam khi đàm phán với các Tổ chức cung cấp bảo hiểm Hàng không. Sau khi chúng ta đạt được chứng nhận CAT 1 của FAA, Vietnam Airlines đã triển khai đường bay thẳng từ TP.HCM đi Sanfrancisco.

Theo Hiệp định hàng không Việt - Mỹ, các hãng hàng không của Việt Nam chỉ được phép bay đến Mỹ khi FAA xác nhận năng lực giám sát an toàn của Nhà chức trách Hàng không Việt Nam đạt được mức 1 (CAT1).

Việc duy trì CAT1 có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với hệ thống đảm bảo an toàn hàng không của Việt Nam, gắn trực tiếp với lợi ích kinh tế của doanh nghiệp hàng không Việt Nam cũng như uy tín về an toàn của hàng không Việt Nam đối với vận chuyển hàng không quốc tế. 

Do đó, Bộ GTVT đã và đang tiếp tục xây dựng, rà soát các cơ chế, chính sách, bao gồm cả các chế độ đãi ngộ với lực lượng công chức thực hiện nhiệm vụ giám sát an toàn hàng không theo đúng tiêu chuẩn của ICAO cũng như của FAA để giúp hàng không Việt Nam luôn luôn chủ động đảm bảo đủ nguồn lực để thực hiện giám sát an toàn hiệu quả.

- Theo ông, đâu là nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến kết quả này?

Có được kết quả này là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo của các Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ đối với ngành hàng không nói chung và an toàn hàng không nói riêng. 

Chính phủ, Bộ GTVT luôn coi trọng, chỉ đạo sát sao trong công tác xây dựng thể chế, chính sách, các quy định của pháp luật và đảm bảo nguồn nhân lực nhằm xây dựng, đảm bảo bộ máy, năng lực của nhà chức trách hàng không đáp ứng các tiêu chuẩn của ICAO.

Đây cũng là kết tinh của một quá trình nỗ lực, cải tiến, hoàn thiện liên tục năng lực giám sát an toàn hàng không của Bộ GTVT nói chung và ngành hàng không nói riêng. 

Ngay sau khi Hiệp định hàng không giữa Việt Nam và Hoa Kỳ được ký kết, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT về việc mở đường bay từ Việt Nam đi Hoa Kỳ. Từ 2004 tới 2019, dưới sự chỉ đạo của Bộ GTVT, Cục Hàng không VN đã có rất nhiều nỗ lực, giải pháp mang tính hệ thống, đột phá và toàn diện từ việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cơ cấu tổ chức, nguồn nhân lực giám sát an toàn...

Ngoài ra, việc tăng cường hợp tác quốc tế hiệu quả với các nhà chức trách hàng không lớn trên thế giới, cũng như các nhà sản xuất máy bay, các tổ chức hàng không quốc tế khác cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ Việt Nam xây dựng, duy trì, nâng cao năng lực giám sát an toàn để đáp ứng tiêu chuẩn an toàn toàn cầu.

Cần duy trì nguồn nhân lực chất lượng cao hoạt động trong các hãng hàng không, các tổ chức bảo dưỡng, tổ chức huấn luyện.

Cần duy trì nguồn nhân lực chất lượng cao hoạt động trong các hãng hàng không, các tổ chức bảo dưỡng, tổ chức huấn luyện.

 

- Theo ông, làm thế nào có thể đảm bảo an toàn hàng không một cách bền vững?

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu vẫn gặp nhiều khó khăn do chịu tác động kéo dài của đại dịch COVID-19, xung đột địa chính trị ở một số khu vực trên thế giới, chính sách tiền tệ thắt chặt, giá nhiên liệu máy bay duy trì ở mức cao, tăng trưởng hàng không, những mối đe doạn đối với an toàn, an ninh phi truyền thống đặt ra những thách thức không nhỏ đối với ngành hàng không thế giới trong việc duy trì hoạt động và đảm bảo an ninh, an toàn. 

Bên cạnh những thách thức chung đó, ngành hàng không Việt Nam còn một số thức nội tại như chính sách, thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực, môi trường, quản trị rủi ro hàng không, bảo vệ môi trường và ứng dụng công nghệ mới.

Để đảm bảo được an toàn hàng không bền vững, trước hết, cần xây dựng và hoàn thiện thể chế. Cụ thể, tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện Luật Hàng không dân dụng trên cơ sở tổng kết, đánh giá thực hiện, thường xuyên sửa đổi, cập nhật bổ sung các quy định về đảm bảo an toàn hàng không để đáp ứng các Tiêu chuẩn an toàn của ICAO, thông lệ quốc tế và thực tiễn quản lý của Việt Nam; Xây dựng, hoàn thiện và triển khai đồng bộ chương trình an toàn hàng không quốc gia (SSP), hệ thống quản lý an toàn (SMS) đối với các tổ chức hàng không, nâng cao năng lực giám sát an toàn đạt tiêu chuẩn của nhà chức trách hàng không.

Hạ tầng giao thông hàng không cần tiếp tục được đánh giá, quy hoạch, nâng cấp và hoàn thiện để đáp ứng được nhu cầu vận chuyển của ngành hàng không không chỉ trong hiện tại và còn là tương lai; tránh để hạ tầng là điểm nghẽn ảnh hưởng đến an toàn và phát triển hàng không.

Cùng đó, cần duy trì nguồn nhân lực chất lượng cao hoạt động trong các hãng hàng không, các tổ chức bảo dưỡng, tổ chức huấn luyện. Khuyến khích nâng cao năng lực huấn luyện đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao (người lái tàu bay, thợ kỹ thuật bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay) của các tổ chức huấn luyện trong nước nhằm tự chủ, chủ động được các nguồn lực đảm bảo an toàn.

Bên cạnh đó, cần chú trọng quản lý sự thay đổi, nhận diện nguy hiểm, quản lý rủi ro, đặc biệt trước tình hình thế giới biến động nhanh chóng, không ngừng, bao gồm cả các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội, cũng như các biến động về môi trường, thời tiết, khí hậu, thiên tai, dịch bệnh.

Ngoài ra, ứng dụng công nghệ số, thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực khai thác và an toàn hàng không, đặc biệt là ứng dụng của trí tuệ nhân tạo trong ngành hàng không và quản lý chuỗi cung ứng toàn cầu cũng là nhưng giải pháp để đảm bảo an toàn hàng không bền vững.

- Việc xây dựng văn hóa an toàn hàng không có ý nghĩa thế nào với việc đảm bảo an toàn hàng không, thưa ông?

Văn hóa an toàn có thể được hiểu là nhận thức, ý thức, cách ứng xử, tinh thần trách nhiệm của mỗi người đối với vấn đề an toàn giao thông hàng không. Văn hóa an toàn gắn liền với văn hóa doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực hàng không và văn hóa cộng đồng.

Văn hóa an toàn có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo an toàn hàng không và cũng là một nội dung cần được chú trọng trong công tác đảm bảo an toàn giao thông hàng không.

Bộ GTVT ban hành chương trình an toàn hàng không quốc gia, ban hành các Thông tư quy định về thiết lập và triển khai hệ thống quản lý an toàn trong đó chú trọng yếu tố văn hóa an toàn trong các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không.

Đối với doanh nghiệp, văn hóa an toàn thể hiện qua nhận thức, sự coi trọng và đặt ở vị trí ưu tiên về an toàn hàng không của các cấp quản lý và nhân viên trong tổ chức

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn

Đối với doanh nghiệp, văn hóa an toàn thể hiện qua nhận thức, sự coi trọng và đặt ở vị trí ưu tiên về an toàn hàng không của các cấp quản lý và nhân viên trong tổ chức; Luôn luôn duy trì thái độ, trách nhiệm đối với đảm bảo an toàn; Sẵn sàng và có khả năng thích nghi khi đối mặt với các vấn đề an toàn; sẵn sàng trao đổi, thảo luận, báo cáo, thông báo các vấn đề về an toàn; thúc đẩy và cải tiến liên tục hệ thống quản lý an toàn...

Trong một nền văn hóa an toàn vững mạnh, các cấp quản lý và nhân viên đều cảm thấy có trách nhiệm trong việc đảm bảo an toàn và luôn nỗ lực để đạt được điều đó mỗi ngày. Người lao động không chỉ hoàn thành đúng nhiệm vụ của mình mà còn tự động nhận diện, báo cáo các tình trạng và hành vi thiếu an toàn và tham gia vào việc điều chỉnh, khắc phục chúng.

Người lao động trong ngành hàng không không chỉ hoàn thành đúng nhiệm vụ của mình mà còn phải tự động nhận diện, báo cáo các tình trạng và hành vi thiếu an toàn và tham gia vào việc điều chỉnh, khắc phục.

Đối với cộng đồng, văn hóa an toàn thể hiện qua nhận thức hoặc ý thức đối với hoạt động hàng không của người dân tham gia (như hành khách đi tàu bay) hoặc không tham gia giao thông hàng không (như người dân sống ở các khu vực lân cận sân bay). 

Trong thực tế ngành hàng không ghi nhận nhiều sự việc ví dụ như hút thuốc trên tàu bay, mở cửa thoát hiểm của tàu bay khi chưa được phép, hoặc chiếu tia laser, đốt rơm rạ trong khu vực lân cận sân bay có thể gây uy hiếp an toàn bay đã xảy ra. 

- Nhận xét một cách khách quan, phía các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không, theo ông, họ đã coi trọng và ứng xử đúng với công tác quan trọng này?

Thực tế, ngành hàng không Việt Nam những năm qua đã đạt được những kết quả rất ấn tượng về an toàn khai thác trong nhiều năm qua.

Điều đó cũng là minh chứng cho thấy các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không luôn luôn tuân thủ và hưởng ứng 1 cách tích cực các chính sách, yêu cầu do cơ quan quản lý Nhà nước ban hành đặc biệt là trong việc xây dựng văn hóa an toàn và triển khai hiệu quả các chương trình quản lý an toàn SMS theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và tiêu chuẩn quốc tế ICAO.

Ở Việt Nam, ngay sau khi Bộ GTVT ban hành Chương trình an toàn hàng không quốc gia (SSP) năm 2012, các doanh nghiệp hàng không, các hãng hàng không, các Nhà khai thác cảng hàng không, cơ quan cung cấp dịch vụ quản lý bay… đã thiết lập và triển khai Hệ thống quản lý an toàn hàng không (SMS) trong đó luôn đặt an toàn và duy trì văn hóa an toàn lên vị trí hàng đầu. 

Cộng đồng quốc tế ngày càng tín nhiệm công tác quản lý an toàn hàng không của Việt Nam nói chung và của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam Vietnam Airlines nói riêng.

Cộng đồng quốc tế ngày càng tín nhiệm công tác quản lý an toàn hàng không của Việt Nam nói chung và của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam Vietnam Airlines nói riêng.

- Ông đánh giá thế nào về việc IATA lựa chọn Việt Nam nói chung và Vietnam Airlines nói riêng là hãng hàng không chủ nhà đăng cai tổ chức Hội nghị An toàn và Khai thác thế giới năm 2023?

Hiệp hội Vận tải hàng không Quốc tế (IATA) là một trong những tổ chức hàng không quốc tế lớn nhất và lâu đời nhất trên thế giới. Việc IATA lựa chọn Việt Nam là địa điểm tổ chức hội nghị quốc tế về an toàn hàng không và Vietnam Airlines là hãng hàng không chủ nhà đăng cai sự kiện cho thấy vai trò và sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế đối với công tác quản lý an toàn hàng không của Việt Nam nói chung và của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) nói riêng.

Đồng thời, với sự tham dự của 800 đại biểu, khách mời là các lãnh đạo, chuyên gia hàng không uy tín từ khắp thế giới đến Hà Nội, sự kiện cũng thể hiện sự hội nhập quốc tế hoàn toàn của ngành hàng không Việt Nam; khẳng định chính sách, thể chế, chiến lược, giải pháp xây dựng, phát triển ngành hàng không cũng như việc thiết lập và triển khai chương trình an toàn quốc gia, hệ thống quản lý an toàn đã được thực hiện liên tục, đồng bộ và có hiệu quả cao; thể hiện hình ảnh một Việt Nam luôn là điểm đến an toàn, sẵn sàng hội nhập, đồng hành và chia sẻ kinh nghiệm về các vấn đề an toàn hàng không trong phạm vi toàn cầu.

Tôi cũng đánh giá cao nỗ lực của Hãng hàng không quốc gia trong việc được lựa chọn, tổ chức và chuẩn bị cho sự kiện mang tầm cỡ toàn cầu này.

- Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

(Nguồn: baogiaothong.vn)
Bình luận
vtcnews.vn