Trong cuộc trưng cầu dân ý lịch sử 23/6/2016, 52% cử tri Anh lựa chọn chấm dứt tư cách thành viên của Anh tại EU.
Tuy nhiên, hơn 3 năm sau đó, kịch bản Anh dứt áo rời mái nhà chung EU vẫn chưa được thực thi. Sau nhiều lần trì hoãn, giới chức Anh thống nhất Brexit sẽ có hiệu lực vào ngày 29/3/2019.
Nhưng vào đúng ngày này, Hạ viện Anh lần thứ 3 bỏ phiếu bác bỏ thỏa thuận Brexit mà Thủ tướng Theresa May đã nhất trí với các nhà lãnh đạo EU hồi cuối năm 2018. Diễn biến này buộc bà May hồi đầu tháng 4 phải đề nghị EU lùi thời hạn nước Anh rời khỏi khối này tới ngày 30/6 để các nghị sĩ “quốc đảo sương mù” có thêm thời gian thông qua thỏa thuận Brexit.
Liên tiếp những tháng kế đó, nữ chính trị gia Anh tìm cách đàm phán với Công đảng đối lập hy vọng tìm ra lối thoát cho những bế tắc khi đó. Tuy nhiên, Công đảng vẫn khẳng định họ không ủng hộ đề xuất mà bà May đưa ra, phe đối lập không tin bà có thể thực hiện những gì đã cam kết.
Ngày 24/5, bà May tuyên bố từ chức trong một bài phát biểu đẫm nước mắt sau 3 năm tại vị cùng 3 lần thất bại trong nỗ lực thuyết phục Quốc hội thông qua Brexit.
"Tôi sẽ từ chức lãnh đạo đảng Bảo thủ và Liên hiệp để chúng ta có thể chọn ra một người kế nhiệm. Tôi sẽ nhanh chóng rời khỏi vị trí đã trở thành niềm vinh dự trong đời tôi, nữ thủ tướng thứ hai nhưng chắc chắn không phải cuối cùng. Tôi từ chức với sự biết ơn to lớn vì đã có cơ hội phục vụ đất nước mà tôi yêu", bà May nói trong bài phát biểu tại bên ngoài Văn phòng Thủ tướng Anh ở Phố Downing, nhấn mạnh bản thân hết sức hối tiếc vì không thực hiện được Brexit.
2 tháng sau khi bà May rời đi, Anh có Thủ tướng mới, Boris Johnson - người trước đó nổi tiếng với lập trường đưa Anh rời mái nhà chung EU bằng mọi cách kể cả khi không đạt được thỏa thuận.
Sau khi ngồi vào chiếc ghế mà người tiền nhiệm để lại, cựu Ngoại trưởng Anh nhắc lại quan điểm này của mình khi tuyến bố “Brexit hay là chết” và bắt tay vào đàm phán lại thỏa thuận Brexit để cam kết đưa nước Anh rời EU vào ngày 31/10/2019. Ông tuyên bố chính phủ của ông sẽ chuẩn bị cho một cuộc “ly hôn” không thỏa thuận sau ngày 31/10 nếu EU từ chối đàm phán.
Tuy nhiên, trong phiên họp đặc biệt hôm 19/10, ông Johnson thất bại trong việc thúc đẩy Quốc hội thông qua và ban hành thành luật với thỏa thuận Brexit trong thời hạn vài ngày để kịp thời hạn Brexit 31/10/2019. Điều này buộc nhà lãnh đạo Anh phải gửi thư tới Liên minh châu Âu để lùi thời hạn Brexit theo yêu cầu của Hạ viện.
Hồi đầu tháng 12. ông Johnson tiếp tục khẳng định lại cam kết Brexit khi nhấn mạnh nếu ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sớm ngày 12/12, tình trạng bế tắc chính trị và bế tắc tại Quốc hội Anh sẽ không còn và ông sẽ đưa tiến trình Anh rời EU theo đúng hạn vào ngày 31/1/2020.
Ngày 12/12, đảng Bảo thủ của Thủ tướng Boris Johnson giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử ở Anh. Đây là chiến thắng áp đảo nhất của đảng Bảo thủ kể từ thời nữ Thủ tướng Margaret Thatcher năm 1987.
Kết quả này dọn đường để ông Johnson thúc đẩy Hạ viện thông qua thỏa thuận Brexit mà chính phủ của ông và EU ký kết hồi tháng 10 trong nỗ lực đưa Anh rời EU ngày 31/1. Nó cũng đặt dấu chấm hết cho những kỳ vọng về việc đảo ngược Brexit thông qua trưng cầu ý dân lần hai.
Tác động chiến thắng của cuộc bầu cử trước hạn cuối 2019 sớm được thể hiện vào ngày 7/1 vừa qua khi Quốc hội Anh nối lại việc xem xét dự luật rút khỏi EU. Do đảng Bảo thủ chiếm đa số tại Hạ viện, việc thảo luận và thông qua dự luật này chỉ còn là vấn đề thủ tục.
Vì ý kiến của Thượng viện chỉ mang tính biểu tượng nên dự luật này cơ bản sẽ trở thành luật mà hầu như không có những sửa đổi đáng kể. Điều này đồng nghĩa với Brexit chắn chắn sẽ được thông qua vào ngày 31/1 tới, kết thúc hơn 3 năm bế tắc và tranh cãi liên miên.
Trong trường hợp Anh rời EU ngày 31/1, 2 bên sẽ bước vào cuộc đàm phán về tương lai. Thủ tướng Johnson từng tuyên bố, ông muốn kết thúc đàm phán trong 11 tháng, tức là đến cuối năm 2020 hoàn tất, cùng lúc với việc kết thúc giai đoạn quá độ Brexit vào ngày 31/12/2020. Đây được coi là bước tiền đề để Anh hoàn toàn bước sang một trang sử mới trong quan hệ với EU từ năm 2021.
Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng thời hạn đàm phán 11 tháng là gần như bất khả thi bởi đây không đơn thuần là một thoả thuận về thương mại, mà còn mang cả những yếu tố địa chính trị, làm nên khuôn khổ cho mối quan hệ vốn rất phức tạp giữa Anh và EU.
Mặc dù vậy, việc tìm kiếm được một lối thoát sau nhiều năm bế tắc chỉ sau hơn 5 tháng lên nắm quyền của ông Johnson cũng được xem là một thắng lợi vang dội đối với cựu Ngoại trưởng Anh. Nó cũng đập tan những dự đoán trước đó về việc ông sẽ trở thành "thủ tướng nạn nhân" thứ 3 bị Brexit đá ra khỏi số 10 phố Downing sau 2 người tiền nhiệm Theresa May và David Cameroon.
Bình luận