Giống như nhiều công ty bất động sản khác, Quốc Cường Gia Lai, công ty nhà doanh nhân Nguyễn Quốc Cường (Cường đô la) sở hữu khoản nợ khủng. Khi điều kiện kinh tế thuận lợi, món nợ này là nguồn vốn giúp công ty mở rộng sản xuất kinh doan nhưng khi kinh tế không thuận lợi, nó trở thành áp lực lớn. Áp lực càng lớn khi những khoản nợ khủng đến hạn phải thanh toán.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2016, tại thời điểm cuối năm 2016, tổng nợ của Quốc Cường Gia Lai là 1.407 tỷ đồng, giảm 541 tỷ đồng so với hồi cuối năm 2015. Nghịch lý nằm ở chỗ, dù tổng nợ giảm, công ty nhà Cường đô la lại gánh chịu áp lực lãi vay nặng hơn.
Cụ thể, trong quý 4/2016, chi phí lãi vay mà Quốc Cường Gia Lai phải trả các ngân hàng là 31 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 961 triệu đồng cùng kỳ năm 2015, lũy kế cả năm đạt 63 tỷ đồng, tăng 50 tỷ đồng, tương ứng 385% so với năm 2015.
Chi phí lãi vay cao đã “ăn mòn” lợi nhuận của Quốc Cường Gia Lai. Lợi nhuận sau thuế quý 4/2016 của công ty chỉ đạt 38 tỷ đồng, lũy kế cả năm đạt 70 tỷ đồng. Lợi nhuận của Quốc Cường Gia Lai tăng mạnh về tỷ lệ nhưng rất nhỏ bé về giá trị tuyệt đối.
Khoản nợ khủng không chỉ gây áp lực về lãi vay. Một vấn đề khác đáng lo ngại hơn mà Quốc Cường Gia Lai lo lắng hơn chính là những khoản nợ đáo hạn. Năm 2016, Quốc Cường Gia Lai giảm tổng nợ nhưng khoản nợ vay ngắn hạn lại tăng.
Nợ vay ngắn hạn tăng không hẳn do Quốc Cường Gia Lai vay thêm, phần lớn trong số đó là những khoản nợ vay ngắn hạn sắp đến ngày trả nợ.
Cụ thể, cuối năm 2016, chỉ tiêu vay và nợ thuê tài chính dài hạn chỉ còn hơn 78 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số 1.429 tỷ đồng hồi năm 2015. Tuy nhiên, phần lớn ở đây đã chuyển sang nợ ngắn hạn khiến chỉ tiêu vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng vọt từ 519 tỷ đồng năm 2015 lên 1.629 tỷ đồng năm 2016.
48 tỷ đồng tiền mặt và đầu tư năm giữ đến ngày đáo hạn gần 68 tỷ đồng, Quốc Cường Gia Lai không dễ để chi trả cho những khoản nợ đến hạn thanh toán kể trên.
Khoản nợ khủng nhất là món nợ trị giá 1.087 tỷ đồng tại ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) – chi nhánh Quang Trung. Khoản vay này sẽ đáo hạn trong ngày 31/3/2017. Như vậy, chỉ còn hơn 1 tháng nưa cho Quốc Cường Gia Lai thanh toán món nợ khủng nhất này.
1.087 tỷ đồng vừa là khoản nợ khủng nhất tại Quốc Cường Gia Lai, vừa là khoản nợ “gánh” lãi suất cao nhất. Lãi suất mà công ty phải trả cho khoản nợ này lên tới 10,5%/năm. Khoản vay này dùng để tài trợ cho dự án khu dân cư Phước Kiển. Đây là dự án ngốn tiền nhiều của nhất của công ty nhà Cường đô la.
Cũng tại ngân hàng này và cũng trong ngày 31/3/2017, Quốc Cường Gia Lai phải trả thêm 2 món nợ nữa lần lượt trị giá 265 tỷ đồng và 25 tỷ đồng. Để có thể vay được 3 khoản này, Quốc Cường Gia Lai đã phải thế chấp nhiều quyền sử dụng đất của công ty và hơn 9 triệu cổ phiếu QCG.
Hợp đồng có thời hạn cận kề nhất chính là hợp đồng vay tiền tại ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương, chi nhánh quận 2 – TPHCM. Theo đó, Quốc Cường Gia Lai phải chi trả 200 tỷ đồng, chưa kèm lãi trong ngày 28/2/2017.
Để có được khoản vay với lãi suất tương đối thấp chỉ 6,5%/năm này, Quốc Cường Gia Lai phải cầm cố sổ tiết kiệm thuộc quyền sở hữu của ông Lầu Đức Duy, bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc công ty, của Hồ Thị Diệu Thảo Nguyên, của Nguyễn Ngọc Huyền My, con gái bà Loan.
Trong khi công ty của gia đình còn gặp nhiều khó khăn, Cường đô la dù là Phó Tổng giám đốc công ty vẫn không từ bỏ được thói quen xa xỉ. Đó là mua siêu xe. Trong năm 2016, Cường đô la chi hàng chục tỷ để mua 'siêu ngựa' Ferrari 488 GTB, Mercedes C63S, F21.
Bổ ích
Xúc động
Sáng tạo
Độc đáo
Phẫn nộ
Bình luận