Trong phiên chất vấn tại Quốc hội sáng nay, Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nêu ra một nghịch lý trong quản lý đất đai hiện nay, đó là tình trạng người dân liên tục khiếu kiện mặc dù giá đền bù đã cao hơn trước khi có dự án rồi.
"Càng phát triển, giá đất càng tăng, Chính phủ càng phải bỏ ra nhiều tiền đền bù và người dân càng phát sinh khiếu kiện", đại biểu Cường cho biết.
Về vấn đề này, đại biểu đặt câu hỏi: Vậy chính sách đất đai của chúng ta, đặc biệt là các công cụ kinh tế có liên quan gì đến thị trường trên? Có nên sử dụng chính sách ưu đãi nhà đầu tư trong việc giao đất giá thấp và miễn tiền sử dụng đất cho nhà đầu tư hay không? Chúng ta không thể ra lệnh cấm giao dịch, vậy giải pháp gì để tuân thủ quy luật và giải quyết tận gốc vấn đề này?
Trả lời câu hỏi của Đại biểu, Bộ trưởng Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng đây là vấn đề liên quan tới chính sách định giá đất đai.
Theo Bộ trưởng, hiện nay có 5 phương pháp định giá đất đai, nhưng với phương pháp này thì thế giới làm được còn tại Việt Nam thì rất khó vì đất đai nước ta rất biến động. Chỉ cần chuyển từ đất trồng lúa sang đất quy hoạch đất phát triển bất động sản là khác nhau rất lớn. Trên thế giới quy hoạch của họ rất rõ ràng, không có chuyển đổi mục đích như vậy nên 5 phương pháp này có thể áp dụng được. Trong khi đó, Việt Nam chưa hình thành thị trường nên không áp dụng được phương pháp như vậy.
"Tôi rất mong muốn được hỗ trợ trong vấn đề sửa luật, điều chỉnh chính sách đất đai dựa trên các công cụ kinh tế để điều chỉnh giá đất và làm rõ cơ chế phân bổ nguồn lực đất đai trước và trong quy hoạch, qua đó tính toán thu đầy đủ thuế gia tăng từ đầu tư, chuyển đổi, quy hoạch", Bộ trưởng Hà bày tỏ.
Theo Bộ trưởng Hà, Nhà nước nắm quyền chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhưng nên chia quyền lợi cho người dân để họ cảm thấy được chia sẻ vì vẫn có công sức, đóng góp ở mảnh đất đó, và các nhà đầu tư vẫn được hưởng lợi.
"Hiện nay, đấu giá đất đai vẫn là biện pháp hợp lý nhất. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, chúng ta chưa đấu giá được. Đã đấu giá phải dựa trên giá xác định, mà giá xác định hiện nay lại chưa theo giá thị trường. Do vậy làm thế nào để tiết chế về thông tin thị trường chính xác nhất, không phải giá ảo như hiện nay thì tôi đồng tình với việc sử dụng các công cụ kinh tế như tiến sĩ nói", Bộ trưởng Hà khẳng định.
Đối với việc các giao dịch mua bán đất tại 3 đặc khu dự kiến làm đất đặc khu sốt lên, theo Bộ trưởng Hà, trừ trường hợp vi phạm pháp luật, giao dịch ngầm thì phải xử lý, còn làm sao để đất không sốt lên thì phải sử dụng các công cụ kinh tế.
Video: Toàn cảnh Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Tài nguyên & Môi trường sáng 5/6
"Chúng ta sẽ xem xét 1 người có thể được mua bao nhiêu đất, mua nhiều hơn thì tăng giá của họ lên. Giả sử trong vấn đề quản lý đất đai, sử dụng đất 3 năm là phải có lộ trình nếu không sử dụng thì tăng thuế đất đối với những người không sử dụng. Tôi có nghiên cứu và thấy là các công cụ kinh tế có hiệu quả, nó sẽ điều tiết được toàn bộ quá trình làm thị trường ổn định và hoạt động theo cơ chế thị trường hơn là các biện pháp hành chính. Điều này cần được sửa trong Luật Đất đai sắp tới", Bộ trưởng Hà nhấn mạnh.
Bộ trưởng cũng cho rằng, tài sản phải được đánh giá đầy đủ mới sử dụng hiệu quả được. Thậm chí đối với đất nông nghiệp đã miễn thuế nhiều năm, ở quanh Hà Nội có nhiều mảnh đất không sử dụng, hoang hóa cũng phải thu thuế.
"Để đất không, là không nên bởi vì chúng ta không đặt ra quan tâm kinh tế trong mảnh đất này. Trong trường hợp mảnh đất ấy khai thác hiệu quả chúng ta phải thu thuế thu nhập, không khai thác được thì phải thu thuế đất đai để người sử dụng phải sử dụng đất một cách hiệu quả", Bộ trưởng kết luận.
Bình luận