Ngày 20/9, trong khuôn khổ Hội nghị trực tuyến "Đẩy mạnh triển khai thanh toán điện từ không dùng tiền mặt trong ngành y tế", trả lời báo chí về quan điểm của Bộ Y tế về các vi phạm của Công ty VN Pharma, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, cơ quan công an đã khởi tố vụ án.
Trước mắt, Bộ sẽ hợp tác với các cơ quan chức năng để làm rõ vụ án. Dựa vào kết luận thanh tra công bố, cá nhân nào vi phạm Bộ sẽ kiểm điểm và xử lý nghiêm.
“Chính tôi đồng ý thanh tra để làm rõ sự việc. Giờ kết luận thanh tra ra sao thì cứ đúng kết luận mà làm, sao cho đúng pháp luật, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, không bỏ sót, không oan sai. Do vụ việc trên bắt đầu từ năm 2009, tới nay một số nhân sự cũng không còn làm việc tại Bộ nữa. Còn lại ai thuộc diện Ban Bí thư, Bộ Chính trị quản lý chúng ta còn cần nhiều cuộc họp nữa”, bà tiến nhấn mạnh.
Cũng trong sáng nay, tại Bộ Y tế, Thanh tra Chính phủ cũng công bố kết luận thanh tra về cấp phép nhập khẩu, giấy đăng ký lưu hành đối với 10 loại thuốc của Công ty Helix, cấp giấy phép hoạt động cho Công ty Helix và việc trúng các gói thầu cung cấp thuốc cho các bệnh viện của Công ty Cổ phần VN Pharma.
Kết luận khẳng định, Hội đồng tư vấn, Tổ thẩm định thuộc Bộ Y tế và cá nhân các chuyên gia thẩm định trực tiếp chịu trách nhiệm về những thiếu sót, vi phạm trong việc thẩm định, xét duyệt cấp số đăng ký đối với 7 thuốc, cấp phép nhập khẩu đối với 3 thuốc và cấp phép hoạt động về thuốc và nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam cho Công ty Helix.
Liên quan tới sai phạm của Công ty VN Pharma, ngày 16/9, Thanh tra Chính phủ có thông báo kết luận thanh tra về giấy phép nhập khẩu, giấy đăng ký lưu hành đối với 10 loại thuốc của Công ty Helix, cấp phép hoạt động cho công ty này và việc trúng các gói thầy cung cấp thuốc cho các bệnh viện của Công ty VN Pharma.
Kết luận cho thấy việc cấp phép 7 loại thuốc có thời hạn đăng ký và thẩm định chậm từ 100 đến 150 ngày, biên bản thẩm định không ghi ngày thẩm định lần đầu.
Đây là thiếu sót thuộc trách nhiệm của Tổ chuyên gia thẩm định. Đồng thời, thể hiện thông tư 22 của Bộ Y tế còn bất cập, dẫn đến có nhiều thiếu sót, sơ hở trong quản lý khi để xảy ra việc hồ sơ xin cấp số đăng ký có tài liệu bị làm giả nhưng không được phát hiện kịp thời.
Không chỉ có vậy, đây cũng là trách nhiệm thuộc lãnh đạo Bộ Y tế, Cục Quản lý Dược thời điểm năm 2009 trong việc tham mưu, xây dựng ban hành thông tư. Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ Y tế, Cục Quản lý Dược thời kỳ 2011 - 2014 cũng chịu trách nhiệm chính trong việc chậm điều chỉnh thông tư trên.
Do đó, thông qua kết luận điều tra, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng kiểm điểm lãnh đạo Bộ Y tế khi để xảy ra những tồn tại, vi phạm trên.
Thời điểm xảy ra vụ việc năm 2009, ông Trương Quốc Cường (hiện đương chức Thứ trưởng Bộ Y tế) là Cục trưởng cục Quản lý dược, 2 Phó cục trưởng là ông Đỗ Văn Đông và ông Nguyễn Tất Đạt (hiện nay cả 2 ông đều đang đương chức).
Ngày 25/4/2013, ông Cường được Bộ Y tế bổ nhiệm lại chức vụ Cục trưởng cục Quản lý dược. Ngày 21/11/2016, ông Trương Quốc Cường được Thủ tướng bổ nhiệm giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Y tế theo Quyết định 2258/QĐ-TTg.
Hội đồng giám định lô hàng có nhãn mác thuốc H-Capita 5000 mg được Bộ Y tế thành lập gồm 10 người. Trong đó: ông Đỗ Văn Đông, Phó Cục trưởng cục Quản lý dược làm Chủ tịch Hội đồng. Cũng chính ông Đông là người ký văn bản cấp phép cho Công ty VN Pharma nhập khẩu lô hàng.
Giai đoạn từ năm 2007 – 2011, người giữ chức Bộ trưởng Bộ y tế là ông Nguyễn Quốc Triệu.
Tiếp sau ông Triệu từ tháng 8/2011 đến nay, chức Bộ trưởng Bộ Y tế do bà Nguyễn Thị Kim Tiến đảm nhiệm.
Bình luận