• Zalo

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: 2% kinh phí công đoàn cần được kiểm toán, thanh tra

Tin nóngThứ Bảy, 08/06/2024 18:43:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Theo Bộ trưởng LĐ-TB&XH, 2% phí công đoàn là một sắc thuế, vì vậy cần phải có kế hoạch định kỳ, có thời gian nhất định kiểm toán nhà nước hoặc thanh tra.

Chiều 8/6, phát biểu thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung cho biết, kinh phí công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động là do doanh nghiệp, người sử dụng lao động đóng góp.

Nguồn kinh phí này thực hiện hai mục tiêu lớn là chăm lo đời sống của người lao động và chi cho tổ chức, bộ máy hoạt động của tổ chức công đoàn, bởi tổ chức công đoàn hoạt động không lấy từ ngân sách Nhà nước.

2% phí công đoàn là một sắc thuế

"Bản thân 2% là một sắc thuế, chứ không phải đơn thuần. Vì vậy, tôi tán thành ý kiến của Ủy ban Xã hội là cần phải báo cáo xem việc sử dụng 2% kinh phí công đoàn thời gian qua như thế nào, mặt được và chưa được ra sao", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung.  (Ảnh: Quốc hội)

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung.  (Ảnh: Quốc hội)

Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, kinh phí công đoàn cần phải có kế hoạch định kỳ, có thời gian nhất định kiểm toán nhà nước hoặc thanh tra.

"Là một sắc thuế phải quản lý theo sắc thuế, không phải ào ào muốn ai quản lý thì được đâu. Sử dụng kinh phí công đoàn như thế nào, thậm chí sau này phải báo cáo Quốc hội cho định hướng", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng, tới đây, không chỉ có công đoàn, mà còn các tổ chức người lao động khác thì vấn đề kinh phí công đoàn cần lưu tâm hơn nữa.

Bộ trưởng dẫn lại dự thảo Luật về việc phân phối 2% kinh phí công đoàn. Kinh nghiệm các quốc gia có nhiều tổ chức của người lao động thì họ thành lập Ủy ban điều phối nguồn kinh phí. Do đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, việc điều phối này nên giao cho Chính phủ quy định chi tiết để linh hoạt, mềm dẻo, hài hòa, hiệu quả hơn.

Ưu nhược điểm nếu nước ngoài tham gia vào công đoàn

Về quyền gia nhập công đoàn của người lao động nước ngoài tại điều 5 dự thảo luật, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định, đây là vấn đề cần cân nhắc thấu đáo.

Hiện nay, có 140.000 người nước ngoài làm việc cho Việt Nam, chủ yếu là nhà quản lý, chuyên gia, lao động trình độ cao. Trong điều kiện đầu tư nước ngoài vào nước ta gia tăng, việc lao động nước ngoài gia tăng là điều cần thiết.

Theo Bộ trưởng Dung, đây là nội dung rất mới bổ sung trong dự án luật này. Luật Công đoàn năm 2012 đã bàn vấn đề này nhưng thời điểm đó vấn đề này chưa chín, chưa rõ nên không đưa vào. Vì vậy, ông Dung đề nghị nội dung này cần đánh giá kỹ lưỡng mặt được và không được.

Bộ trưởng đặt câu hỏi: "Công đoàn đưa vấn đề này đã tham khảo bản thân người lao động nước ngoài chưa, họ có muốn tham gia không?"

"Nếu chúng ta tạo điều kiện để người nước ngoài tham gia vào, khi công đoàn có thành viên là người nước ngoài trong trường hợp thêm các quyền liên kết xử lý như thế nào?", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đặt câu hỏi.

Bộ trưởng Dung nhấn mạnh, tổ chức công đoàn là tổ chức chính trị xã hội, không phải tổ chức xã hội đơn thuần. Khi người nước ngoài tham gia thành viên của công đoàn sẽ có quyền, nghĩa vụ tuân thủ luật và điều lệ công đoàn. Đây là vấn đề lớn, nhạy cảm, quan trọng nên cần đánh giá kỹ lưỡng về tác động, đặc biệt liên quan an ninh, chính trị trật tự an toàn xã hội.

Về việc gia nhập công đoàn Việt Nam của tổ chức người lao động tại doanh nghiệp, vấn đề này được nêu tại Hội nghị Trung ương 6, Bộ luật Lao động đã quy định. Vì vậy, việc đưa nội dung này vào dự luật có cơ sở, đảm bảo thống nhất hệ thống pháp luật, đặc biệt luật Lao động 2019.

Theo ông Dung, hiện nay, chúng ta chưa cho phát triển tổ chức lao động khác ngoài công đoàn ở doanh nghiệp. Thời gian tới, khi có nghị định về tổ chức đại diện của người lao động ra đời thì chắc chắn là trong một doanh nghiệp, có thể không chỉ công đoàn mà có thể có các tổ chức khác.

Các tổ chức khác tham gia vào tổ chức công đoàn và chịu sự điều phối, lãnh đạo của tổ chức công đoàn là tốt. Điều này thực hiện đúng tinh thần của Bộ Chính trị, của Hội nghị Trung ương 6 nhằm thu hút người lao động và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp tham gia công đoàn.

Vì vậy, Bộ trưởng LĐ-TB&XH đề nghị phân tích ưu nhược điểm từng phương án cho đầy đủ, toàn diện hơn.

Bình luận
vtcnews.vn