• Zalo

Bộ LĐ-TB&XH đề xuất không tăng lương tối thiểu vùng năm 2021

Tin nhanh 24hThứ Năm, 04/03/2021 08:15:00 +07:00Google News

Bộ LĐ-TB&XH cho biết nếu tiếp tục giữ mức lương tối thiểu vùng như hiện nay để áp dụng cho năm 2021 thì vẫn có thể đáp ứng được mức sống tối thiểu.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) vừa báo cáo Chính phủ dự thảo góp ý về tiền lương, trong đó đề cập và phân tích các nội dung liên quan đến đề xuất không tăng lương tối thiểu vùng trong năm 2021.

Trong dự thảo, Bộ dẫn lại báo cáo của Hội đồng Tiền lương Quốc gia, cho thấy với dự kiến CPI (chỉ số giá tiêu dùng) tăng ở mức 4% thì lương tối thiểu vùng năm 2021 sẽ cao hơn mức sống tối thiểu là 1,51%.

Thực tế, CPI năm 2020 tăng 3,23% nên mức lương tối thiểu năm 2020 sau khi được cập nhật lại đã đảm bảo cao hơn 2,28% so với mức lương tối thiểu.

"Vì vậy, khi tiếp tục giữ nguyên mức lương tối thiểu này để áp dụng cho năm 2021 thì vẫn đáp ứng được mức sống tối thiểu. Trường hợp CPI cả năm 2021 tăng cao hơn 2,28% thì về nguyên tắc, hội đồng sẽ tính toán phần lương tối thiểu thấp hơn mức sống tối thiểu, để xem xét đưa vào điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng áp dụng từ năm 2022", dự thảo của Bộ LĐ-TB&XH nêu rõ.

Bộ LĐ-TB&XH đề xuất không tăng lương tối thiểu vùng năm 2021 - 1

Bộ LĐTB&XH đề xuất không tăng lương tối thiểu vùng trong năm 2021. (Ảnh: Quỳnh Danh)

Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại Việt Nam cũng như trên thế giới và chưa thể dự báo được chính xác thời điểm kết thúc và mức độ ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội trong nước từ nay đến cuối năm 2021.

Do đó, Bộ thấy việc không điều chỉnh lương tối thiểu năm 2021 là phù hợp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi, người lao động duy trì việc làm, tái tham gia thị trường lao động trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và sau 13 năm liên tục điều chỉnh mức lương tối thiểu.

Từ các phân tích trên, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị tiếp tục duy trì thời điểm điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trùng với thời điểm bắt đầu của năm tài chính như thời gian vừa qua.

Trong điều kiện có những yếu tố biến động bất thường cần phải điều chỉnh lùi thời điểm điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng của một năm nào đó, Bộ đề xuất Chính phủ giao cho Hội đồng tiền lương quốc gia nghiên cứu, đề xuất, báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định cụ thể.

Sau khi có kết quả CPI thực tế của từng năm, mức lương tối thiểu sẽ được cập nhật lại để đảm bảo mức sống tối thiểu làm căn cứ để tính cho các năm tiếp theo.

Tại dự thảo được trình lên Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH cũng cho biết các chỉ tiêu về thất nghiệp, thiếu việc làm và doanh nghiệp giải thể, ngừng việc của năm 2020 đều tăng cao trái ngược với xu hướng giảm của những năm gần đây.

Thống kê cho thấy năm 2020, hơn 100.000 doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 13,9 % so với năm 2019. Lực lượng lao động là 54,6 triệu người, giảm 1,2 triệu người so với năm 2019.

Bên cạnh đó, thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương là 6,62 triệu đồng/người/tháng, giảm 75.800 đồng so với năm 2019.

Những số liệu trên cho thấy trong năm 2020, lương tối thiểu vùng tăng nhưng thu nhập của người lao động giảm. Điều này được lý giải do lương tối thiểu chỉ để đảm bảo mức sàn thấp nhất cho người lao động, tăng lương tối thiểu không dẫn đến việc tăng lương, thu nhập chung của người lao động.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn