Bài 1: Lời đồn trấn yểm
Một ngày, ngồi café bên hồ Tây, họa sĩ N. chỉ tay ra giữa hồ, chỗ có bóng đen “nổi” dập dềnh trên mặt nước hỏi tôi: “Đố cậu biết cái đống gì giữa hồ kia?”. Tôi còn đang suy nghĩ, thì họa sĩ N. bảo: “Toàn mồ mả giữa hồ. Mộ người Chăm-pa đấy.
Trước ở Hồ Tây có làng người Chăm sinh sống, rồi chết ở ven hồ. Nghĩa địa của họ bị sóng hồ Tây đánh bạt đi, nhấn chìm dưới lòng hồ rồi, giờ chỉ còn vài ngôi lấp ló trên mặt nước”.
Sau khi kể những câu chuyện kinh dị về những ngôi mộ dưới lòng hồ Tây, họa sĩ N. chợt nghiêm nét mặt: “Có chuyện này tớ tìm hiểu lâu rồi, nhưng chưa ra đầu đũa gì cả. Nghe đồn nghĩa địa ấy chôn toàn người Tàu, để trấn yểm Hà Nội đấy. Tớ cũng chỉ nghe các cụ kể lại thôi”.
Nói rồi, họa sĩ N. dẫn tôi cuốc bộ ven hồ Tây, phía làng Trích Sài, Võng Thị, và anh chỉ tôi cái cống, chính là nơi sông Tô Lịch đổ ra hồ Tây. Con sông Tô Lịch xưa, hiện đã bị lấp, nhà cửa xây trùm mặt sông. Dòng sông Tô Lịch đã biến thành một cái cống ngầm chảy dưới lòng đất đổ ra hồ Tây.
Nghĩa địa của người Tàu nằm giữa khu dân cư trên đường Hoàng Hoa Thám |
Họa sĩ N. ngoài đam mê sáng tác, thì anh cũng có thú vui tìm hiểu những chuyện kỳ quặc, bí ẩn trong cuộc sống. Nghĩa địa Tàu này ở cách nhà anh không xa, nơi cha ông anh từng sống, nên nó gắn chặt với ký ức của anh.
Họa sĩ N. đang rất lăn tăn, muốn tìm hiểu xem nghĩa địa Tàu này có liên quan gì đến câu chuyện huyền thoại mà các cụ xưa hay kể, về một địa điểm bí mật mà người Tàu trấn yểm ở khu vực cuối sông Tô Lịch, đoạn đổ ra hồ Tây hay không?
Câu chuyện mang tính truyền kỳ này như sau: Người Tàu xưa luôn mang dã tâm xâm chiếm nước Việt, tuy nhiên, những cuộc tấn công quân sự rất tốn người, tốn của, mà không khuất phục được đất nước phía Nam nhỏ bé.
Một ngôi mộ nằm ngay bậc thềm nhà dân |
Pháp sư nổi tiếng nhất là Cao Biền. Ông ta cùng đội ngũ pháp sư đã trấn yểm hàng ngàn điểm ở khắp nước Việt, đặc biệt quanh thành Thăng Long.
Thời vua Quang Trung, nước Việt quá hùng mạnh về quân sự, Càn Long không làm gì được, nên đã sử dụng phương pháp yểm bùa như các triều đại trước đã thực hiện.
Họ đã chọn được một địa điểm được coi là nơi phát ra linh khí khiến nước Việt hưng thịnh. Khu vực đó nằm ở phía tây của thành Thăng Long, phía cuối của con sông Tô Lịch.
Các pháp sư triều đình nhà Thanh đã bí mật lập một khu nghĩa địa ở địa điểm đó. Tại nghĩa địa đó, họ chôn người chết như bình thường, để làm bình phong, tuy nhiên, bên dưới nghĩa địa, họ đào một đường hầm rất sâu, với những gian phòng lớn, để thực hiện việc yểm bùa.
Các ngôi mộ đều có chữ Tàu |
Họ bắt một cô gái xinh đẹp người Trung Quốc, tuổi 15-16, là trinh nữ. Trinh nữ này sẽ ngậm một lát sâm và bị nhốt trong hầm. Trinh nữ này bị trói chặt, lại phải uống bùa, nên không nói được, không cử động được.
Nhốt trong hầm khoảng 100 ngày, thì trinh nữ sẽ chết trong tư thế ngồi. Trinh nữ chết một cách đau đớn, oan khuất, sẽ biến thành hồn ma vất vưởng, chứa chất oán thù, linh hồn không bao giờ siêu thoát được. Trinh nữ ấy sẽ quấy phá vùng đất, phá tan linh địa.
Lại có lời đồn cho rằng, người Tàu xưa lập ra nghĩa địa này, chôn cất người chết, tạo ra khung cảnh âm u, không ai dám đến. Tại đây, họ xây dựng những đường hầm và cất giấu của cải. Để giữ được kho báu, họ đã trấn yểm một trinh nữ.
Họa sĩ N. cho biết, trước đây anh có theo một nhà phong thủy nổi tiếng ở Hà Nội giải mã huyền thoại này. Nhà phong thủy này đã nghiên cứu nhiều địa điểm ở khu vực quanh Hồ Tây nhằm phát hiện vị trí yểm bùa, tìm cách hóa giải bùa, giải phóng linh khí.
Một ngôi mộ Tàu ở nghĩa địa trên đường Hoàng Hoa Thám |
Mỗi khu vực đều có một vài đặc điểm trùng khớp với huyền thoại này, tuy nhiên, huyền thoại trên có gắn với hai địa điểm này hay không, thì chưa có căn cứ để kết luận.
Sau khi đeo đủ thứ bùa ngải vào người, chiếc nanh hổ, cùng với mấy chiếc nhẫn, vòng đính đá ruby, mà anh tin có tác dụng xua đuổi tà ma, họa sĩ N. lấy dũng khí dẫn tôi vào khu nghĩa địa Tàu.
Khu nghĩa địa ấy nằm trong một con ngõ nhỏ xíu, rất dốc, bên đường Hoàng Hoa Thám.
Còn tiếp…
Thiên Linh
Bình luận