• Zalo

‘Bão’ thua lỗ hoành hành Halico

Kinh tế Thứ Năm, 17/10/2019 07:07:00 +07:00Google News

Doanh nghiệp sở hữu thương hiệu Lúa mới, Nếp mới, Vodka Hà Nội ... lỗ tiếp 12,5 tỷ đồng sau thuế trong quý III, nâng lỗ lũy kế từ đầu năm lên hơn 56 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Cồn Rượu Hà Nội (Halico, mã chứng khoán HNR) vừa công bố kết quả kinh doanh quý III với khoản lỗ sau thuế hơn 12,5 tỷ đồng.

Halico

 Halico - chủ nhiều thương hiệu rượu nổi tiếng một thời đang lao dốc không phanh, lỗ chồng lỗ. (Ảnh: HNR Bắc Ninh)

Doanh thu thuần trong ba tháng 7, 8, 9 của Halico là 24,2 tỷ đồng, giảm hơn 3 tỷ đồng, tức 15,1%.

Do giá vốn gần 22 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp của Halico trong khoảng thời gian trên chỉ còn 2,4 tỷ đồng, giảm 35%.

Hầu hết các chi phí trong kỳ đều giảm, trong đó chi phí bán hàng 11 tỷ đồng, giảm 20,8%; chi phí quản lý doanh nghiệp 5,1 tỷ đồng, giảm 20,3%.

Kết quả, hết quý III, Halico lỗ 12,5 tỷ đồng sau thuế. Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp sở hữu thương hiệu Nếp mới, Vodka Hà Nội... lỗ hơn 56 tỷ đồng.

Halico hiện gánh khoản nợ phải trả hơn 24 tỷ đồng, trong đó hơn 97% là nợ ngắn hạn. Doanh nghiệp đình đám ngành rượu cồn một thời có vốn sở hữu hơn 418 tỷ đồng, tổng tài sản hơn 442 tỷ đồng.

Thương hiệu từng được coi là “thương hiệu thế kỷ” của Hà Nội cũng đang có lượng hàng tồn kho lên đến hơn 128 tỷ đồng.

Dù doanh nghiệp không có bất kỳ khoản vay ngân hàng nào song trong quý vẫn ghi nhận trả lãi vay hơn 10 triệu đồng.

Halico tiền thân là nhà máy rượu Hà Nội, được thành lập năm 1898 tại số 94 Lò Đúc. Nhà máy được chuyển thành Công ty TNHH MTV Rượu Hà Nội từ năm 2004 và cổ phần hoá sau đó không lâu với vốn điều lệ ban đầu gần 50 tỷ đồng.

Là chủ loạt thương hiệu lớn như Vodka Hà Nội, Lúa mới, Nếp mới, Vodka 94 Lò Đúc… Halico từng ngự lên đỉnh cao huy hoàng với doanh thu kỷ lục trong thời kỳ những năm 2006 – 2012. Doanh thu và lợi nhuận năm 2008 đạt lần lượt khoảng 680 tỷ đồng và hơn 160 tỷ đồng, vọt lên gần 1.060 tỷ và 220 tỷ chỉ một năm sau đó.

Năm 2011, Tập đoàn Diageo - đại gia rượu lớn nhất thế giới đến từ Anh chi ra tới 800 tỷ đồng để sở hữu 18,67% cổ phần của Halico với mức giá lên tới 214.000 đồng một cổ phiếu.

Diageo sau đó tăng sở hữu lên 45,5% và trở thành cổ đông lớn số 2 tại đây. Ngoài Diageo, Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) cũng nắm 54,3% vốn tại Halico.

Với sự có mặt của Diageo và Habeco, Halico được kỳ vọng sẽ bứt phá mạnh mẽ, trở thành đại gia thực sự trong ngành bia, rượu.

Tuy nhiên, những số liệu tài chính lại cho thấy chiều ngược lại. Halico ngày càng lao dốc, thị phần giảm đột ngột, nhiều thương hiệu nổi tiếng mất tích trên thị trường trước làn sóng xâm nhập của rượu ngoại.

Năm 2013, doanh thu của hãng sụt mạnh còn 640 tỷ đồng, lợi nhuận chỉ 29 tỷ đồng. Doanh nghiệp tiếp tục trượt dài trong 2014, trong khi nhiều lãnh đạo và nhân viên Halico đã rơi vào vòng lao lý. Kể từ đó, Halico ngày càng sa sút mà không có cách nào gượng dậy được.

Trên sàn chứng khoán, mã HNR đang giao dịch với giá 12.000 đồng tuy nhiên cổ phiếu này đang gặp vấn đề về thanh khoản, hầu như không phát sinh bất kỳ giao dịch nào kể từ đầu năm.

Hoàng Hưng
Bình luận
vtcnews.vn