Quyết định áp giá trần đối với 25 mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi của Bộ Tài chính đã ngay lập tức tác động mạnh đến thị trường.
Trong khi người tiêu dùng khấp khởi mừng vì sắp được mua sữa giá rẻ thì các doanh nghiệp (DN) đồng loạt đề xuất được đối thoại với Bộ Tài chính về phương thức tính giá trần.Chất lượng, giá cả của mặt hàng sữa luôn thu hút sự quan tâm của ngươi tiêu dùng. ảnh Hồng Vĩnh |
Theo quyết định của Bộ Tài chính, cùng một dòng sản phẩm dành cho các lứa tuổi thì giá trần áp cho sữa nội chỉ bằng một nửa so với sữa ngoại. Đây là điều mà DN sản xuất trong nước thấy bất hợp lý. Bởi hoạt động sản xuất trong nước thì các yếu tố đầu vào được kiểm soát chặt chẽ, tận dụng các lợi thế cạnh tranh về nguồn nhân lực...nên giá sữa nội thấp hơn sữa ngoại.
Trong khi đó, giá sữa ngoại phụ thuộc vào giá nhập khẩu và rất khó kiểm soát. Nếu không có cơ chế quản lý việc chuyển giá trong nhập khẩu thì có thể mất kiểm soát về giá trong hoạt động này. Tuy nhiên, sản phẩm nhập khẩu với giá cao lại được áp giá trần cao, cộng thêm mức điều chỉnh giữa giá bán buôn và bán lẻ thì giá càng bị đẩy lên.
|
Thực tế qua khảo sát thị trường, một số sản phẩm của hãng Abbott sau khi tính theo giá trần của Bộ Tài chính còn cao hơn mức giá các cửa hàng bán lẻ đang áp dụng cho người tiêu dùng.
Ví như sữa Abbott Grow 3 dành cho trẻ trên 1 tuổi, các cửa hàng đang bán lẻ giá 295.000 đồng/hộp 900 gam. Với mức giá trần bán buôn được Bộ Tài chính áp cho mặt hàng này 258.000 đồng/hộp thì giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng (được phép tăng tối đa 15%) là 296.700 đồng/hộp. Như vậy là giá bán sau áp giá trần còn cao hơn giá hiện tại.
Đáng nói hơn, có DN sữa ngoại còn lách luật bằng cách giảm trọng lượng hộp 900 gam nay còn 850 gam. Hình thức lách giá trần khác là rút dần những mặt hàng đang trong diện bị áp giá trần khỏi thị trường và đưa các sản phẩm thay thế chưa bị khống chế giá trần vào.
Dư luận băn khoăn, thông tin các mặt hàng bị áp giá trần có bị lộ ra ngoài không mà đến nay một số sản phẩm sữa ngoại bị áp giá trần đã hết hàng. Có công ty đã thay thế bằng sản phẩm mới không trong danh mục bị áp giá trần.
Công thức tính giá trần chưa thật sự thuyết phục?
Ông Trương Văn Toàn, Giám đốc Pháp lý và Đối ngoại, Cty Friesland Campina Việt Nam bày tỏ, DN “vô cùng mệt mỏi”. Ông Toàn cho biết, thời hạn áp dụng quá cận kề nên các DN phải chạy đua với thời gian để tính toán lại việc kinh doanh, thực hiện lại việc kê khai giá cả, thông báo cho hệ thống nhà phân phối cũng như các cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc.
“Hiện nay khách hàng có tâm lý chờ đến khi áp dụng giá mới, thị trường gần như bị chững lại, hàng hóa không tiêu thụ được trong khi chi phí cho nhân công, vận hành nhà máy kho bãi, nguyên vật liệu… vẫn phải chi trả sẽ làm DN bị thiệt hại nặng nề”, ông Toàn nói.
Theo ông Toàn, công thức tính giá trần chưa thật sự thuyết phục. Ví như cơ sở tính giá tăng thêm 15% cho người bán lẻ là như thế nào? Chính sách giá trần này sẽ tạo ra gánh nặng đáng kể cho các nhà bán buôn, cửa hàng bán lẻ.
Một số chuyên gia kinh tế cũng đề xuất, Bộ Tài chính cần công khai phương pháp tính giá trần để DN nắm rõ và thực hiện. “Cùng một loại sản phẩm mà có nhiều mức giá trần khác nhau và không hiểu sự chênh lệch này đến từ những yếu tố nào”, đại diện một DN nói.
Do vậy, các DN đều có mong muốn được đối thoại trực tiếp với Bộ Tài chính để làm rõ những bất hợp lý hiện nay.
Bộ Tài chính: Sẽ xử lý chiêu lách luật
Tại buổi họp báo về việc triển khai áp giá trần với mặt hàng sữa chiều 27/5, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) khẳng định ngay sau khi có biện pháp bình ổn giá mới, cơ quan quản lý đã phát hiện không ít “chiêu” lách luật của DN như thay đổi mẫu mã, trọng lượng.
Để tránh tình trạng này, quy định sắp được áp dụng sẽ nêu rõ các trường hợp thay đổi về trọng lượng so với sản phẩm sữa trong bảng giá trần. Những sản phẩm này phải được tính toán lại giá trần dựa theo trọng lượng mới dựa trên tỷ lệ của mặt hàng cũ trong bảng giá trần.
Trường hợp có thay đổi quy cách đóng gói, bao bì mẫu mã và thông tin chất lượng, đại diện Bộ Tài chính cho biết, các mặt hàng này phải được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền thì mới được coi là sản phẩm mới và phải tính lại giá bán tối đa.
Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Anh Tuấn cho biết, 5 DN bị áp giá trần đều vừa thuộc đối tượng thanh tra. Dựa vào kết quả thanh tra, cơ quan quản lý xác định mặt bằng giá và tham khảo mặt bằng sữa trong khu vực.
“Không có sự phân biệt trong áp giá. Việc áp giá hoàn toàn căn cứ theo quy định pháp luật”, ông Tuấn khẳng định. Hiện Bộ Tài chính đã giao cho các DN tính toán cân đối lại giá của các mặt hàng sữa trên thị trường.
Theo Tienphong
Bình luận