Quyền được uống sữa với giá hợp lý của hàng triệu trẻ em Việt Nam chưa thể được đảm bảo khi nhìn vào danh mục 25 sản phẩm áp giá trần vốn nặng về hình thức, làm cho có.
Quyết định bình ổn giá sữa bột bằng phương án yêu cầu doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sữa bột tuân thủ theo trần giá sữa của Bộ Tài chính cuối cùng đã được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/6.
Tuy nhiên, quyền được uống sữa với giá hợp lý của hàng triệu trẻ em Việt Nam chưa thể được đảm bảo khi nhìn vào danh mục 25 sản phẩm áp giá trần vốn nặng về hình thức, làm cho có, thậm chí không có giá trị thực tế.
Thật bất ngờ khi ngày 21/5, Bộ Tài chính ban hành danh mục sản phẩm sữa bị áp giá trần lại có tới năm sản phẩm sữa ngoại nhập không còn tiếp tục lưu hành trên thị trường trong tương lai. Thậm chí ở thời điểm hiện tại, dù chưa đến ngày 1/6 thì công ty phân phối cũng đã thông báo hết hàng.
Nếu điểm lại một số mốc thời gian, dễ dàng thấy rằng doanh nghiệp không hề lén lút hay bất ngờ thực hiện. Vậy nên càng khó hiểu cho quyết định áp giá trần với những sản phẩm không còn tồn tại. Nghĩa là một quyết định áp trần - riêng với các sản phẩm của Mead Johnson - chỉ có giá trị trên giấy.
Ngày 29/4 là thời điểm website của Bộ Tài chính công bố kết quả thanh tra giá sữa tại năm doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sữa bột ở thị trường VN. Cũng từ kết quả thanh tra giá sữa, Bộ Tài chính đề xuất áp dụng biện pháp áp trần giá sữa.
Tuy nhiên, lùi về trước đó vài ngày, vào ngày 25/4, Công ty TNHH phân phối Tiên Tiến - nhà phân phối chính thức các sản phẩm của Mead Johnson ở VN - đã có thông báo gửi các đại lý về giá bán buôn, giá bán lẻ các sản phẩm sữa của Mead Johnson, đồng thời bảng giá của hàng loạt sản phẩm mới sẽ dần thay thế các sản phẩm đang lưu hành ở thời điểm đó cao hơn vài chục ngàn đồng so với sản phẩm cũ. Tức trước khi kết quả thanh tra giá sữa được công bố, các đại lý sữa đã nắm được thông tin sản phẩm cũ sẽ chỉ bán đến khi hết hàng.
Ngày 21/5, quyết định bình ổn giá sữa được công bố. Như vậy, trong khoảng thời gian gần một tháng, doanh nghiệp đã rầm rộ thay thế sản phẩm, giới thiệu tràn ngập trên website của hãng sữa, nhưng Bộ Tài chính vẫn coi như không biết, để áp trần cho những sản phẩm đã được doanh nghiệp quyết định “khai tử”?
Không chỉ vậy, nhìn vào danh mục áp trần cũng thấy cơ quan quản lý làm về hình thức, chia đều mỗi doanh nghiệp bị áp trần năm sản phẩm, trong khi mỗi doanh nghiệp có hàng chục loại sản phẩm khác nhau. Vì sao thanh tra hàng loạt nhưng khi áp trần lại chỉ áp cho vài sản phẩm? Vì sao lại chọn những sản phẩm trong danh mục mà Bộ Tài chính đưa ra, trong khi doanh nghiệp còn hàng loạt sản phẩm khác cũng đang được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường?
Và điểm quan trọng là quyết định áp trần giá sữa của Bộ Tài chính về cơ bản vẫn không giải quyết được những bức xúc của người tiêu dùng đối với giá sữa. Đó là tình trạng sữa ngoại nhập giá thấp nhưng bán lẻ quá cao. Tiền chênh lệch được chi vào hoa hồng bác sĩ, chiết khấu đại lý và những chiến dịch quảng cáo rầm rộ.
Trong khi đó các doanh nghiệp sữa nội lại hoang mang vì đã đưa ra mức giá bán thậm chí chưa bằng một nửa giá sữa ngoại, mặc dù các chỉ tiêu chất lượng tương đương, cũng bị siết chặt đến mức đứng trước nguy cơ không còn nguồn lực để tái đầu tư, phát triển. Thị trường sữa sẽ lại thu hẹp thị phần với doanh nghiệp nội và mở toang cho hàng ngoại nhập tràn vào.
Theo Bạch Hoàn/tuoitre
Bình luận