• Zalo

Ai là người tạo ra xe đạp thồ trong chiến dịch Điện Biên Phủ?

Hỏi - ĐápThứ Hai, 06/05/2024 07:51:54 +07:00Google News
(VTC News) -

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, bộ đội và dân công của ta sử dụng hàng nghìn chiếc xe đạp thồ tự chế để vận chuyển lương thực, đạn dược, vũ khí từ miền xuôi lên.

Ai là người tạo ra xe đạp thồ trong chiến dịch Điện Biên Phủ? - 1

1. Chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu khi nào? 

  • A

    1952

  • B

    1953

    Thu - Đông năm 1953, thực dân Pháp và can thiệp Mỹ cho ra đời Kế hoạch Nava. Trọng tâm của kế hoạch này là xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương nhằm khống chế cả một vùng rộng lớn của Tây Bắc và Thượng Lào, với mưu toan trong 18 tháng sẽ tiêu diệt phần lớn bộ đội chủ lực của ta, tiến tới kiểm soát lãnh thổ Việt Nam và bình định cả Nam Đông Dương.
    Các tướng lĩnh Pháp khen ngợi hết lời tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và mệnh danh đây là "con nhím" lợi hại với những công sự bê tông kiên cố, tua tủa mọc ra bốn hướng. Tại nơi lòng chảo Mường Thanh, thực dân Pháp bố trí 16.200 quân với 21 tiểu đoàn thành 3 phân khu Bắc, Trung, Nam, gồm 49 cứ điểm hỗ trợ nhau, vòng trong, vòng ngoài. Hai sân bay Mường Thanh và Hồng Cúm với gần 100 lần máy bay lên, xuống mỗi ngày có thể vận chuyển khoảng 200 đến 300 tấn hàng và thả dù từ 100 đến 150 tên địch.
    Nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn của thực dân Pháp, đầu tháng 12 năm 1953, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ và thông qua phương án tác chiến "Đánh nhanh thắng nhanh". Tuy nhiên, đánh giá tương quan lực lượng của hai bên cho trận quyết chiến chiến lược này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời cầm quân của mình: Dừng trận đánh, kéo pháo ra, chuyển phương án từ "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc".

  • C

    1954

  • D

    1955

Ai là người tạo ra xe đạp thồ trong chiến dịch Điện Biên Phủ? - 2

2. Tên gọi khác (mật danh) của chiến dịch Điện Biên Phủ là gì?

  • A

    Chiến dịch Đông Xuân

  • B

    Chiến dịch Him Lam

  • C

    Chiến dịch Trần Đình

    Chiến dịch Điện Biên Phủ mang mật danh Trần Đình, do đồng chí Võ Nguyên Giáp làm Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy mặt trận; đồng chí Hoàng Văn Thái làm Tham mưu trưởng chiến dịch; đồng chí Lê Liêm làm Chủ nhiệm Chính trị; đồng chí Đặng Kim Giang là Chủ nhiệm Cung cấp.
    Nhiều năm sau này, đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong hồi ký Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử nhớ 26/1/1954 là ngày "thực hiện một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình". Đó là chuyển phương châm tác chiến từ "đánh nhanh giải quyết nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc", cách thời điểm nổ súng tiêu diệt Trần Đình - bí danh của Điện Biên Phủ, chỉ vài giờ. Để ra quyết định này, Đại tướng phải trải qua 11 ngày đêm "mất ăn mất ngủ" với những phân tích tình hình, lập luận để thuyết phục và nhận được đồng thuận của đoàn cố vấn, Đảng ủy và Bộ Chỉ huy mặt trận.

  • D

    Chiến dịch Thu Đông

Ai là người tạo ra xe đạp thồ trong chiến dịch Điện Biên Phủ? - 3

3. Theo tính toán của Bộ Tổng tham mưu, bao nhiêu chiến sĩ, người dân được huy động ra tuyến đầu chiến dịch Điện Biên Phủ?

  • A

    84.000

  • B

    85.000

  • C

    86.000

  • D

    87.000

    Theo tính toán của Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam cùng Tổng cục Cung cấp, để phục vụ hơn 87.000 người ở tuyến đầu kháng chiến (54.000 bộ đội và 33.000 dân công) cần huy động ít nhất 16.000 tấn gạo (chưa kể gạo cho dân công), 100 tấn thịt, 100 tấn rau, 80 tấn muối và khoảng 12 tấn đường...
    Nguồn lương thực, thực phẩm cung cấp cho chiến trường chủ yếu được huy động từ các vùng Việt Bắc (Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên), Liên khu 3 (Hải Phòng, Kiến An, Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương) và Liên khu 4 (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế). Hầu hết phải vận chuyển qua chặng đường 500-600 km, phần lớn là đèo dốc hiểm trở, máy bay Pháp thường xuyên dội bom.
    Thủ tướng quyết định thành lập Hội đồng cung cấp mặt trận trung ương do Phó thủ tướng Phạm Văn Đồng làm chủ tịch. Nhiệm vụ là chỉ đạo các cấp ngành ở trung ương và địa phương huy động tối đa sức người, sức của phục vụ cho chiến trường. Ngoài ôtô tải hơn 530 chiếc, một trong những lực lượng chủ lực phục vụ hậu cần cho chiến dịch Điện Biên Phủ là xe thồ.
    Xe đạp thời đó rất hiếm, phổ biến là Peugeot hay Lincon do Pháp sản xuất và chỉ những gia đình giàu có mới có thể sở hữu. Mỗi chiếc Peugeot giá trị bằng cả gia tài, nhưng hưởng ứng lời kêu gọi của Hội đồng cung cấp mặt trận các địa phương, nhiều gia đình không ngần ngại ủng hộ.

Ai là người tạo ra xe đạp thồ trong chiến dịch Điện Biên Phủ? - 4

4. Ai là người tạo ra xe đạp thồ trong chiến dịch Điện Biên Phủ?

  • A

    Ma Văn Thắng

    Theo tư liệu của Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, một trong những người đầu tiên có công cải tiến, giúp xe đạp chở được nhiều hàng hóa là ông Ma Văn Thắng, quê ở Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ (ông đã qua đời). Ông Thắng lúc đó là Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính xã Thanh Minh, huyện Thanh Ba (nay thuộc thị xã Phú Thọ).
    Lúc đầu mỗi xe chỉ chở được từ 80-100 kg, đi lại rất vất vả, ông Thắng cùng đồng đội nảy ra sáng kiến buộc thêm đoạn tre nhỏ vào ghi đông. Khúc tre dài gần một mét giúp dễ dàng điều khiển do xe đạp rất cồng kềnh vì chất các bao tải gạo. Một đoạn tre khác được buộc vào trục dọc yên xe, cao hơn khoảng 50 cm, vừa giúp giữ thăng bằng, vừa có thể dùng vai đẩy xe đi thuận tiện hơn.
    Dân công còn gia cố thêm sắt, buộc thêm gỗ quanh khung xe và gác ba ga để tăng thêm độ cứng cáp khi chất hàng lên. Họ còn lấy vải, quần áo cũ hoặc các miếng săm cắt nhỏ lót vào bên trong nhằm tăng độ bền của săm lốp.
    Sau khi được cải tiến, gia cố, chiếc xe đạp thồ ra đời, nâng mức chở lên 200kg, thậm chí hơn 300kg. Như chiếc xe ông Thắng sáng kiến ra đã tải đến 325kg trong một lần chở. Hay ông Bùi Tín - người hai lần vinh dự được tặng thưởng Huy hiệu Hồ Chí Minh và Huân chương chiến công hạng ba, chở được 320kg. Kỷ lục là ông Trịnh Ngọc vận chuyển 345,5 kg một chuyến.
    Hiện nay xe đạp thồ mà ông Thắng từng sử dụng trong chiến dịch Điện Biên Phủ đang được đặt ở Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.

  • B

    Phan Đình Giót

  • C

    Tô Vĩnh Diện

  • D

    Hoàng Văn Nô

Ai là người tạo ra xe đạp thồ trong chiến dịch Điện Biên Phủ? - 5

5. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, quân và dân ta sử dụng khoảng bao nhiêu xe đạp thồ để vận chuyển?

  • A

    18.000

  • B

    19.000

  • C

    20.000

  • D

    21.000

    Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, bộ đội và dân công của ta sử dụng gần 21.000 chiếc xe đạp thồ, được gọi với tên là “binh chủng xe đạp thồ” hoạt động trên suốt chiều dài gần 1.500km. Lực lượng xe đạp thồ được biên chế thành từng đoàn theo địa phương, mỗi đoàn có nhiều trung đội, mỗi trung đội từ 30 đến 40 xe, chia thành các nhóm khoảng 5 xe để hỗ trợ nhau khi qua đèo, vượt dốc cao.

Ai là người tạo ra xe đạp thồ trong chiến dịch Điện Biên Phủ? - 6

6. Trận đánh mở màn cho chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra vào ngày nào?

  • A

    12/3/1954

  • B

    13/3/1954

    Ngày 11/3/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư tới các chiến sĩ: "Các chú sắp ra trận. Nhiệm vụ các chú lần này rất to lớn, khó khăn nhưng rất vinh quang... Bác tin chắc rằng các chú sẽ phát huy thắng lợi vừa qua, quyết tâm vượt mọi khó khăn gian khổ để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang sắp tới... Chúc các chú thắng to!".
    Đúng 17h ngày 13/3/1954, quân ta tấn công cứ điểm Him Lam, mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ. Ta lần lượt tiêu diệt gọn cứ điểm này và cứ điểm Độc Lập, bức hàng cứ điểm Bản Kéo, phá vỡ cửa ngõ phía Bắc của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ; diệt và bắt sống hơn 2.000 tên địch, phá hủy 25 máy bay, xóa sổ một trung đoàn, uy hiếp sân bay Mường Thanh.

  • C

    14/3/1954

  • D

    15/3/1954

Ai là người tạo ra xe đạp thồ trong chiến dịch Điện Biên Phủ? - 7

7. Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc sau bao nhiêu ngày chiến đấu?

  • A

    52 ngày đêm

  • B

    54 ngày đêm

  • C

    56 ngày đêm

    Đầu tháng 4/1954, quân ta đồng loạt tiến công các cứ điểm, thắt chặt vòng vây, chia cắt, kiểm soát sân bay Mường Thanh, quân địch rơi vào tình trạng bị động, mất tinh thần cao độ.
    Ngày 1/5 đến ngày 7/5/1954, quân ta đánh chiếm các cứ điểm phía Đông và mở đợt tổng công kích tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
    Vào hồi 17h30 ngày 7/5/1954, lá cờ quyết chiến quyết thắng của quân đội ta tung bay trên nóc hầm sở chỉ huy của địch. Đến 24h cùng ngày, toàn bộ quân địch bị bắt làm tù binh.
    56 ngày đêm chiến đấu kiên cường, dũng cảm, sáng tạo, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ "lẫy lừng năm châu, chấn động địa cầu". Toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ "bất khả chiến bại" đã bị quân và dân ta xóa sổ hoàn toàn.
    Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định "Chiến thắng Điện Biên Phủ như là mốc son chói lọi bằng vàng của lịch sử". Thắng lợi này đã trực tiếp đưa đến việc ký Hiệp định Genève về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Đông Dương; tạo cơ sở và điều kiện để nhân dân ta tiến lên giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào năm 1975.

  • D

    58 ngày đêm

Bình luận
vtcnews.vn