Trong phiên tòa xét xử đường dây đánh bạc nghìn tỷ đồng trên mạng internet tại TAND tỉnh Phú Thọ những ngày qua, trên bục khai báo, bị cáo Nguyễn Thanh Hóa (cựu Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao) đồng ý với những luận cứ bào chữa của các luật sư, cho rằng mình đảm nhận chức vụ khi không có hiểu biết gì về mạng máy tính, không biết sử dụng máy vi tính dẫn đến phạm tội.
Việc một lãnh đạo trực tiếp phụ trách phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thừa nhận rằng mình không biết sử dụng máy vi tính khiến nhiều người không khỏi đặt ra nghi ngờ, nhất là về công tác cán bộ, khi một người không có kiến thức về một lĩnh vực nhưng lại được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo cao nhất của lĩnh vực đó.
Chia sẻ với VTC News về vấn đề này, nguyên Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến cho rằng, khi có những tội phạm như thế này, đáng trách nhất là bản thân cán bộ có hành vi, dấu hiệu tham nhũng, nhưng cũng phải trách công tác cán bộ khi đã đặt người không đúng việc, đúng chỗ.
- Ông có nhận xét thế nào về việc cựu Cục trưởng Cục cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Nguyễn Thanh Hóa thừa nhận mình làm Cục trưởng những không biết gì về công nghệ, thậm chí không biết sử dụng máy vi tính dẫn đến sai phạm?
Rõ ràng, có thể thấy lĩnh vực nào cũng cần phải có chuyên môn nghiệp vụ cao và những người lãnh đạo phải là những người tinh hoa của lĩnh vực ấy thì lúc đó mới kiểm soát điều hành, chỉ đạo, kiểm tra được.
Nếu không biết chút gì thì sẽ để cấp dưới qua mặt, như ở trường hợp này là thành lập công ty bình phong để cho 2 người giỏi công nghệ họ "làm vương làm tướng" và làm gì cũng được. Rồi sau khi thu được tiền bất chính hàng nghìn tỷ đồng mới chia cho các ông, ông Phan Văn Vĩnh và ông Nguyễn Thanh Hóa.
Rõ ràng không có trình độ chuyên môn nghiệp vụ thì không thể nào quản lý, cũng không thể nào kiểm tra, giám sát được, chỉ biết rằng họ tác oai tác quái mặc muốn làm gì thì làm.
- Như vậy, phải chăng công tác cán bộ của ta đang có những tồn tại, thưa ông?
Có vấn đề, cái chính mà tôi muốn nói chính là công tác cán bộ của ta. Nếu như bổ nhiệm những người giỏi về một lĩnh vực để làm cán bộ lãnh đạo thì họ sẽ biết để chỉ đạo, điều hành và trực tiếp điều tra, giám sát hoạt động của cấp dưới.
Khi có những tội phạm như thế, cũng đáng trách bản thân họ có hành vi, dấu hiệu tham nhũng, nhưng cũng phải đáng trách công tác cán bộ đặt người không đúng việc, đúng chỗ.
Nguyên ĐBQH Lê Như Tiến
Chẳng hạn như phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thì phải biết đến công nghệ, biết đến công nghệ cao. Bổ nhiệm, đề bạt, cất nhắc cán bộ đấy cũng là bài học. Ở đây vừa là nguyên nhân vừa là bài học sâu sắc về công tác cán bộ của chúng ta.
- Những cán bộ lãnh đạo “ngồi trái ngành, trái nghề”, không có chuyên môn nghiệp vụ về lĩnh vực mình phụ trách thực tế có nhiều, thưa ông?
Cũng không phải là ít, tôi thấy có khá nhiều, đặc biệt là khi chúng ta nhìn xuống ở tất cả các địa phương, các vùng miền thì đều có cả.
Tôi được biết có những người chưa bao giờ được học về lĩnh vực môi trường nhưng lại là Giám đốc của một Sở Tài nguyên môi trường, có những người không biết một chút gì về khoa học công nghệ nhưng lại làm Giám đốc Sở Khoa học công nghệ. Thậm chí có cả những người chưa bao giờ làm công tác tổ chức cán bộ nhưng lại được bổ nhiệm làm Trưởng ban Tổ chức cán bộ của tỉnh hay Giám đốc sở Nội vụ của một địa phương.
- Việc bổ nhiệm cán bộ như vậy có thể gây ra những tác động, hậu quả ra sao, thưa ông?
Ở đây tôi muốn nói lĩnh vực nào, nghề nghiệp nào cũng phải có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, nếu không có được trình độ chuyên môn thì sẽ dấn đến những hậu quả.
Như một người không học một ngày vận tải nào nhưng lại làm Giám đốc Sở Giao thông vận tải thì anh biết thế nào là đường bộ, thế nào là đường thủy, đường sắt để mà anh quản lý được cả một ngành lớn như Giao thông vận tải.
Tương tự như lãnh đạo ngành Khoa học công nghệ, Tài nguyên môi trường, nhưng chưa biết thế nào là môi trường, thế nào là tài nguyên thì làm sao có thể làm được. Tài nguyên môi trường có phải là chỉ đóng dấu, ký cái giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thôi đâu, mà phải biết trên địa bàn đất phát sinh như thế nào, tác dụng của nó ra sao, rồi từng chất đất để chuyển đổi mục đích sử dụng... Và phải nắm rất kỹ về luật đất đai, hiểu rất rõ về luật môi trường.
Tôi được biết có những vị giám đốc ở một tỉnh mà tôi không tiện nói tên, không biết gì về khoa học công nghệ về môi trường mà lại làm Giám đốc của Sở Tài nguyên môi trường và Sở Khoa học công nghệ, thì dẫn đến những hậu quả như ông Nguyễn Thanh Hóa là đúng thôi.
Đây là bài học đau xót trong công tác cán bộ của chúng ta, cán bộ không làm được việc hoặc năng lực kém, hoặc để cấp dưới thao túng thì đó vừa là nguyên nhân vừa là bài học sâu sắc cho công tác cán bộ.
Còn nếu không đủ năng lực trình độ như thế thì phải luân chuyển và đặt đúng người đúng việc.
Khi có những tội phạm như thế thì cũng đáng trách bản thân họ có hành vi dấu hiệu tham nhũng, nhưng cũng phải đáng trách công tác cán bộ đặt người không đúng việc đúng chỗ.
- Để bổ nhiệm những cán bộ như vậy, trách nhiệm thuộc về cơ quan hay cá nhân nào, thưa ông?
Trách nhiệm trước hết thuộc về cơ quan tham mưu, thứ hai thuộc về cấp có thẩm quyền ký quyết định bổ nhiệm đó.
Công tác cán bộ cũng đồng thời là trách nhiệm của cấp ủy ở bất cứ cơ quan nào, vì bao giờ trước khi đưa ra quyết định về cán bộ cũng phải đưa ra cấp ủy. Sau đó là trách nhiệm của thủ trưởng, người đứng đầu và chưa kể đến còn có trách nhiệm của cán bộ công chức, cán bộ chiến sỹ trong lực lượng đó vì người ta đã biết như thế mà không có một phản ánh hay đề đạt gì cả.
Tất nhiên cấp dưới thì khó đề nghị nhưng nếu phát huy được dân chủ ở cơ sở thì chắc chắn người ta sẽ tham mưu và sẽ đề đạt đối với cấp trên.
- Vậy công tác cán bộ cần phải lưu ý đến những điều gì để tránh việc bổ nhiệm những cán bộ lãnh đạo không có chuyên môn nghiệp vụ vào vị trí lãnh đạo, thưa ông?
Công tác cán bộ phải đặc biệt chú trọng, quan trọng nhất là những người làm công tác cán bộ, phải “gác gôn” cho lãnh đạo, cho cấp trên có thẩm quyền. Đơn vị nào cũng có cơ quan gọi là cơ quan tổ chức cán bộ, và cơ quan tổ chức cán bộ đó là phải “gác gôn” cho lãnh đạo.
Ví dụ như ở một Bộ, khi đưa lên cho Bộ trưởng ký quyết định nhân sự thì cơ quan tham mưu cho lãnh đạo là hết sức quan trọng. Ở đây tôi muốn nói đến vụ tổ chức cán bộ của các Bộ, nếu không tham mưu tốt thì chắc chắn sẽ bị lọt lưới những cán bộ vừa kém phẩm chất, vừa yếu về năng lực. Những cán bộ đó lại bổ nhiệm vào những vị trí quan trọng thì chắc chắn sẽ dẫn đến hậu quả.
Bây giờ, mỗi một vị trí, chức danh phải giới thiệu số lượng người nhiều hơn, khi mà vị trí chỉ có 1 người mà giới thiệu đúng 1 người thì không thể nào có sự lựa chọn nào.
Cho nên trong công tác cán bộ, bao giờ cũng phải có lựa chọn, giống như bầu cử Đại biểu Quốc hội hoặc bầu cử Hội đồng nhân dân, bao giờ số dư cũng phải vượt quá con số cần bầu. Công tác cán bộ của ta cũng phải như thế, tránh tuyệt đối ở 1 vị trí mà chỉ giới thiệu và bầu 1 người, đó cũng là bài học.
Lãnh đạo không có chuyên môn trong lĩnh vực phụ trách là điều khá phổ biến
Công tác cán bộ, nhân sự của ta lâu nay vẫn còn tình trạng sắp xếp không đúng người, đúng việc, không đúng chuyên môn, làm trái ngành trái nghề… Việc bổ nhiệm để vừa làm vừa học hay bổ nhiệm không đúng với chuyên môn nghề nghiệp, đó là lỗi chung trong hệ thống chính trị của ta.
Nhiều khi cấp dưới lợi dụng không hiểu biết để qua mặt và mắc lỗi, đó là điều cũng khá phổ biến.
Công tác kiểm tra, kiểm soát, quản lý cán bộ của cấp trên cũng chưa thật tốt cho nên vẫn có những cái sai sót, lỗ hổng.
Vì vậy, công tác cán bộ cần phải sửa chữa nhiều vấn đề. Việc này đã nói từ đầu những năm 2000, cải cách chương trình tổng thể có nói muốn đề cao trách nhiệm cá nhân thì khi bổ nhiệm phải nêu rõ chức trách của họ. Cán bộ phải được đào tạo trước bổ nhiệm, các Nghị quyết của Quốc hội cũng nhấn mạnh vấn đề này, phải đào tạo cán bộ trước bổ nhiệm chứ không phải là bổ nhiệm rồi mới đi đào tạo.
Ông Thang Văn Phúc - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ
Bình luận