• Zalo

97% doanh nghiệp Việt quy mô 'nhỏ và siêu nhỏ'

Kinh tếThứ Hai, 28/04/2014 11:26:00 +07:00Google News

(VTC News) – Với 97 - 98% doanh nghiệp Việt quy mô 'nhỏ và siêu nhỏ' Chủ tịch VCCI ví những doanh nghiệp này 'đi thuyền thúng ra biển'.

(VTC News) – Với 97 - 98% doanh nghiệp Việt quy mô 'nhỏ và siêu nhỏ' Chủ tịch VCCI ví những doanh nghiệp này 'đi thuyền thúng ra biển'.

Phát biểu trong Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp tổ chức ngày 28/4/2014, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nói Việt Nam hiện có hơn 500.000 doanh nghiệp, trong đó có trên 3.000 doanh nghiệp nhà nước, gần 8.000 doanh nghiệp FDI. Còn lại 97-98% là doanh nghiệp dân doanh với quy mô nhỏ và siêu nhỏ.

Số doanh nghiệp dân doanh này được đại diện VCCI so sánh như “đội thuyền thúng” nhiều nhưng nhỏ và đang đứng trước một giai đoạn rất khó khăn.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; các Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Hoàng Trung Hải, Vũ Văn Ninh tại Hội nghị Thủ tướng và Doanh nghiệp tổ chức ngày 28/4. Ảnh Cổng thông tin điện tử Chính phủ 

Theo ông Lộc, sau một thời gian phát triển theo diện rộng những doanh nghiệp này đang bộ lộ nhiều yếu kém nội tại trong bối cảnh môi trường kinh doanh trong và ngoài nước ngày càng khó khăn.


Vì thế, số lượng doanh nghiệp phá sản, giải thể, ngừng hoạt động trong vài năm gần đây rất lớn. Và “đội thuyền thúng” – cách ví von của ông Vũ Tiến Lộc về các doanh nghiệp dân doanh vừa và nhỏ thực sự sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức khi ra biển lớn – thời điểm hội nhập của Việt Nam vào cộng đồng kinh tế ASEAN, WTO…


Để “trụ hạng”, các doanh nghiệp tại Việt Nam đã đưa ra hơn 300 kiến nghị cụ thể liên quan tới các vấn đề hệ thống pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp, quan hệ lao động…


Về vấn đề cải cách thủ tục hành chính và tư pháp, đại diện các doanh nghiệp khẳng định thủ tục hành chính trong nhiều lĩnh vực còn rườm rà và gây khó cho hoạt động của doanh nghiệp.


Vì thế, các doanh nghiệp kiến nghị đơn giản hóa thủ tục, giảm chi phí và thời gian thực hiện thủ tục hành chính của tất cả các bộ, tin học hóa quy trình thực hiện thủ tục hành chính giữa doanh nghiệp và cơ quan công quyền để chống tham nhũng.


Doanh nghiệp cũng đề nghị loại bỏ trùng lặp giữa luật Doanh nghiệp, luật Đầu tư và các luật chuyên ngành đồng thời tiến tới xây dựng Bộ Luật thống nhất về thủ tục hành chính liên quan tới doanh nghiệp.


Liên quan tới vấn đề quan hệ lao động, đại diện nhiều doanh nghiệp kiến nghị giãn tiến độ tăng tiền lương tối thiểu ít nhất trong 2 năm với mức tăng được ấn định tối đa trên cơ sở tỷ lệ lạm phát cộng với tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm đồng thời thay đổi quy định về thời gian làm thêm đối với người lao động với mức tăng từ 200 giờ lên 300 giờ theo thỏa thuận của người lao động với chủ sử dụng lao động.


Các doanh nghiệp cũng kêu gọi triển khai đồng bộ các biện pháp ngăn chặn có hiệu quả các hiện tượng gian lận thương mại, tình trạng chuyển giá của các doanh nghiệp FDI…

Khánh Hòa

Bình luận
vtcnews.vn