• Zalo

5 quốc gia khiến Mỹ 'đau đầu trong chiến dịch gây sức ép với Nga

Thời sự quốc tếThứ Tư, 13/04/2022 14:43:39 +07:00Google News

Chính quyền Biden gặp khó trong việc thuyết phục một số quốc gia sát cánh trong nỗ lực gây sức ép với Nga.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tập hợp được các đồng minh phương Tây ủng hộ chiến dịch gây sức ép với Nga nhưng Washington lại gặp khó khăn để thuyết phục những đồng minh và đối thủ dưới đây có cùng lập trường với mình.

Ấn Độ

Tổng thống Biden đã trao đổi trực tuyến với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 11/4, chưa đầy 2 tuần sau khi phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Daleep Singh tới New Delhi để gặp các quan chức Ấn Độ.

Trong khi Tổng thống Biden thường kêu gọi sự đoàn kết của các nền dân chủ nhằm phản đối chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine thì Ấn Độ vẫn tiếp tục nhập khẩu dầu mỏ từ Nga và giữ lập trường trung lập trong các cuộc bỏ phiếu tại Liên Hợp Quốc liên quan đến những diễn biến ở Ukraine.

5 quốc gia khiến Mỹ 'đau đầu trong chiến dịch gây sức ép với Nga - 1

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. (Ảnh: Reuters)

Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nhận định với báo giới rằng Tổng thống Biden đã làm rõ những tác động của các biện pháp trừng phạt mà Mỹ và đồng minh áp lên Nga trong cuộc trao đổi với Thủ tướng Modi, đồng thời nhấn mạnh Mỹ sẵn sàng hỗ trợ Ấn Độ đa dạng hóa nguồn nhập khẩu năng lượng.

"Tổng thống cũng khẳng định rằng việc tăng nhập khẩu năng lượng cũng như các hàng hóa khác của Nga sẽ không nằm trong lợi ích của Ấn Độ", bà Psaki bình luận.

Ả Rập Xê-út và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE)

Những quốc gia vùng Vinh giàu dầu mỏ, đồng thời là những thành viên có tầm ảnh hưởng trong OPEC+ này đã từ chối lời kêu gọi của Mỹ trong việc tăng nguồn cung dầu mỏ trên thị trường toàn cầu để làm giảm giá dầu đang tăng cao, giữa bối cảnh Mỹ và các đồng minh áp lệnh trừng phạt, cũng như các biện pháp hạn chế nhằm vào dầu mỏ và khí đốt Nga.

Đặc biệt, Ả Rập Xê-út phụ thuộc lớn vào một thỏa thuận với Nga qua OPEC+ về hạn ngạch sản lượng. Riyadh cũng đang lên kế hoạch kinh tế cho tương lai như một phần của nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế tránh phụ thuộc vào năng lượng.

Cuộc chiến ở Ukraine cũng diễn ra giữa bối cảnh quan hệ giữa Mỹ và Ả Rập Xê-út đang căng thẳng, liên quan đến việc Mỹ chỉ trích Thái tử Mohammed bin Salman trong vụ nhà báo Jamal Khashoggi của Washington Post bị sát hại.

Wall Street Journal hồi tháng trước đưa tin, Thái tử Ả Rập Xê-út đã từ chối trao đổi với Tổng thống Biden về việc Mỹ cấm nhập khẩu dầu Nga mặc dù sau đó Nhà Trắng gọi những thông tin trên là không chính xác.

Hussein Ibish, học giả cấp cao tại Viện Các nước vùng Vịnh ở Washington cho rằng UAE và Ả Rập Xê-út có những tham vọng của mình và những nước này sẽ "chuẩn bị phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn trước sức ép từ Washington và cộng đồng quốc tế".

"Tôi cho rằng họ đã tính toán sai lầm khi nghĩ rằng cuộc chiến ở Ukraine là cuộc khủng hoảng ở châu Âu chứ không phải một cuộc khủng hoảng toàn cầu. Họ nghĩ rằng mình có thể đứng bên lề cuộc chiến nhưng điều đó là không đúng".

Ông Ibish cho rằng cả Ả Rập Xê-út và UAE đều đang tìm kiếm thêm những đảm bảo an ninh từ chính quyền Tổng thống Biden, đặc biệt nhằm đối phó với các cuộc tấn công từ lực lượng Houthi được Iran hậu thuẫn ở Yemen.

Chuyên gia này bình luận, nếu đạt được thỏa thuận với Mỹ, có thể "Ả Rập Xê-út sẽ tăng sản xuất dầu mỏ và phá vỡ thỏa thuận OPEC+ với Nga".

Trung Quốc

Chính quyền Tổng thống Biden đã dành nhiều thời gian và công sức để ngăn cản Trung Quốc hỗ trợ Nga về thiết bị quân sự hoặc tài chính. Tổng thống Biden đã trao đổi trực tiếp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng đã gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã gặp quan chức ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Dương Khiết Trì. Trong những cuộc gặp này, các quan chức Mỹ đều cảnh báo Bắc Kinh không được can thiệp vào cuộc chiến theo hướng có lợi cho Nga.

Các quan chức Mỹ nhận định hiện vẫn chưa rõ liệu Trung Quốc đã quyết định rõ ràng sẽ tham gia hay đứng ngoài cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Cho tới nay, Bắc Kinh vẫn chưa cung cấp hỗ trợ quân sự cho Moskva.

Reuters trước đó đưa tin, Trung Quốc đánh giá cao các thỏa thuận dầu mỏ với Nga nhưng vẫn chưa đặt bút ký những thỏa thuận mới - một dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh dường như nhận ra rằng các quốc gia phương Tây, mà một vài nước có quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc, sẽ phản ứng dữ dội nếu nước này hành động như vậy.

Đức

Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã có sự thay đổi lập trường mang tính lịch sử khi cung cấp hỗ trợ quân sự bao gồm cả những vũ khí sát thương cho Ukraine và tạm dừng việc thông qua dự án đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2.

5 quốc gia khiến Mỹ 'đau đầu trong chiến dịch gây sức ép với Nga - 2

Thủ tướng Đức Olaf Scholz. (Ảnh: Reuters)

Tuy nhiên, khi cuộc chiến ở Ukraine bước vào tuần thứ bảy, Đức đã lên tiếng phản đối việc tham gia cùng với Mỹ và một số quốc gia châu Âu khác về việc cắt nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt Nga.

Đức vẫn phụ thuộc vào khí đốt Nga qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 và các quan chức cấp cao nước này cảnh báo, việc cắt đứt nguồn cung này không phải là lựa chọn của Đức - quốc gia có dân số đông nhất châu Âu.

Một phái đoàn bao gồm các hạ nghị sĩ Mỹ, dẫn đầu là Lãnh đạo phe đa số tại Hạ viện Steny Hoyer sẽ tới Berlin tuần này để gặp Thủ tướng Scholz như một phần trong chuyến công du châu Âu.

Các đồng minh phương Tây, dẫn dầu là Mỹ, hiểu rõ sự khó khăn của việc tách rời ngay lập tức châu Âu, đặc biệt là Đức với năng lượng Nga.

Hungary

Hungary là một đồng minh NATO nhưng nước này có lập trường rất thận trọng trong việc phản ứng với chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã lên án chiến dịch này nhưng tránh những phát ngôn đối đầu với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ngoài ra, dù là một thành viên của Liên minh châu Âu (EU) nhưng Hungary lại có lập trường khác với phần đông quốc gia trong liên minh này.

Tuần trước, ông Orban cho biết Hungary sẵn sàng thanh toán khí đốt Nga bằng đồng rúp, một động thái có thể giúp ổn định đồng nội tệ của Nga giữa bối cảnh nhiều nước phương Tây đang tìm cách hạn chế hoặc cắt hoàn toàn việc mua năng lượng từ Nga và cô lập đồng tiền của nước này.

"Hungary là một thành viên NATO và điều đó không thay đổi. Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với họ dựa trên những lợi ích song phương và lợi ích toàn cầu mà chúng tôi cùng chia sẻ, bao gồm khả năng phòng thủ của NATO và hỗ trợ nhân đạo", bà Psaki nhận định.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục tiến hành tập trận chung với Hungary và tăng cường quan hệ đối tác với họ", Thư ký Báo chí Nhà Trắng bình luận.

Kiều Anh(VOV.VN)
Bình luận
vtcnews.vn