Trong bài viết này chúng tôi sẽ điểm danh những loài hoa đẹp nhưng có độc tuyệt đối không nên bày trong nhà.
Những loài hoa đẹp nhưng có độc
Hoa tử đằng (đậu tía)
Là loài hoa họ đậu, dây leo, hoa thành từng chùm màu tím rất đẹp, được trồng làm cảnh phổ biến ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Hoa tử đằng vừa đẹp, vừa có mùi thơm. Tuy nhiên hạt hoa tử đằng rất độc. Nếu ăn phải sẽ bị trúng độc, nôn nói, chuột rút và tiêu chảy.
Muồng hoàng yến (hoa bò cạp vàng, hoa osaka)
Cũng là loài cây hoa cảnh họ đậu, muồng hoàng yến là cây thân gỗ, tán tròn. Hoa nở vàng thành từng chùm rực rỡ từ tháng 6 đến tháng 9 hàng năm. Chùm hoa dài, rủ xuống, dài 20-40 cm, cụm hoa lớn.
Trái muồng hoàng yến dài, trong có hạt hình trái xoan. Cả hoa, lá, quả và hạt muồng hoàng yến đều có chất độc, nếu ăn phải sẽ gây ngộ độc.
Hoa ly lửa
Tất cả thành phần của cây đều chứa chất độc có thể giết chết người và động vật lớn. Đặc biệt, phần rễ củ của cây chứa nhiều độc chất như colchicine, alkaloid gloriocine.
Chỉ sau hai giờ trúng độc, nạn nhân có biểu hiện buồn nôn, nôn, tê bì và ngứa ran xung quanh miệng, rát cổ họng, đau bụng, tiêu chảy ra máu, dẫn đến tình trạng mất nước.
Khi chất độc tiến triển trong cơ thể sẽ khiến tiêu cơ vân, tắc ruột, suy hô hấp, hạ huyết áp, rối loạn đông máu, đái ra máu, co giật, hôn mê và tổn thương đa thần kinh. Với phụ nữ, chất độc còn gây lột da và chảy máu âm đạo.
Hoa loa kèn
Hoa loa kèn được xếp vào bảng độc tính cao nên chỉ được dùng để bào chế thuốc với một lượng rất nhỏ, tính bằng miligram. Trong hoa chứa chất gây ảo giác scopolamine, chỉ cần uống một giọt độc dược chiết xuất từ chất này có thể tác động lên hệ thần kinh trung ương. Nạn nhân có thể bị mất trí nhớ và mất tri giác tạm thời.
Nạn nhân ngộ độc ở mức độ nhẹ có dấu hiệu khô miệng, khó nuốt, giảm tiết dịch ở phế quản, giãn đồng tử; nặng có thể bị lú lẫn, hoang tưởng, dễ kích thích.
Trúc đào
Toàn cây trúc đào có nhựa đục rất đắng và độc, là acid hydrocyanic và glucosid. Bò, ngựa ăn phải một số lá trúc đào tươi đã bị ngộ độc. Người ăn phải thịt súc vật chết vì lá trúc đào cũng nhập viện.
Dấu hiệu ngộ độc là khó chịu, bải hoải chân tay, buồn nôn, chóng mặt (liều nhỏ); tiêu chảy ra máu, rối loạn hô hấp, nôn mửa, chân tay co giật, loạn nhịp tim, mạch nhỏ yếu đi tới hôn mê và tử vong (liều cao).
Do đó, mọi người không trồng trúc đào ở cạnh nguồn nước như giếng, ao, bể; không buộc hoặc thả gia súc dưới gốc cây trúc đào; không để trẻ nhỏ nhặt chơi; không dùng lá trúc đào chữa bệnh ngoài da dưới bất kỳ hình thức nào.
Trên đây là những loài hoa đẹp nhưng có độc đặc biệt nguy hiểm nhất là với trẻ nhỏ, người dân thận trọng khi bày trí trong nhà.
Bình luận