• Zalo

Y tế 'kiện' Giáo dục vì... chất lượng nhân lực kém

Giáo dụcThứ Ba, 17/09/2013 06:19:00 +07:00Google News

Cho rằng chất lượng nhân lực ngành kém là do việc mở ngành không có sự giám sát của mình, Bộ Y tế đã gửi công văn tới Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Cho rằng chất lượng nhân lực ngành kém là do việc mở ngành không có sự giám sát của mình, Bộ Y tế đã gửi công văn tới Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bộ Y tế kiện Bộ Giáo dục và Đào tạo

Trong công văn, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường đặt vấn đề về thực trạng quá nhiều cơ sở đào tạo, kể cả các trường đa ngành cùng tham gia đào tạo nhân lực y tế.

Bộ GD-ĐT có quy định việc mở ngành đào tạo do sở GD-ĐT địa phương thẩm định các điều kiện đảm bảo chất lượng.

bộ y tế, bộ <a href='https://vtcnews.vn/giao-duc.538.0.html' >giáo dục</a>, chất lượng nhân lực, nhân lực y tế
Sinh viên khoa Y trong giờ thực hành. 
Ông Cường cho rằng, khi không có sự tham mưu về mặt chuyên môn của Bộ Y tế và các chuyên gia y tế thì việc thẩm định mã ngành đào tạo nhân lực ngành này sẽ không đảm bảo chất lượng.

"Vì vậy, Bộ Y tế đề nghị Bộ GD-ĐT chỉ đạo cần có quy định chặt chẽ khi mở ngành đào tạo nhân lực y tế, trong đó việc thẩm định cần có sự tham gia về mặt chuyên môn của Bộ Y tế và các chuyên gia y tế để đảm bảo chất lượng" - ông Cường đề xuất.

Một bất cập khác dưới góc nhìn của Bộ Y tế là chuyện các trường ngoài công lập cũng tham gia thị phần đào tạo này. Mới đây, Hội đồng Hiệu trưởng các trường ĐH Y dược Việt Nam đã họp và phản ánh việc nhiều trường ngoài công lập có chỉ tiêu tuyển sinh số lượng khá lớn trong khi năng lực đào tạo và cơ sở thực hành hạn chế.

Điều này dẫn đến điểm tuyển sinh vào các trường ngoài công lập rất thấp, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.

Từ đó, Bộ Y tế đã đề nghị Bộ GD-ĐT xem xét chỉ đạo việc giao chỉ tiêu đào tạo nhân lực y tế cho các cơ sở đào tạo ngoài công lập cần căn cứ vào tiêu chí năng lực chuyên môn và cơ sở thực hành. Đồng thời, cần có khuyến cáo tình trạng thừa nhân lực đối với các ngành nói trên để thí sinh có định hướng lựa chọn.

Trên thực tế, tại hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện đổi mới giáo dục ĐH, ông Nguyễn Minh Lợi, đại diện Bộ Y tế đã đề cập đến thực trạng mở ngành quá dễ dãi khiến một số trường ĐH đa ngành, ngoài công lập trong điều kiện không đảm bảo.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thừa nhận, tại hội nghị đào tạo nhân lực y tế đồng bằng sông Cửu Long, các địa phương có ý chê trách Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế về việc thẩm định các trường đào tạo ngành y.

"Tôi đã chỉ đạo các đơn vị của Bộ thẩm định việc này và đề nghị Bộ Y tế tổ chức kiểm tra đột xuất, định kỳ lại các trường vừa cấp phép, đặc biệt là các trường khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Nếu trường nào không đủ điều kiện thì xử lý, có thể đóng cửa hoặc đình chỉ tuyển sinh" - lời Bộ trưởng Luận.

Thừa thầy, thiếu thợ


Điều này dường như đang phản ánh đúng những gì Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đánh giá về thứ bậc, xếp hạng của giáo dục VN. Theo ghi nhận, Singapore, Malaysia và Brunei Darussalam lần lượt đứng đầu trong khi Campuchia đứng thứ 6, Việt Nam thứ 7 và Thái Lan ở cuối bảng.

Việc Việt Nam bị đánh giá là chỉ xếp thứ 7 trong số 8 nước ASEAN trong bảng xếp hạng năng lực toàn cầu cho thấy một thực tế là nền giáo dục Việt Nam đang bị đánh giá thấp về năng lực cạnh tranh hay nói cách khác chất lượng có vấn đề hay thiếu thực tế.

Nhất là khi Việt Nam được xếp vào nước có số lượng tiến sĩ cao nhất trong khu vực nhưng lại có số lượng các công trình nghiên cứu khoa học thấp nhất.

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ (MST), Việt Nam hiện có 24.300 tiến sĩ và 101.000 thạc sĩ, với số lượng tiến sĩ và thạc sĩ tăng 11,6% mỗi năm (7% cho tiến sĩ và 14% cho thạc sĩ).

Vậy mà, theo số liệu từ Bộ Khoa học, từ năm 2006-2010, mỗi năm Việt Nam chỉ có được một bằng sáng chế. Từ năm 2011, không có bằng sáng chế Việt Nam nào được đăng ký trong nước.

Từ báo cáo điều tra lao động và việc làm Việt Nam của Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm 1/10/2012, trong tổng số 984.000 người thất nghiệp có 55.400 người trình độ CĐ (chiếm 5,6%) và 111.100 người có trình độ ĐH trở lên (11,3%).

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới trong Báo cáo Phát triển Việt Nam năm 2013 với 350 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, phần lớn các doanh nghiệp phàn nàn là họ gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tuyển dụng. Có tới 82,9% lao động chuyên môn hoặc kỹ năng cao không đáp ứng được những đòi hỏi về kỹ năng của người tuyển dụng lao động.

 

Theo Báo Đất Việt
Bình luận
vtcnews.vn