Video: Nỗi đau dai dẳng của gia đình nạn nhân vụ án Bưu điện Cầu Voi
Trong vụ án Bưu điện Cầu Voi (ấp 5, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) xảy ra hơn 12 năm trước, Hồ Duy Hải có oan hay không còn cần thời gian để cơ quan có thẩm quyền đưa ra kết luận cuối cùng. Thế nhưng phía sau vụ án chắc chắn là nỗi đau của đấng sinh thành. Nỗi đau của mẹ Hồ Duy Hải rõ ràng, hiện hữu mà cả cộng đồng xã hội nhìn thấy. Nhưng có những nỗi đau dằn vặt và kéo dài của gia đình 2 nạn nhân thì cứ âm ỉ, chẳng ai thấu, chẳng ai hay.
Sống lảng tránh
Giữa một buổi trưa tháng 6, chúng tôi tìm về nhà nạn nhân Nguyễn Thị Ánh Hồng ở phường Tân Khánh (TP Tân An, tỉnh Long An). Ngôi nhà có 3 cánh cửa, nhưng 2 cánh lúc nào cũng đóng im lìm, không tiếng cười, không âm thanh. Cũng có lẽ vì thế mà khung cảnh đã hiu hắt càng mang nét trầm buồn.
Hỏi người dân xung quanh, ai cũng nói gia đình ông Sáu Mừng (Nguyễn Văn Mừng - bố nạn nhân Nguyễn Thị Ánh Hồng) và ông Tư Hộ (Nguyễn Văn Hộ - bố nạn nhân Nguyễn Thị Thu Vân) nhiều năm nay sống im lặng, lảng tránh với hàng xóm. Có lẽ nỗi đau mất con khiến cả 2 gia đình không còn muốn giao tiếp với láng giềng.
Thấy có khách, ông Sáu Mừng mặc vội chiếc áo lao động rách vai ngồi tiếp chuyện. Còn bà Nguyễn Thị Ngọc Thắm - mẹ chị Hồng đi ra chào khách rồi lại lặng lẽ trở vào trong. Từ đó cho đến suốt buổi, bà không hề quay lại phòng khách.
Hiểu được tâm trạng của bà, chúng tôi chẳng dám làm phiền. Ông Sáu Mừng thấy vậy, nói: “Con cua mất cái ngoe rồi thì làm sao bơi lên bờ cho trọn vẹn được nữa. Cảm giác đau đớn cũng chỉ có đỡ đi chứ làm sao mà bình thường được”.
Ông Sáu Mừng vốn là bộ đội chiến trường Campuchia. Chị Hồng là con lớn, được sinh trước khi ông Sáu lên đường ra chiến trường. Khi trở về, thấy bạn bè kinh tế đều ổn định, ông quyết định giải ngũ để tìm đường mưu sinh nuôi vợ con.
Sau đó ông sinh thêm 3 người con gái, nhưng vì di chứng của chất độc da cam, con gái thứ 2 của ông nay 35 tuổi vẫn nằm một chỗ, không thể tự ăn uống, sinh hoạt. Ngoài cô con gái thứ 3 có gia đình, ông bà còn một người con út đang học đại học.
Ngày xưa vợ chồng chúng tôi sống vui vẻ lắm, hay đùa hay nói. Thế nhưng từ khi chuyện xảy ra, chúng tôi chẳng còn muốn gặp ai, cũng không muốn ra ngoài.
Ông Sáu Mừng
“Vì gia đình chính sách nên học phí cũng được giảm ít nhiều. Nhưng mỗi năm cũng hơn 30 triệu đồng tiền học phí, chưa kể tiền sinh hoạt. Thôi không sao, miễn là cho con được cái nghề, vất vả mấy chúng tôi cũng cố được”, ông Sáu nói.
Gia cảnh khó khăn, nhà chỉ có 2 công đất đang trồng dừa, thanh long. Vì thế vợ chồng ông bà phải ngược xuôi, làm thuê thêm để có tiền nuôi con. Ngoài làm nông, ông Sáu còn làm thuê ở nhà máy xay xát lúa để kiếm thêm. Mới hơn 60, vợ chồng ông Sáu Mừng trông già hơn tuổi rất nhiều.
Hỏi về gia đình ông Tư Hộ, ông Sáu cho biết vợ chồng anh trai đều đang đi làm xa.
“Mấy anh em nhà tôi hoàn cảnh gia đình đều giống nhau, ai cũng khó khăn cả. Vợ chồng anh tôi đi làm cả ngày, tôi cũng chỉ mới vừa về, định nghỉ ngơi một chút rồi lại đi thôi. Giờ chúng tôi cứ sống vậy thôi, mọi việc có pháp luật lo”, ông Sáu Mừng nói.
Phó thác cho pháp luật
Trong buổi nói chuyện PV VTC News, khi nhắc về những kỷ niệm thời chiến tranh hay cuộc sống nông thôn, ông Sáu Mừng tỏ ra hào hứng. Thế nhưng khi nói về chị Hồng, ông lại trầm ngâm, thậm chí là im lặng. Súng đạn không giết được ông, nhưng nỗi đau mất con lại ăn mòn ông hơn 12 năm qua.
Chị Hồng và chị Vân là chị em con chú con bác, nhà lại ở cạnh bên nên thân nhau từ bé. Cả 2 cùng nộp đơn xin vào làm chung trong Bưu điện Cầu Voi rồi cùng được nhận làm.
Ngày đó, chị Hồng đi làm lương được hơn 1 triệu đồng. Số tiền này, một phần chị giữ lại để sinh hoạt, phần nữa chị gửi về cho gia đình. Có cô con gái chăm chỉ, hiểu chuyện, ông bà Sáu Mừng đỡ đi phần nào. Ông bà cũng thường lui tới chỗ con và cháu làm, không quên khoe khắp nơi “chị em chúng nó làm cùng, đùm bọc được nhau”.
“Ngày xưa vợ chồng chúng tôi sống vui vẻ lắm, hay đùa hay nói. Thế nhưng từ khi chuyện xảy ra, chúng tôi chẳng còn muốn gặp ai, cũng không muốn ra ngoài. Vì nể các chú ở xa đến, tôi mới tiếp chuyện, chứ bình thường ai hỏi hay nhắc gì về cháu, tôi sẽ bỏ đi”, ông Sáu Mừng bộc bạch.
Theo lời kể của ông Sáu, sau ngày bi kịch ấy, gia đình Hồ Duy Hải có một lần đến thắp hương cho chị Hồng, chị Vân và xin gia đình tha thứ. Thế nhưng đó là một lần và duy nhất, còn lại đã 12 năm, cả 2 bên đều không liên lạc với nhau.
Ngày Hồ Duy Hải bị xét xử, mang án tử, ông bà Sáu Mừng và cả gia đình anh trai cũng coi như số phận khiến con cháu mình chịu bi kịch, nén nỗi đau để tiếp tục sống. Thế rồi vụ án cứ liên tục được lật lại, tên con gái ông cùng người cháu liên tục được nhắc đến, cả 2 gia đình như rơi vào trầm cảm, u uất.
Chính vì quá mệt mỏi khi nỗi đau bị khơi lại, cả 2 gia đình quyết định không xem tin tức và lảng tránh, sống thu mình trước hàng xóm, láng giềng.
“Chúng tôi không theo dõi tin tức, cũng không nghe báo đài nữa, đau lắm. Giờ chúng tôi giao cho Nhà nước. Hồi đó tới giờ Nhà nước làm rồi, chúng tôi có lên tiếng hay nói gì cũng không thể giải quyết được. Chỉ buồn là đến nay vì vụ án chưa xong nên tài sản của con tôi vẫn chưa được trả lại để chúng tôi lưu giữ làm kỷ vật”, ông Sáu nói.
Theo ông Sáu Mừng, ông tin vào sự nghiêm minh và công bằng của pháp luật. Ông cũng tin rồi kẻ ác sẽ phải chịu trách nhiệm cho hành vi dã man của mình. “Chúng tôi buông xuôi là buông xuôi để Nhà nước làm, chứ không phải buông xuôi vụ án”, ông Sáu Mừng khẳng định chắc nịch.
Bình luận