Việt Nam nhận 15,5 tỷ USD hỗ trợ chuyển đổi xanh

Thời sự quốc tếThứ Năm, 15/12/2022 16:36:00 +07:00
(VTC News) -

Theo Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao, tuyên bố chính trị thiết lập JETP sẽ giúp Việt Nam thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Chiều 15/12, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc JETP huy động 15,5 tỷ USD hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết, Việt Nam đã cùng các nước thuộc nhóm G7 và các đối tác quốc tế khác thông qua tuyên bố chính trị thiết lập Quan hệ Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP).

Theo bà Phạm Thu Hằng, đây là bước đi cụ thể để tiếp tục huy động nguồn lực tài chính, công nghệ nhằm góp phần thực hiện chủ trương chính sách của Việt Nam về xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường, hỗ trợ Việt Nam thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng '0' vào năm 2050 với sự hỗ trợ của quốc tế.

Việt Nam nhận 15,5 tỷ USD hỗ trợ chuyển đổi xanh - 1

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi Trường Việt Nam Trần Hồng Hà và các bên liên quan trong buổi ký kết thỏa thuận ngày 14/12. (Ảnh: Đại sứ quán Anh).

"Việc thông qua tuyên bố chính trị JETP cũng khẳng định cam kết mạnh mẽ, nhất quán và nỗ lực rất lớn của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu, thể hiện trách nhiệm của Việt Nam chung tay giải quyết một trong những thách thức toàn cầu lớn nhất hiện nay", Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao nhấn mạnh.

Cũng theo Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao, tiến trình chuyển đổi năng lượng cũng đặt ra rất nhiều thách thức đối với những nước đang phát triển như Việt Nam. Do đó trong thời gian tới Việt Nam sẽ tiếp tục trao đổi hợp tác với các nước và đối tác quốc tế khác trên cơ sở công bằng, bình đẳng, cùng có lợi để đảm bảo các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội vừa giảm phát thải khí nhà kính đóng góp vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trước đó ngày 14/12, các nhà lãnh đạo từ Việt Nam, Vương quốc Anh và Liên minh Châu Âu đã công bố một Quan hệ Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng mới đầy tham vọng.

Các nhà lãnh đạo của Việt Nam và Nhóm Đối tác Quốc tế, bao gồm Liên minh Châu Âu, Vương quốc Anh, Pháp, Đức, Hoa Kỳ, Italia, Canada, Nhật Bản, Na Uy và Đan Mạch đã nhất trí về Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng.

Đối tác sẽ hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu Net Zero đầy tham vọng vào năm 2050, đẩy nhanh việc đạt đỉnh điểm phát thải khí nhà kính và chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch. JETP sẽ huy động khoản tài chính công và tư ban đầu trị giá 15,5 tỷ USD trong vòng 3 đến 5 năm tới để hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam.

Việt Nam là quốc gia thứ ba triển khai JETP, sau sự ra mắt thành công của JETP Nam Phi tại COP26 và JETP của Indonesia tại Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G20 năm nay. Là một nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng, JETP của Việt Nam sẽ chứng minh rằng tăng trưởng kinh tế có thể tách rời khỏi tiêu thụ năng lượng nhiên liệu hóa thạch.

JETP Việt Nam được xây dựng dựa trên Đối tác G7 về Cơ sở hạ tầng và Đầu tư Toàn cầu (PGII) do Vương quốc Anh khởi xướng, nhằm thu hẹp khoảng cách đầu tư cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển. Các nhà lãnh đạo G7 đã đồng ý vào tháng 6/2022 để xúc tiến các cuộc đàm phán với một số quốc gia về JETP, đây là một cơ chế thực hiện cốt lõi của Đối tác G7 về Cơ sở hạ tầng và Đầu tư Toàn cầu.

Trà Khánh - Hoàng Linh
Bình luận
vtcnews.vn