Chiều 17/11, trả lời câu hỏi của phóng viên, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết, trong thời gian sắp tới, Bộ ngoại giao sẽ tiếp tục chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO tiếp tục cùng Bộ Văn hóa Thể thao và du lịch cùng các cơ quan liên quan thực hiện lộ trình thủ tục đưa ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" về Việt Nam trong thời gian sớm nhất, đảm bảo quy định pháp luật.
Trước đó, dưới sự chỉ đạo kịp thời của chính phủ, Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO đã thông qua mọi kênh trong đó có trao đổi thư, công hàm chính thức tiếp xúc, gặp gỡ với cố vấn đối ngoại của Tổng thống Pháp, Bộ Ngoại giao và Bộ Văn hóa Pháp, lãnh đạo UNESCO và các bộ phận chuyên ngành liên quan đề nghị can thiệp để ngừng việc bán đấu giá ấn vàng Hoàng đế chi bảo và chuyển giao quyền sở hữu cho phía Việt Nam.
"Chúng tôi cũng đã trao đổi với hãng đấu giá Millon và tham vấn với các tổ chức chuyên về di sản văn hóa nghệ thuật, cũng như các cá nhân có liên quan để tìm hiểu thông tin, kịp thời thông báo với các bên liên quan trong nước tạo cơ sở cho việc đàm phán", Người phát ngôn nói thêm.
Ngày 19/10, website của hãng đấu giá Millon (thành lập năm 1928, có trụ sở chính tại Paris, Pháp) đăng tải thông tin sẽ đưa ra đấu giá 329 cổ vật, trong đó có 2 cổ vật của nhà Nguyễn, gồm 1 ấn vàng đúc năm 1823 triều Minh Mạng (1820-1841), lô số 101 và 1 bát vàng triều Khải Định (1917-1925), lô số 100 thuộc sưu tập "Nghệ thuật Việt Nam" vào 11h 31/10/2022 (giờ Paris).
Thông qua các minh chứng thu thập được và xác minh bằng phương pháp chuyên gia dựa trên thông tin, hình ảnh hiện vật đấu giá do hãng đấu giá Millon công khai trên website của hãng, đối sánh với các cổ vật là ấn vàng triều Nguyễn đang được lưu giữ tại một số bảo tàng, di tích trên cả nước, có thể khẳng định: Chiếc ấn vàng (lô số 101) chính là ấn "Hoàng đế chi bảo" được đúc năm 1823 thời vua Minh Mạng (1820-1841).
Bình luận