Đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, hằng năm, khoảng 60% số học sinh có cơ hội trúng tuyển vào lớp 10 công lập, 40% còn lại phải học ở các trường tư thục, trung tâm giáo dục thường xuyên... Do đó, việc thi vào lớp 10 THPT công lập ở Hà Nội, đặc biệt những trường top đầu những năm gần đây được đánh giá khốc liệt hơn thi vào đại học.
"Số lượng học sinh lớn, nếu không tổ chức thi sẽ khó phân loại", vị này nói.
Xét tuyển bằng học bạ sẽ khó thể tránh khỏi tiêu cực "làm đẹp học bạ". Còn xét tuyển bằng các chứng chỉ ngoại ngữ, tin học quốc tế lại gây ra tình trạng thiếu công bằng, "không phải gia đình nào cũng có điều kiện cho con học luyện thi lấy chứng chỉ".
Trong giai đoạn từ năm 2010 - 2018, Hà Nội từng áp dụng xét học bạ và cộng điểm ưu tiên, nhưng nảy sinh nhiều tiêu cực, "làm đẹp" học bạ, tỷ lệ học sinh giỏi ở cấp THCS tăng cao. Do đó, phương án thi vào lớp 10 vẫn tối ưu và được áp dụng ổn định trong vài năm tới.
Ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT TP.HCM khẳng định, thi vào lớp 10 là phương án tốt nhất với bối cảnh của TP.HCM hiện nay: dân số tăng nhanh, số chỗ học trong trường THPT còn hạn chế.
Thi vào lớp 10 sẽ tạo sự công bằng, khách quan, học sinh được chọn trường phù hợp với năng lực, nguyện vọng của bản thân.
Từ năm 2008 - 2012, TP.HCM từng thực hiện xét tuyển vào lớp 10 công lập. Tuy nhiên, giai đoạn này ghi nhận nhiều học sinh lớp 10, 11 nghỉ, bỏ học do không theo kịp chương trình THPT. Lãnh đạo các trường THPT cho rằng việc xét tuyển vào lớp 10 làm giảm động lực học tập của học sinh, các em không cần cố gắng vẫn được vào học lớp 10 công lập khiến chất lượng đầu vào ngày càng giảm sút.
Năm 2015, TP.HCM tổ chức thi tuyển trở lại. Từ đó đến nay, chất lượng học sinh được đảm bảo, phân luồng tốt giữa các trường.
Năm nay, TP.HCM có khoảng 100.000 học sinh lớp 9, dự kiến các trường THPT công lập sẽ tuyển 70% số học sinh lớp 9 tốt nghiệp THCS vào lớp 10 công lập.
Tính đến 1/3, gần 20 địa phương trên cả nước chốt phương án tuyển sinh lớp 10 năm học 2023 - 2024, trong đó 2 địa phương (Vĩnh Long, Đồng Tháp) tổ chức xét tuyển.
TS Hoàng Đình Thảo, chuyên gia giáo dục cho rằng, một số tỉnh thành địa bàn rộng, lượng học sinh đông như Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ, Bình Dương... nên tổ chức thi tuyển để phân luồng. Còn các tỉnh, thành khác nên xem xét phương án xét tuyển vào lớp 10.
Vị chuyên gia này nêu những ưu điểm các tỉnh thành khác nên tính phương án xét tuyển. Thứ nhất, từ năm 2022, khi lên bậc THPT học sinh sẽ bắt nhịp vào chương trình giáo dục phổ thông mới với 4 môn bắt buộc và 9 môn tự chọn. Nội dung tập trung chủ yếu định hướng cho học sinh, không nặng về phân môn hay phân ban như trước đây. Do đó nếu vẫn bắt buộc học sinh thi tuyển vào lớp 10 sẽ chỉ thêm gánh nặng và không cần thiết khi bước vào chương trình mới.
Thứ hai, nếu chỉ thông qua một kỳ thi để tuyển chọn và đánh giá phân loại học sinh vào các trường thì không thoả đáng. Kết quả 4 năm học THCS là minh chứng rõ nét nhất cho cả quá trình học tập, rèn luyện của các em, nên lấy đó làm căn cứ để xét vào các trường THPT thay vì điểm thi một bài môn học.
Theo quy định tại Thông tư 03 của Bộ GD&ĐT ban hành năm 2019, tuyển sinh vào lớp 10 THPT sẽ có 3 phương thức: Xét tuyển, thi tuyển, vừa thi vừa xét tuyển. Việc lựa chọn hình thức được giao cho UBND cấp tỉnh quyết định và chỉ đạo thực hiện trên nguyên tắc minh bạch, công bằng và đảm bảo quyền lợi học sinh.
Bình luận