'Con được 10 điểm, bố mẹ sẽ thưởng' - cách giáo dục làm hại con

Diễn đànThứ Hai, 20/02/2023 16:59:23 +07:00
(VTC News) -

'Con được 10 điểm, bố mẹ sẽ thưởng' - nhiều cha mẹ thường nói câu này với con mà không biết rằng đây là cách giáo dục đang làm hại con.

"Nếu con được điểm 10, bố/mẹ sẽ thưởng cho con tiền/đồ chơi/chơi game/mua váy mới...", chắc chắn không ít bậc cha mẹ từng nói với con như vậy. Họ thường dùng quà thưởng vật chất để tạo động lực học tập cho con.

Động lực của trẻ bị thay thế bởi kỳ vọng của cha mẹ

Cha mẹ hãy cho trẻ nhận ra việc học chính là phần thưởng. Về bản chất, đứa trẻ nào cũng tò mò về thế giới xung quanh nhưng niềm vui học hỏi những kiến thức mới dần dần bị đè bẹp bởi những bài tập nặng nề. Động lực ban đầu "Tôi muốn biết", "Tôi quan tâm" của trẻ dần bị thay thế bởi những kỳ vọng của cha mẹ về điểm số, trình độ tiếng Anh, thứ tự xếp hạng trong các kỳ thi toán Olympic.

'Con được 10 điểm, bố mẹ sẽ thưởng' - cách giáo dục làm hại con - 1

Các chuyên gia khuyên không nên lấy vật chất, tiền bạc để thưởng khi con đạt điểm tốt.

Cuối cùng việc "học cho bản thân" lại trở thành "học vì điểm số". Để đạt được kỳ vọng, nhiều bậc cha mẹ lấy phần thưởng làm động lực thúc đẩy con. Những đứa trẻ bị "thao túng" bởi phần thưởng sẽ không còn động lực từ bên trong nội tại. Vì vậy khi không có phần thưởng thì trẻ không còn động lực phấn đấu.

Không thể phủ nhận những động lực do phần thưởng vật chất mang lại sẽ khiến trẻ thay đổi trong thời gian ngắn và đạt được kết quả ngay lập tức. Tuy nhiên theo thời gian, phần thưởng sẽ mất đi sức hấp dẫn ban đầu.

Nhiều báo cáo cho thấy, một số sinh viên sau khi đạt được mục tiêu vào được trường đại học danh tiếng, không còn bị bố mẹ giám sát thì sinh viên đó tự nuông chiều bản thân, xảy ra tình trạng nợ môn, thậm chí bị đuổi học.

Tác hại của phần thưởng vật chất với trẻ

Phần thưởng vật chất lâu dài không chỉ giết chết động lực học tập của trẻ mà thậm chí còn khiến trẻ hình thành thói quen xấu - chăm chăm ra điều kiện mỗi khi làm bất cứ việc gì.

Các nhà tâm lý học cho rằng, các hành vi khác nhau của con người đều có động lực bên trong, chẳng hạn như ăn khi đói và uống khi khát. Những động lực bên trong này khiến con người làm mọi việc một cách tự nhiên.

Động lực bên trong là tích cực, nhưng động lực bên ngoài, chẳng hạn như sự ép buộc của môi trường, sự thúc giục của người khác và sự cám dỗ của lợi ích, sẽ giảm "Tôi muốn" thành hình thức "Tôi nên muốn". Từ đó hình thành "hành vi động lực bên ngoài". Hành vi của chúng ta bị chi phối bởi các yếu tố bên ngoài, và cuối cùng chúng ta trở nên phụ thuộc vào các yếu tố đó.

'Con được 10 điểm, bố mẹ sẽ thưởng' - cách giáo dục làm hại con - 2

Trẻ nên học vì lợi ích của việc học.

Khi bạn gắn kết giữa lao động và phần thưởng, trẻ sẽ đánh giá rõ ràng giá của từng việc nhà. Còn khi bạn liên kết giữa điểm số và phần thưởng, trẻ sẽ chỉ nhìn vào điểm mà thiếu đi động lực. Nếu bạn gắn phần thưởng với mọi việc trẻ phải hoàn thành, chúng sẽ tìm cách để "mót" từng xu một.

Để trẻ hình thành thói quen làm bất cứ việc gì cũng phải có thưởng thì điều nguy hiểm nhất là chúng sẽ không nhìn nhận được tình yêu của cha mẹ nữa. Thứ tình yêu có điều kiện này khiến trẻ cảm thấy tình yêu thương và quan tâm của gia đình dành cho chúng đều là "thứ mà tôi phải trả giá để đổi lấy".

Để trẻ phát huy đúng thế mạnh 

Cha mẹ không nên áp lực con phải toàn tài, giỏi xuất sắc cả môn tự nhiên lẫn xã hội, hay môn năng khiếu. Cha mẹ hãy nhìn rõ, thấu hiểu khả năng của từng đứa trẻ để phát huy đúng sở trường và không cầu toàn ở con.

Hàng ngày cha mẹ nên quan sát sở thích của trẻ để có thể khơi dậy động lực bên trong và khuyến khích trẻ phát huy thế mạnh. Việc thưởng quá mức sẽ làm cạn kiệt sự nhiệt tình lâu dài của một cá nhân, nhưng không vì thế mà không thưởng cho trẻ. Ngược lại, hãy thay đổi cách thức, phương pháp, khích lệ hợp lý, giảm sự phản kháng và thúc đẩy trẻ hăng hái hành động.

Ví dụ, khi trẻ đang tập đàn, thay vì thưởng một viên kẹo, cha mẹ có thể dùng lời lẽ động viên khen ngợi trẻ một cách tích cực, “Dù bản nhạc hơi khó nhưng bố/mẹ thấy con đã vượt qua nỗi sợ hãi của mình và hạ gục nó thành công. Bố/mẹ tự hào về sự kiên trì của con".

Nhà tâm lý học William James từng nói: “Nhu cầu sâu xa nhất của con người là mong muốn được người khác đánh giá cao và ngưỡng mộ”.

So với phần thưởng vật chất, sự khích lệ tinh thần có thể kích thích động lực bên trong trẻ nhiều hơn. Nhìn vào mắt trẻ và khuyến khích con bằng một nụ cười sẽ nhân đôi giá trị truyền động lực. Tuy nhiên cha mẹ nên kiểm soát tần suất khen thưởng, khen đúng người đúng việc để trẻ thấy được giá trị của lời khen.

Về phần thưởng vật chất, cha mẹ có thể thưởng cho trẻ những món đồ liên quan tới học tập, giải trí sách, đồ tập thể thao (với trẻ yêu thể thao). Cha mẹ cũng nên quán triệt nguyên tắc ưu tiên khen thưởng tinh thần, bổ sung khen thưởng vật chất. Đồng thời, hãy tạo ra bất ngờ về phần thưởng kế tiếp khi không chắc chắn "khi nào và cái gì" sẽ khiến trẻ bất ngờ và tràn đầy háo hức.

Diệu Anh (Nguồn: Sina)
Bình luận
vtcnews.vn