1. Với chiều dài lịch sử của hình thái chuyên nghiệp chỉ kéo dài khoảng 20 năm, một trong những cái thiếu lớn nhất của bóng đá Việt Nam là những cuộc so tài có bề dày truyền thống. Những cuộc đối đầu được cho là lịch sử của thế kỷ - thập kỷ trước đều thuộc về những đội bóng hoặc đã giải thể, hoặc chỉ còn là cái bóng của quá khứ.
Derby Gạch - Gỗ giữa Đồng Tâm Long An (ĐTLA) và HAGL là một ví dụ cho cuộc cạnh tranh nổi tiếng giữa bầu Thắng và bầu Đức. Năm 2008, "Anh Ba" của HAGL sẵn sàng thưởng 1 tỷ cho cho đội nếu thắng ĐTLA, số tiền rất lớn nếu biết vô địch V-League cũng chỉ nhận được khoảng 700 triệu đồng.
Bóng đá Hà Nội cũng có trận derby nổi tiếng giữa Công An Hà Nội (CAHN) và Thể Công - hai cái tên đã nằm trong bảo tàng bóng đá, dù trên lý thuyết, nhiều CĐV vẫn cho rằng CLB Viettel hôm nay là hậu duệ Thể Công, và chỉ hô Thể Công khi Viettel thi đấu.
Chuyện Thể Công và Viettel là minh chứng khác cho kết nối rời rạc giữa hiện tại và quá khứ. Cái tên Thể Công thực tế đã "chết" từ năm 2009 sau quyết định xóa tên từ Bộ Quốc phòng. Đội được giao cho Tổng công ty viễn thông quân đội Viettel quản lý. Đội 1 về Thanh Hóa, đội 2 được chuyển cho Hà Nội T&T, đổi tên thành CLB Hà Nội - tiền thân của Sài Gòn FC hôm nay.
Khi những người hoài niệm nhớ cố tìm ra mối liên hệ đứt đoạn giữa xưa và nay kiểu Thể Công và Viettel, giới làm bóng đá cũng "tranh thủ" mượn danh tiếng quá khứ để đánh bóng hiện tại. Cựu quyền chủ tịch Lê Công Vinh của CLB TP.HCM từng bị chỉ trích khi đưa hết danh hiệu của Cảng Sài Gòn - biểu tượng một thời của bóng đá phía Nam về phòng thay đồ.
Khác với Viettel và Thể Công, mối liên hệ giữa CLB TP.HCM và Cảng Sài Gòn rõ hơn đôi chút. Cảng Sài Gòn bị xóa sổ năm cuối năm 2008, được đổi tên thành CLB TP.HCM do Công ty Thép Việt Nam tài trợ. Đó cũng là thời điểm T&T Hà Nội - tiền thân của Hà Nội FC giành quyền lên hạng.
Mùa 2009, T&T Hà Nội xếp bét bảng lượt đi. HLV Hữu Thắng được đưa về thế chân ông Triệu Quang Hà - người đưa đội 3 năm thăng 3 hạng. Đội bất ngờ khởi sắc, leo một mạch lên xếp thứ 4 chung cuộc, còn CLB TP.HCM của HLV Lư Đình Tuấn xuống hạng.
Hai lần gặp gỡ mùa 2009 là gạch nối duy nhất giữa Hà Nội FC và CLB TP.HCM hôm nay, nếu không kể thêm sự có mặt của Hữu Thắng - người từng dẫn dắt T&T Hà Nội, giờ là chủ tịch CLB TP.HCM.
2. Không chỉ nghèo nàn về truyền thống, hai gã nhà giàu ở hai đầu đất nước đều chung một nỗi trăn trở. Trước mùa 2020, các trận đấu của CLB TP.HCM thường vắng khán giả. Khi Phi Sơn và đồng đội đá xong trận sân nhà cuối (gặp HAGL), Chủ tịch Hữu Thắng dắt cầu thủ đi một vòng sân cảm ơn người hâm mộ. Toàn đội đứng trước khán đài D với một nhóm nhỏ CĐV khoảng 30 người. Đây là nhóm CĐV cuồng nhiệt, luôn cổ vũ đội bóng.
Phần còn lại trên sân Thống Nhất hôm ấy vỗ tay khi HAGL ghi bàn lớn hơn khi CLB TP.HCM ghi bàn.
Đó cũng là tình cảnh của Hà Nội FC trong gần 10 năm, trước khi bật lên nhờ chiến tích của lứa Quang Hải, Đình Trọng ở giải U23 châu Á. Giành giật cảm tình từ giới mộ điệu, hay xa hơn là xác lập vị thế biểu tượng ở chính thành phố mà họ đóng quân là chặng đường xa xôi, khó khăn mà danh hiệu chỉ là điều kiện cần. Becamex Bình Dương vô địch V-League nhiều gấp đôi HAGL, nhưng có thời điểm phải... chi tiền cho CĐV đi cổ vũ.
Bản thân trận đấu giữa Hà Nội FC và CLB TP.HCM cũng không có tính biểu tượng. 8 lần so tài gần nhất với đối thủ, CLB TP.HCM hòa 1, thua 7, thủng lưới 25 lần. Đó là khoảng cách về thực lực và đẳng cấp.
3. Do đó, CLB TP.HCM càng phải thắng. Trong mùa giải bóng đá phía Nam quật khởi trở lại khi chiếm hai trong ba vị trí dẫn đầu, chiến thắng trước nhà đương kim vô địch sẽ mang lại hiệu ứng tinh thần tốt. Quyền lực bóng đá miền Đông và Tây Nam Bộ đã mất từ sau mùa 2015. 4 năm sau chức vô địch của Bình Dương, 3 lần cúp thuộc về Hà Nội FC.
Khi Bình Dương đăng quang lần gần nhất, Sài Gòn FC và CLB TP.HCM vẫn ở đâu đó ngoài V-League. Nói vậy để thấy thành công của hai đại diện phía Nam hôm nay vẫn là thành quả của phát triển nóng, hơn là quá trình đầu tư căn cơ, bài bản.
CLB TP.HCM không thể chỉ rải tiền để mua vinh quang. Họ cần bóng đá đẹp - đúng như khẳng định của Chung Hae Seong, cần thời gian nỗ lực bền bỉ để đánh chiếm thành trì niềm tin, và cần những chiến quả để lên tinh thần cho cuộc chiến đường dài.
Thay vì bấu víu vào vinh quang từ thời quá vãng, tại sao không tự mình xây dựng truyền thống? Đó cũng là trăn trở của Chủ tịch Hữu Thắng. Chiến thắng hôm nay không chỉ là nền móng, đó sẽ là "truyền thống" cho mai sau. CLB TP.HCM đang xây móng, và họ cần những chiến thắng lớn.
3 điểm trước Hà Nội FC cũng giống 3 điểm trước bất kỳ đội bóng nào khác, nhưng thắng một đội như thế là liều kích thích tinh thần cần thiết cho CLB TP.HCM nói riêng và bóng đá phía Nam nói chung.
Bình luận