Theo hồ sơ điều tra công an tỉnh Quảng Trị, 100% hài cốt liệt sĩ do “cậu Thủy” tìm kiếm, cất bốc không trùng khớp với hồ sơ lưu trữ của cơ quan Quân sự, cụ thể là về thời gian chiến đấu, hy sinh và địa điểm mai táng các liệt sĩ.
Đơn cử các trường hợp Liệt sĩ Nguyễn Văn Ngớt, sinh năm 1948, quê quán Thanh Hồng, Thanh Hà, Hải Hưng, nhập ngũ tháng 3/1967, đơn vị C7, D8, E66, F10, Quân đoàn 3, cấp bậc binh nhất, đã chiến đấu, hy sinh mất thi hài tại đồi 722 thuộc Đắk Sak, Đức Lập, Đắk Lắk (nay thuộc tỉnh Đắk Nông) vào ngày 24/8/1968.
Cơ quan an ninh điều tra công an tỉnh Quảng Trị đọc quyết định tống đạt khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Thúy, Mẫn Thị Duyên và khám xét tại nhà riêng của họ. |
Cùng thời điểm đó, có 16 đồng đội liệt sĩ Ngớt cũng chiến đấu và hy sinh tại đây. Liệt sĩ Phạm Quốc Khánh, sinh năm 1934, quê quán Phong Úy, Cẩm Phong, Cẩm Thủy, Thanh Hóa, nhập ngũ tháng 12/1953, đơn vị D7, E66, B3, chức vụ Đại đội phó, đã chiến đấu, hy sinh tại rừng Sim Lặng thuộc Đức Vinh, Gia Lai...
Thế nhưng, ngày 2/4/2013, đối tượng Nguyễn Văn Thúy và Mẫn Thị Duyên cùng các đối tượng đã chỉ và cất bốc cái gọi là hài cốt của cả hai liệt sĩ trên, đều ở thôn Tân Lập, xã Ia Khươl, huyện Chư Parh, tỉnh Gia Lai.
Sau khi khai quật, cất bốc cái gọi là 31 hài cốt liệt sĩ của Sư đoàn 320, Quân đoàn 3, tại khu vực Km105 gần cầu 110-QL14, thôn 1, xã Ea H'Leo, huyện Ea H'Leo, tỉnh Đăk Lăk, Thúy còn nói chắc rằng: “Tại khu vực này còn gần 200 hài cốt liệt sĩ của Sư đoàn 320, Quân đoàn 3”.
Trước thông tin trên, ngày 26/4/2013, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Lắk đã có Công văn số 1034/BCH-CT gửi Quân đoàn 3, Sư đoàn 320 (Quân đoàn 3) và Ban liên lạc Mặt trận B3 Tây Nguyên, đề nghị xác minh các đơn vị làm nhiệm vụ tại khu vực cầu 110- QL14, huyện Ea H’Leo từ năm 1968 đến năm 1972.
Kết quả, cả Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 và Sư đoàn 320 đều khẳng định: Không có đơn vị nào và trận đánh nào thuộc mặt trận Tây Nguyên – Quân đoàn 3 ở khu vực cầu 110 – QL14, huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk từ năm 1968 đến 1972.
Trong hồ sơ liệt sĩ của mặt trận Tây Nguyên – Quân đoàn 3 từ năm 1964 đến 1975 lưu trữ tại Ban Chính sách, Cục Chính trị cũng không thấy có thông tin về liệt sĩ nào hy sinh được mai táng tại khu vực cầu 110 – QL14, huyện Ea H’Leo...
Theo hồ sơ điều tra, Nguyễn Văn Thúy, Mẫn Thị Duyên cùng một số đối tượng khác còn lừa đảo, làm giả hài cốt liệt sĩ, di vật của bộ đội và điểm chôn cất các liệt sĩ ở nhiều nơi khác.
Ngay trong đêm 26/7/2013, tức một ngày sau khi tiến hành khai quật, cất bốc cái gọi là 9 hài cốt liệt sĩ ở thôn Lâm Xuân, xã Gio Mai, huyện Gio Linh, Quảng Trị, những người này đã đưa 7 gia đình thân nhân liệt sĩ đến xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông, Quảng Trị để chỉ, khai quật và cất bốc cái gọi là hài cốt liệt sĩ.
Tại đây, sau cất bốc, 7 gia đình thân nhân liệt sĩ này đã phải chi “tiền tươi” cho Thúy và Duyên cùng một số đối tượng khác, đơn giản chỉ vì việc cất bốc này là có xương và “di vật” có khắc tên tuổi của các liệt sĩ.
Chưa hết, lúc 2h sáng hôm sau, họ lại đưa gia đình liệt sĩ Nguyễn Thanh Tùng, quê quán tỉnh Nghệ An, đơn vị Sư đoàn 308, hy sinh năm 1972 tại Triệu Phong, Quảng Trị đến khu vực cầu Đầu Mầu – QL9 thuộc xã Cam Thành, huyện Cam Lộ, Quảng Trị để cất bốc cái gọi là hài cốt liệt sĩ…
Ông Hoàng Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở LĐ-TBXH tỉnh Quảng Trị đau xót: “Hành vi làm giả hài cốt liệt sĩ của các đối tượng là quá sức chịu đựng đối với các gia đình thân nhân liệt sĩ. Hành vi cần phải được xử lý nghiêm minh bởi bên cạnh nỗi đau về mặt tình cảm thiêng liêng của con người với con người, nó còn xâm hại nghiêm trọng đến các chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước”.
Tìm hiểu được biết, ngày 31/10, từ những lời khai ban đầu của các bị can Nguyễn Văn Thúy và Mẫn Thị Duyên, vụ án có thể thấy hành vi phạm tội của các đối tượng là do có cơ hội và các điều kiện giúp sức nhất định.
Từ những yếu tố này, họ đã dễ dàng bất chấp pháp luật, thản nhiên làm những chuyện động trời kể trên. Hiện vụ án đang được cơ quan an ninh điều tra công an tỉnh Quảng Trị tiếp tục điều tra làm rõ.
Theo Công An Nhân Dân
Bình luận