• Zalo

Ước mơ cuối cùng của giáo sư Trần Văn Khê

Văn hóa - Giải tríThứ Năm, 25/06/2015 09:35:00 +07:00Google News

Những ước mơ cuối cùng của giáo sư Trần Văn Khê - con người nức tiếng đa tài trong giới văn hóa Việt Nam và quốc tế.

Những ước mơ cuối cùng của giáo sư Trần Văn Khê - con người nức tiếng đa tài trong giới văn hóa Việt Nam và quốc tế.

GS.TS Trần Văn Khê đã qua đời vào lúc 2 giờ 55 phút ngày 24.6, thọ 94 tuổi. Con người nức tiếng đa tài trong giới văn hóa Việt Nam và quốc tế ấy từ những ngày đầu tháng 6.2015 đã buộc phải nằm thoi thóp trên giường bệnh.
trần văn khê
GS.TS Trần Văn Khê tại tư gia (32 Huỳnh Đình Hai, Bình Thạnh, TP.HCM). Ảnh: Nguyễn Á
1. Những người thân cận, gần gũi biết rằng vậy là cuộc chiến đấu của ông chống lại bệnh tật và tuổi già đã đi đến những giây phút cuối cùng. Nhưng chỉ ông và các bác sĩ mới hiểu rõ, trong khi gần như toàn bộ cơ thể ông đã hỏng, theo nghĩa không cứu vãn được nữa, thì cái đầu lại nói không.

Sự minh mẫn và tỉnh táo đã đưa ông đến những mong muốn, mà ông gọi là ước mơ, có thể nói là cuối cùng của cuộc đời mình. Ông mong muốn khi phải chia tay thế giới này sẽ được an táng theo nghi thức của Phật giáo, mặc dù ông thừa nhận mình không theo một tôn giáo nào.


Không biết có phải vì ông tìm thấy trong Phật giáo tiếng kinh kệ tiễn đưa con người sang thế giới khác rất gần gũi với dòng âm nhạc dân tộc mà ông trọn đời gắn bó? Thế nên ông căn dặn ban nhạc lễ do NS. Nhất Dũng học trò ông phụ trách phải phối hợp với người chủ tế là Thượng tọa Lệ Trang sao cho nghi thức an táng được hài hòa giữa phần kinh và phần nhạc.

Ông còn cẩn thận nhắn nhủ những người bạn thân đồng điệu và môn sinh của ông khi tổ chức một dàn nhạc đờn ca tài tử để hòa tấu trong tang lễ ông thì mỗi hơi của điệu thức chỉ cần đánh một vài bài và việc biểu diễn trong tang lễ cần ngắn gọn để không chiếm nhiều thời gian.


2. Giáo sư Trần Văn Khê còn ước ao thành chữ, rằng sau khi ông ra đi vĩnh viễn, các thủ tục vào đọc sách, tham khảo tư liệu trong thư viện Trần Văn Khê (khánh thành năm 2012 và đặt tại nhà ông) được dễ dàng cho những người cần đến đây đọc và nghiên cứu.

Vị giáo sư - tiến sĩ 94 tuổi, đã quá gần đất xa trời nhưng đầu óc vẫn còn rất tỉnh táo để dặn những người đã chia sẻ cuộc sống với ông suốt gần mười năm qua tại ngôi nhà 32 Huỳnh Đình Hai quận Bình Thạnh rằng, tất cả những hiện vật gắn bó với đời sống nghề nghiệp của ông do ông mang từ Pháp về như sách vở, báo chí, phim ảnh, đĩa hát các loại, các nhạc khí, máy ghi hình, ghi âm, cassette, máy chuyển tư liệu nghe nhìn, tranh vẽ, hình ảnh đều phải giao lại cho người của nhà nước đến tiếp nhận và điều hành ngôi nhà như một nơi lưu giữ các kỷ niệm hoạt động của ông vì cộng đồng.
trần văn khê
GS.TS Trần Văn Khê cùng các học sinh tiểu học trong một chương trình âm nhạc truyền thống Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Á
Khi nhắn gửi mong ước đó, hẳn giáo sư Trần Văn Khê không thể quên được một ngày của tháng 5.2004, trong buổi làm việc với Ban giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin TP.HCM (nay là Sở Văn hóa - Thể thao), ông đã nói những lời gan ruột:

“Trong quãng đời còn lại, tôi tâm nguyện được chuyển tất cả “gia tài văn hóa” liên quan đến việc nghiên cứu văn hóa nghệ thuật dân tộc Việt Nam mà tôi đã tích lũy trong sự nghiệp hoạt động văn hóa nghệ thuật cả đời tôi từ Paris, Pháp về TP.HCM với mong muốn giúp ích phần nào cho lớp trẻ trong nước về kiến thức văn hóa dân tộc.

Tôi mong muốn được thành phố bố trí một nơi ở đủ không gian để trưng bày sách vở, tài liệu, vật dụng nghệ thuật mà tôi mang từ Pháp về; để tiếp tục hoạt động nghiên cứu, trao truyền kiến thức cho lớp trẻ thông qua các cuộc giao lưu, nói chuyện, trình diễn, quảng bá âm nhạc dân tộc; để tiếp tục góp phần kết nối hoạt động nghiên cứu nghệ thuật trong và ngoài nước. Khi tôi “trăm tuổi”, căn nhà và toàn bộ hiện vật trong nhà sẽ giao lại cho nhà nước quản lý”.


Cũng trong buổi làm việc đó, Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin khi ấy - bà Trương Ngọc Thủy đã thống nhất với giáo sư Trần Văn Khê: mong ông nhanh chóng sắp xếp đóng gói các tài sản văn hóa nghệ thuật dân tộc của cá nhân ông ở Pháp để chuyển về thành phố càng sớm càng tốt.

Sở Văn hóa sẽ cử cán bộ nghiệp vụ đến giúp ông tiếp nhận, kiểm kê, phân loại và xây dựng kế hoạch bảo quản, trưng bày, đưa vào sử dụng các hiện vật do giáo sư mang về đồng thời chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo: tiếp nhận, quản lý và phát huy tốt các di sản do giáo sư để lại khi ông “trăm tuổi” vì mục đích phục vụ nhu cầu của xã hội.

Từ buổi làm việc ấy, gần hai năm sau, các cơ quan chuyên môn của thành phố và chính quyền quận Bình Thạnh mới tìm được ngôi nhà ưng ý để cấp cho giáo sư Trần Văn Khê làm nhà bảo quản, trưng bày hiện vật và nơi ở với tính chất nhà công sản (theo quyết định của UBND TP.HCM ban hành ngày 5.1.2006 và quyết định số 41 của Sở VH-TT TP.HCM ban hành ngày 6.1.2006).

trần văn khê
GS.TS Trần Văn Khê cả một đời đau đáu theo đuổi để tôn vinh, phát huy và quảng bá giá trị âm nhạc dân tộc ra thế giới. Ảnh: Nguyễn Á
3. Tập quán của dân tộc về việc phúng điếu người đi về cõi vĩnh hằng cũng tác động tới một trong những ước mơ cuối cùng của giáo sư Trần Văn Khê.

Ông phân biệt rất rạch ròi với người thân trong nhà: khi ông nằm xuống, “chi phí lo tang lễ thì sử dụng tiền mặt của tôi hiện có tại nhà, nếu thiếu thì Trần Thị Thủy Ngọc con gái út của tôi sẽ lấy tiền trong sổ tiết kiệm của tôi tại Việt Nam để chi phí.

Riêng tiền phúng điếu thì ban tang lễ có thể sử dụng để lập một quỹ học bổng hoặc giải thưởng Trần Văn Khê hàng năm trao cho người có công trình nghiên cứu tốt về âm nhạc truyền thống Việt Nam”.


Biết ông là người khí khái, luôn e ngại phiền lụy người khác và cũng biết rõ rằng một trí thức cả đời hưởng lương nghiên cứu và giảng dạy âm nhạc dân tộc như ông hoàn toàn không phải là người giàu có, dù sống hơn nửa thế kỷ ở nước ngoài nên từ khi ông trở bệnh nặng, gia đình ông đã nhận được nhiều lời đề nghị tặng tiền rất thành tâm từ các tổ chức, cá nhân với mục đích góp phần vào các khoản chi trả. Thành phố đã lo toàn bộ tiền chữa trị.

Ban Tuyên giáo Thành ủy gửi gia đình 50.000.000 đồng; các ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Quang Linh, Lệ Quyên và một số ca sĩ khác gửi đến 50.000.000 đồng (tính đến ngày 15.6.2015).


Các con ông đã thống nhất với nhau, tính toán sao cho chi phí hợp lý để số tiền được gửi đến từ bá tánh còn có thể làm được quỹ học bổng hoặc giải thưởng như mơ ước của ông. Bản thân các anh chị là con cháu trong gia đình cũng có thể đóng góp vào quỹ này.

4. Cả một đời đau đáu theo đuổi để tôn vinh, phát huy và quảng bá giá trị âm nhạc dân tộc ra thế giới, đến khi sắp nhắm mắt xuôi tay, giáo sư Trần Văn Khê vẫn không nguôi ước mơ những điều tốt đẹp để nghệ thuật dân tộc trong đó có âm nhạc dân tộc được trường tồn và phát triển. Người như ông bây giờ hiếm.

Nguồn: Người đô thị

Bình luận
vtcnews.vn