Những ngày này, tại Hà Nội đang diễn ra phiên tòa xét xử hai cựu Bộ trưởng Thông tin Truyền thông là ông Nguyễn Bắc Son và ông Trương Minh Tuấn, liên quan đến vụ MobiFone mua AVG được dư luận đặc biệt quan tâm. Tội danh của hai vị quan chức này rồi sẽ bị pháp luật vạch trần và tòa án kết luận. Tuy nhiên, sự việc này cũng làm dấy lên câu hỏi trong báo giới. Đó là có nên đổi lại thẻ nhà báo có chữ ký của hai bị cáo đang bị dư luận kịch liệt lên án này?
“Sáng nay, đi dự phiên tòa vụ án AVG liên quan đến sai phạm của các bị cáo Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn bằng thẻ nhà báo vẫn còn chữ ký của hai vị này...”. Chia sẻ của một trong số các nhà báo tham gia phiên tòa xét xử này đang được nhiều người, cả trong và ngoài ngành bàn luận, đóng góp ý kiến. Trong đó, có không ít ý kiến thẳng thắn, thậm chí là bức xúc cho rằng, cần nhanh chóng thay đổi thẻ nhà báo do hai vị này ký thời còn đương nhiệm, nhằm mang lại đúng ý nghĩa "thượng tôn pháp luật" của báo chí Việt Nam.
Ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn - hai cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông từng là những người đặt bút ký cho hàng trăm chiếc thẻ nhà báo. Cả người ký và người được cấp thẻ nhà báo có lẽ không bao giờ hình dung họ có thể rơi vào một tình huống “éo le” đến như vậy.
Tấm thẻ nhà báo có chữ ký của ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn đặt lên bàn các cơ quan chức năng như một “điều kiện” để được tác nghiệp tại phiên tòa mà ông Tuấn, ông Son đang là bị cáo, đối mặt với những khung hình phạt nặng nhất. Sâu tận đáy lòng đối với cánh nhà báo mà nói, điều này thực sự là một tình huống có phần xót xa.
Không chỉ tại phiên tòa, nhiều nhà báo hiện nay vẫn đang tác nghiệp bằng chiếc thẻ nhà báo có chữ ký của ông Son, ông Tuấn.
Hoạt động của báo chí là nhằm thông tin kịp thời nội dung, diễn biến các sự kiện trên mọi lĩnh vực đến độc giả; tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và pháp luật. Bởi thế, khi những nhà báo chân chính đang miệt mài sáng tạo vì tôn chỉ, mục đích đó thì tấm thẻ được gọi vui là "công cụ hành nghề" của nhà báo lại được phê duyệt bởi những người làm trái luật pháp, gây thiệt hại nặng nề cho đất nước khiến không ít người chạnh lòng, thậm chí là bức xúc.
Không ít nhà báo có cảm thấy có phần ngại ngùng khi trình thẻ nhà báo có chữ ký hai bị cáo ra khi tác nghiệp, thậm chí cứ như mình làm điều gì đó trái pháp luật vậy.
Nhà báo Đinh Hiền - nữ phóng viên điều tra của báo Công an Nhân dân - chia sẻ, nhiều lúc chị thấy bối rối khi cần phải xuất trình thẻ lúc làm việc. “Họ cầm thẻ và nhíu mày khi đọc dòng chữ cuối. 10 lần thì 9 lần họ hỏi lại: Có phải ông Son bị bắt đó không?”, nữ nhà báo cho biết.
Nhưng có cần thiết đổi tấm thẻ đã có “chút tì vết” này không? Nhà báo Đinh Hiền nói, trường hợp hãn hữu lắm chị mới phải xuất trình thẻ. Còn bình thường, chỉ cần giới thiệu là đã có thể làm việc. Vì vậy, chị nghĩ rằng, chiếc thẻ nhà báo không quyết định đến hiệu quả công việc của mình. “Tôi vẫn giữ nó mà không muốn đổi. Cũng là một cách để răn mình”, chị nói.
Trả lời VTC News về vấn đề này, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) cũng cho rằng, đây là tình huống khá "nhạy cảm". Thậm chí ông cho rằng việc mang chiếc thẻ nhà báo có chữ ký của các ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn đến tác nghiệp ngay tại chính phiên tòa đang xét xử các ông là tình huống phản cảm.
Ông Hòa phân tích thêm, trường hợp những lãnh đạo từng đặt bút ký chứng nhận bằng cấp, giấy tờ sau đó dính vòng lao lý là rất nhiều. Nhưng về mặt pháp lý, các loại bằng cấp, giấy tờ này không có gì sai.
Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội viện dẫn trường hợp cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng. Ông Hòa cho hay, trong kết luận về các sai phạm của cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng có việc cách hết các chức vụ và xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương. “Tuy nhiên trong thời kỳ đương chức, ông Vũ Huy Hoàng có ký một loạt các quyết định về mặt pháp lý. Vậy sau khi vị này bị kỷ luật, các văn bản do ông Vũ Huy Hoàng ký có được xem xét lại về mặt pháp lý? Liệu những quyết định đó có tiếp tục được đảm bảo và công nhận?”, ĐB Phạm Văn Hòa đặt câu hỏi.
Cũng theo ông Hòa, vấn đề này đã được thảo luận trước Quốc hội khóa XIV. Mới đây, vấn đề cũng được Quốc hội tiếp tục đưa ra tại các phiên thảo luận về Luật Cán bộ, Công chức và viên chức. Trong đó, nhiều ĐBQH nhấn mạnh đến việc xử lý cán bộ có nhiều sai phạm trong thời kỳ đương chức nhưng đến khi nghỉ hưu mới bị phát hiện.
Ở góc độ pháp lý, luật sư Trương Anh Tú cũng đã có những phân tích cụ thể. Dù chia sẻ với những tâm tư của các nhà báo nhưng luật sư Tú khẳng định, bút ký của các ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn là do được Nhà nước, Chính phủ giao nhiệm vụ quản lý ngành thông tin và truyền thông cho Bộ TT&TT. “Khi đó hai ông đang là những người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông. Đến nay, hai vị này đã bị bắt, bị xử lý nhưng thẻ nhà báo (dù có chữ ký của các ông) vẫn còn nguyên giá trị.
Luật sư Trương Anh Tú cũng chỉ ra đây là tình huống chưa có tiền lệ nhưng cũng chưa có cơ sở pháp lý để xin cấp lại thẻ.
Bình luận