Nhiều người vẫn chưa hết sốc khi chứng kiến Nguyễn Đức Anh (U17 Hà Nội) tung cú đấm vào mặt cầu thủ Zheng Haokun (U17 Hebei China Fortune), khiến thủ quân của đội bóng Trung Quốc nằm vật xuống sân, máu chảy đầm đìa, phải đi khâu 6 mũi vì rách mí mắt và tổn thương sống mũi.
Ban tổ chức giải quyết định tước tư cách ứng viên danh hiệu fair-play của U17 Hà Nội. Thực tế thì, danh hiệu fair-play ở nhiều giải đấu thường chỉ mang ý nghĩa... an ủi, không liên quan đến thành tích. Ban tổ chức AFF Cup 2018 từng ấn định giải fair-play cho đội á quân, để dù thua trong trận chung kết thì cũng có danh hiệu mang về. Malaysia là đội fair-play ở AFF Cup 2018 bất chấp lối đá tương đối... bạo lực, phải nhận thẻ đỏ ở phút cuối cùng trên sân Mỹ Đình.
Video: Cầu thủ U17 Hà Nội đấm rách mắt đối thủ
Nhưng giải fair-play mà U17 Hà Nội là ứng viên lại có một lớp nghĩa khác. Lần đầu tiên, một đội trẻ Việt Nam được mời đá giải quốc tế với nhiều đội trẻ từ các CLB hùng mạnh từ khắp nơi trên thế giới. Kashima Antlers - nhà vua của bóng đá Nhật Bản, Banfield - cái nôi của nhiều tuyển thủ Argentina đều góp mặt, song các học trò của HLV Nguyễn Văn Biển vẫn để lại ấn tượng sâu đậm, đấy là sự khích lệ. Cho tới khi Đức Anh tung cú đấm vào mặt đối thủ...
Sự bồng bột là điều khó tránh ở các cầu thủ trẻ. Mỗi trận đấu, dù là giao hữu, cũng có thể đẩy tâm lý người chơi lên mức cao trào. Cần phải khen ngợi tinh thần nói chung của U17 Hà Nội, những người đá ở giải mang tính cọ xát song với đầy đủ quyết tâm và sự khát khao. Ý thức về hình ảnh bóng đá Việt Nam được đội bóng của HLV Văn Biển thể hiện rất rõ. Vậy nên, hành động phi thể thao của Đức Anh, dẫu có thể thông cảm vì những nóng giận tuổi trẻ, thì cũng cần phải chỉ bảo, uốn nắn lại ngay từ thời điểm này.
"Đi đá bóng hay đi đánh nhau?", HLV Văn Biển lặp lại câu hỏi với học trò. Sự tức giận của cựu tuyển thủ quốc gia Việt Nam hay người hâm mộ xuất hiện không chỉ bởi hình ảnh bóng đá nước nhà bị phương hại, mà còn bởi một cú đấm, ở trong khoảnh khắc không làm chủ được mình, cũng có thể gieo mầm cho hạt giống bạo lực xuất hiện trong tương lai.
Bạo lực ở V-League không phải hành động mang tính đơn lẻ ở một vài cầu thủ. Những tình huống đậm tính võ thuật trên sân cỏ Việt Nam hàng chục năm qua là biểu trưng cho một xu hướng bóng đá, nơi các cầu thủ sử dụng... mọi biện pháp để đạt được mục đích, dẫu có khả năng gây tổn thương cho đồng nghiệp. Xu hướng này thường xuất hiện ở những nền bóng đá đang phát triển khi mặt bằng chung cầu thủ không có nền tảng kỹ thuật tốt và chơi với suy nghĩ hoang dại, nguyên thuỷ.
Paolo Maldini từng nói "khi bạn xoạc bóng, bạn đã thua", song không phải ai cũng nghĩ được như anh.
Xử điểm một vài cá nhân bạo lực sân cỏ, áp những án phạt lên cầu thủ phạm lỗi (Quế Ngọc Hải, Đình Đồng, Hoàng Vũ Samson,...) có thể giúp ban tổ chức xoa dịu dư luận, răn đe những cầu thủ khác. Nhưng nhìn chung, cách làm này không có hiệu quả lâu dài.
Chiều qua, khán giả tại Lạch Tray bức xúc khi chứng kiến màn "đấu võ" giữa Hải Phòng và SHB Đà Nẵng. Cách đây không lâu, Ngọc Hải cũng bị treo giò nội bộ 3 trận trong màn hỗn chiến giữa Hà Nội và Viettel ở trận derby Thủ đô. Bạo lực sân cỏ chưa bao giờ bị diệt trừ hoàn toàn. Một vài án phạt không thể loại bỏ thói quen chơi bóng bằng... cùi trỏ, gầm giầy dường như ngấm vào máu của nhiều cái tên.
Bạo lực sân cỏ sẽ biến mất khi những người làm bóng đá giáo dục, uốn nắn cầu thủ trẻ, tạo nên thế hệ chơi bóng bằng sự văn minh, lấy mục tiêu phục vụ khán giả và bảo vệ hình ảnh CLB lên hàng đầu. Không phải ngẫu nhiên mà HAGL được yêu mến, hay lứa U23 Việt Nam của HLV Park Hang Seo tạo được hiệu ứng lớn chưa từng có.
Để làm được điều đó, mọi "mầm bệnh" xuất hiện từ hành vi không đúng của các cầu thủ trẻ cần được chỉnh sửa ngay lập tức. Khi HLV Văn Biển cùng Đức Anh đến tận phòng của cầu thủ Trung Quốc để tặng quà, xin lỗi, đấy nên là hành động cần được ghi nhận. Một môi trường bóng đá văn minh sẽ đào luyện nên những cầu thủ chơi bóng văn minh, và ngược lại.
Nếu chơi bóng với tôn chỉ... trả đũa khi bị đá xấu, bóng đá Việt Nam sẽ nằm trong vòng tròn quẩn quanh, bởi bạo lực sinh ra từ bạo lực. Một cú đấm giải toả được ức chế tức thời, nhưng nó sẽ khiến cầu thủ và đội bóng mất rất nhiều thứ. Mọi tài năng trẻ cần nhớ kỹ bài học gối đầu này.
Bình luận