Đây là ý kiến tham luận của ông Châu Quang Dương, giảng viên Đại học SUNY Albany - Mỹ gửi tới tại hội thảo "Tự chủ trong giáo dục đại học - từ chính sách đến thực tiễn" do Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh Thiếu niên- Nhi đồng của Quốc hội tổ chức mới đây. VTC News xin lược trích một số lập luận của ông Châu Quang Dương:
Tự chủ đại học là vấn đề liên quan sâu rộng đến nhiều lĩnh vực khác trong xã hội. Ở bài viết này, tôi chỉ tập trung vào vấn đề tự chủ của các đại học công lập.
Một đúng
Cái đúng duy nhất là các đòi hỏi kêu gọi tự chủ đại học xuất hiện rất đúng thời điểm và nhờ vậy, nhanh chóng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ xã hội: Giới lãnh đạo trường, giới nghiên cứu, phần đông dư luận, và ngay cả nhiều nhà hoạch định chính sách.
Các chính sách đầu tiên về tự chủ đại học được GS Trần Hồng Quân đề xuất từ cuối thập niên 1980, trong thời gian ông làm Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Tuy nhiên, các chính sách này đều gây ra tranh cãi, thậm chí là chống đối, vì vậy nhiều chính sách không sống sót được sau nhiệm kỳ của vị Bộ trưởng đã khai sinh ra chúng.
Giờ đây, sau nhiều năm hội nhập, chúng ta tiếp xúc với các tư tưởng quản trị mới và họ là những người đang nuôi dưỡng trào lưu tự chủ đại học ở Việt Nam. Xét cho cùng thì tự chủ đại học là một bước đi tất yếu của các nền giáo dục đại học trên thế giới.
Hai sai
Cái đáng tiếc thứ nhất là trong số nhiều khía cạnh của tự chủ đại học, thì tự chủ tài chính nhanh chóng trở thành khía cạnh được nhà nước và lãnh đạo các trường quan tâm trước tiên, và nhiều nhất.
Tại Việt Nam, tự chủ đại học gần như được hiểu là tự chủ tài chính. Trên thực tế, tài chính đúng là một trong những lý do chủ yếu thúc đẩy các ý tưởng cải cách giáo dục trên thế giới. Tuy nhiên, điều đáng nói là ở Việt Nam, sự tập trung vào khía cạnh tài chính trong các cải cách giáo dục đại học đang ở mức cực đoan.
Theo tôi biết, không ở đâu mà nhà nước lại hoàn toàn ngừng cấp ngân sách cho các trường đại học công lập, và cũng không ở đâu mà các trường đại học công lập lại hớn hở đón nhận việc tự chủ thu chi như ở Việt Nam.
Nhiều người lập luận rằng ở Việt Nam hiện nay, chỉ có tự chủ tài chính là thực hiện được ngay, còn tự chủ các mặt khác thì phải chờ. Lập luận này nghe có vẻ hợp lý, nhưng thực tế thì luôn có kha khá không gian để các trường đại học tự do vùng vẫy, quan trọng là họ có thật sự muốn và dám nhận lấy sự tự do đó, và có đủ quyết tâm để dần dần nới rộng vùng tự do ra hay không.
Thứ hai, trong trào lưu tự chủ đại học hiện nay là sự phủ nhận vai trò của nhà nước. Ở hầu hết các nước, nền đại học công lập được xem là một công cụ quan trọng mà nhà nước sử dụng để điều hành xã hội. Đương nhiên là tùy từng nước mà khái niệm “điều hành” mang ý nghĩa khác nhau.
Ở Mỹ, nơi vai trò của nhà nước trong nền đại học rất mờ nhạt so với các nước ở châu Âu, thì nhà nước vẫn có những cơ chế dẫn dắt đại học theo một số định hướng nhất định. Ví dụ, chỉ khi nào một trường đại học được kiểm định bởi các tổ chức kiểm định được Bộ Giáo dục công nhận thì sinh viên trường đó mới được vay vốn của chính phủ liên bang.
Xét cho cùng thì nhà nước là một trong nhiều nhóm đối tượng mà nền đại học công lập có sứ mạng phải phục vụ.
Trong khi đó, tại Việt Nam, ẩn phía sau những kêu gọi tự chủ đại học là sự phủ định vai trò của nhà nước. Những ý tưởng tự chủ đại học đầu tiên đã nêu ra đầy đủ 2 khía cạnh: Tự chủ và trách nhiệm giải trình - nhà nước đóng vai trò quan trọng mà các đại học cần phải giải trình.
Có người ví đây là chân ga và chân thắng, đảm bảo cho các đại học phát triển đúng đắn. Tuy nhiên, nhiều nhà ủng hộ tự chủ đại học sau này đã tỏ ra thờ ơ với trách nhiệm giải trình, trong khi họ chỉ chăm chăm đạp ga mà thôi.
Và nhiều nhầm lẫn
Cả hai cái sai ở trên đều xuất phát từ việc tiếp nhận không đầy đủ các ý tưởng về tự chủ đại học của phương Tây, nhất là Mỹ - nước mà các nhóm ủng hộ tự chủ đại học Việt Nam hiện nay tham khảo nhiều nhất, để rồi cũng có nhiều ngộ nhận nhất. Xin nêu ra ví dụ liên quan đến hội đồng trường, một trong những chính sách được cho là cốt lõi của trào lưu tự chủ đại học Việt Nam hiện nay.
Ở Mỹ, chỉ các đại học tư thục phi lợi nhuận mới lựa chọn phần lớn các thành viên hội đồng trường thông qua bầu cử - còn tại đa số các đại học công lập, phần lớn hội đồng này là do chính quyền bang bổ nhiệm. Khi về đến Việt Nam, khái niệm hội đồng trường thường được hiểu rằng hội đồng trường cần phải thông qua bầu cử.
Vì thế, Luật Giáo dục Đại học sửa đổi 2018, dưới áp lực của trào lưu tự chủ đại học, đã quy định rằng một số lượng đáng kể thành viên hội đồng trường của đại học công lập được lựa chọn thông qua bầu cử. Nói cách khác, các nhóm kêu gọi tự chủ đại học Việt Nam đã đem mô hình tự chủ của đại học tư thục phi lợi nhuận Mỹ áp vào mô hình tự chủ của đại học công lập Việt Nam, trong khi hai loại trường này rất khác nhau tại Mỹ.
Việc một trường đại học công lập tự chủ tài chính gần đây có những tiến bộ nhất định trong hoạt động nghiên cứu khoa học và có những thứ hạng cao trong các bảng xếp hạng trong và ngoài nước đã làm nhiều người khẳng định rằng tự chủ đại học mang lại chất lượng. Đây là một nhận định nhầm lẫn!
Tự chủ đúng là một yếu tố quan trọng thúc đẩy chất lượng. Nhưng đây không phải là yếu tố duy nhất – và cũng không chắc là yếu tố quan trọng nhất – quyết định chất lượng. Điều mà chúng ta có thể kết luận là: Các chính sách tự chủ đúng đắn sẽ tạo ra một bệ phóng cho trường đại học phát triển. Và các bạn đã nghe đến nhiều vụ phóng tên lửa thất bại rồi chứ?
Xây nhà từ móng
Tôi nghĩ trào lưu tự chủ đại học sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, nhiều khả năng kết quả sẽ chỉ dừng lại ở các mục tiêu tài chính, thậm chí sẽ có nguy cơ cản trở các mục tiêu khác cốt lõi hơn: Tự do nghiên cứu, tự do giảng dạy, tự do học tập...
Vì thế, tôi cho rằng nhà nước cần tích cực hơn với vai trò “trọng tài lâm thời”: Trước khi giao quyền tự chủ, nhà nước cần buộc các trường phải công khai kế hoạch hành động nhằm khuyến khích giảng viên và sinh viên tham gia vào việc quản trị trường, và đồng thời tham gia giám sát việc thực thi các kế hoạch này. Chỉ khi nào chạm đến được giảng viên và sinh viên thì khi đó tự chủ đại học mới đi đúng hướng và mới bền vững.
Bên cạnh đó, các thầy cô cũng có thể góp phần đưa trào lưu tự chủ đại học Việt Nam trở về đúng ý nghĩa của nó bằng cách hãy cùng sinh viên thay đổi cách tư duy, cách học – bắt đầu từ việc thực hành tư duy phản biện. Chỉ khi nào sinh viên và thầy cô có khả năng suy nghĩ độc lập thì khi đó, các đại học mới có thể tự quản được. Và việc thực hành tư duy phản biện thì chưa cần đến một cải cách tài chính cực đoan như hiện nay.
Các tổ chức xã hội và doanh nghiệp cũng có thể đóng góp cho quá trình tự chủ bằng cách tạo điều kiện – thậm chí là thúc ép, bắt buộc - giáo viên và sinh viên tiếp cận và thực hành tư duy phản biện.
May mắn thay, hiện nay, Việt Nam cũng đã bắt đầu chú ý nhiều đến tư duy phản biện/giáo dục khai phóng, và đây là một điều kiện thuận lợi có thể hỗ trợ tốt cho xu hướng tự chủ đại học.
Bình luận