• Zalo

Vì sao nhiều trường từ chối thực hiện tự chủ đại học?

Diễn đànThứ Ba, 01/12/2020 09:32:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Bên cạnh "làn sóng" thực hiện tự chủ mạnh mẽ của các trường đại học tốp đầu thì không ít trường tốp dưới e ngại do còn nhiều vướng mắc, khó khăn.

VTC News lược trích ý kiến tham luận của TS Từ Quang Hiển, Đại học Thái Nguyên tại hội thảo "Tự chủ trong giáo dục đại học - từ chính sách đến thực tiễn" do Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh Thiếu niên- Nhi đồng của Quốc hội tổ chức mới đây:

Tự chủ đại học được đưa vào Luật Giáo dục Đại học năm 2012 nhưng Nghị định 141/2013 của Chính phủ không có điều, khoản nào quy định và hướng dẫn chi tiết về vấn đề này.

Năm 2018, Luật Giáo dục Đại học sửa đổi đã bổ sung thêm các khoản với nội dung cụ thể, rõ ràng hơn về tự chủ đại học, nhưng năm 2019 Chính phủ mới có quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành về tự chủ đại học (Nghị định 99).

Tiến trình trên cho thấy kể từ lúc vấn đề tự chủ đại học được ra đời thì 8 năm sau mới có đầy đủ hành trang để đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, từ 2019 đến nay hầu như không thấy động tĩnh của cơ quan chủ quản.

Các trường "ngại" tự chủ

Thực tiễn cho thấy một số trường chưa mặn mà với tự chủ. Nguyên nhân thứ nhất, có thể do suy nghĩ tự chủ thì bị cắt nguồn kinh phí nhà nước cấp cho chi thường xuyên. Trong 4 điều kiện về tự chủ đại học, không có nội dung nào quy định cơ sở giáo dục phải tự túc toàn bộ kinh phí chi thường xuyên thì mới được tự chủ. 

Do đó, nhiều cơ sở giáo dục đại học rất dè dặt với tự chủ; bởi chỉ có các trường ở tốp đầu (tuyển sinh dễ dàng, có thể thu học phí chạm trần) thì mới dễ dàng thực hiện được điều kiện trên.

Còn các trường ở tốp giữa, tốp dưới tuyển sinh khó khăn, thu học phí thấp thì nguồn kinh phí do nhà nước cấp mặc dù ít ỏi (chiếm khoảng 20% chi thường xuyên) nhưng nó vẫn là phao cứu sinh cho các cơ sở này trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Vì sao nhiều trường từ chối thực hiện tự chủ đại học? - 1

(Ảnh minh hoạ: T.N)

Thứ hai, có thể do công tác kiểm định chất lượng từ bên ngoài. Mặc dù một số trường đã cố gắng nhưng vẫn không đáp ứng được tiến độ thời gian của tiến trình tự chủ đại học, bên cạnh đó các trường vẫn gặp phải không ít phiền hà và rất tốn kém.

Thứ ba, một số vướng mắc trong thực hiện tự chủ có liên quan đến các luật, chính sách khác, các bộ ban ngành khác mà cơ sở giáo dục đại học không thể tự giải quyết được (đây là vấn đề mấu chốt làm chậm tiến trình tự chủ đại học).

Thứ tư, một số trường yếu kém không muốn tự chủ, vì để được tự chủ phải thông qua kiểm định chất lượng. Việc công khai hóa kết quả kiểm định chất lượng sẽ bất lợi cho cơ sở, mặt khác không kiểm định cũng vẫn được tuyển sinh, vẫn được mở ngành, vẫn được cấp kinh phí chi thường xuyên. 

 Kiểm định không bắt kịp với phát triển

Kiểm định chất lượng là một trong các điều kiện tiên quyết để trường được trao quyền tự chủ. Tuy nhiên, nước ta có gần 240 trường, chưa kể các trường thuộc quân đội và công an nhưng lại có rất ít đơn vị làm công tác kiểm định chất lượng (có 5 đơn vị, trong đó 2 đơn vị đã dừng hoạt động và 2 đơn vị cũng sẽ dừng trong tương lai vì việc thành lập các đơn vị này không đúng với quy định của Luật 34).

Vì vậy chất lượng kiểm định bị ảnh hưởng, thời gian kiểm định hết các trường sẽ phải kéo dài trong nhiều năm và khó tránh khỏi tư tưởng cửa quyền, đòi hỏi... của một số cán bộ làm công tác kiểm định. Sau 7 năm thực hiện kiểm định, chúng ta đã kiểm định được 155 trường, còn lại 81 chưa kiểm định (chu kỳ kiểm định của một trường là 5 năm) như vậy một số trong 155 trường nêu trên đã cần được kiểm định lại.

Mặt khác, lẽ ra phải kiểm định xong chương trình đào tạo thì mới tiến hành kiểm định cơ sở đào tạo nhưng công tác kiểm định đang làm ngược lại hoặc làm đan xen cả hai.

Hiện nay mới kiểm định được 325 chương trình đào tạo (chiếm khoảng 6% tổng số chương trình đào tạo của các trường). Kiểm định chương trình đào tạo tiến triển rất chậm, một trong những nguyên nhân là quá phiền hà, rất tốn kém và không kiểm định cũng không sao.

Vì sao nhiều trường từ chối thực hiện tự chủ đại học? - 2

(Ảnh minh hoạ: C.L)

Chưa có tự chủ nhân sự - tài chính

Các trường công lập không thể tinh giản biên chế, không thể tuyển dụng viên chức, nâng ngạch bậc, bổ nhiệm, miễn nhiệm, kỷ luật, sa thải vv… vì việc này còn liên quan đến Luật lao động (2012), Luật viên chức (2010) và các chính sách khác. Các trường muốn thu hút nhân tài, tuy nhiên nhân tài phải được bổ nhiệm vào ngạch bậc lương cao ngay (giảng viên cao cấp) thì mới thỏa đáng. Tuy nhiên chính sách lại không cho phép các trường quyết định được việc này.

Hay việc một số cán bộ, giảng viên hoàn thành xuất sắc công việc, các trường muốn thưởng một bậc lương cũng không được. Mặt khác, việc thi nâng ngạch đều do cấp có thẩm quyền tổ chức thi và quyết định. Thậm chí có những việc rất đơn giản như nâng lương định kỳ hoặc vượt khung cho giáo sư, giảng viên cao cấp cũng phải trình lên bộ chủ quản, Bộ Nội vụ phê duyệt. Với các quy định hiện hành, các trường gần như không có quyền tự quyết trong công tác nhân sự.

Với vấn đề tự chủ tài chính, Luật và các văn bản dưới luật về quản lý tài chính và tài sản đang là rào cản của việc thực hiện tự chủ đại học. Ví dụ, các trường công lập không thể mang đất đai, tài sản cố định để liên doanh, liên kết với các đơn vị khác; không có tư cách để vay vốn cho các hoạt động của đơn vị; không thể tự quyết định đầu tư mua sắm tài sản (đầu tư 100 triệu đồng trở lên phải do bộ chủ quản phê duyệt); việc thu học phí phải tuân theo Nghị định 86 của Chính phủ.

Thiết nghĩ việc này nên để cho các trường quy định thì đúng hơn vì học phí là phí trả cho dịch vụ đào tạo, nó cũng tuân thủ theo quy luật cung cầu và do thị trường quyết định. Nếu các trường quy định học phí quá cao sẽ không thu hút được người học; các trường không thể sử dụng tiền từ học phí và các nguồn thu hợp pháp khác gửi ngân hàng hoặc góp vốn kinh doanh như các doanh nghiệp để sinh lời.

Các trường cũng không thể khoán lương cho các đơn vị trực thuộc, không thể trả lương cho cán bộ, giảng viên theo vị trí việc làm và theo hiệu suất công việc, vì chi cho con người theo ngạch bậc lương do cấp có thẩm quyền quyết định.

Ngoài ra, Luật 34 quy định các trường được phép thành lập cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp, doanh nghiệp khoa học trong trường đại học nhưng đến nay vẫn chưa có quy định hoặc văn bản hướng dẫn. Kết quả là không đại học nào triển khai được hoạt động này. Việc liên kết với doanh nghiệp để chuyển giao các kết quả nghiên cứu (tài sản sở hữu trí tuệ) trên địa bàn của trường cũng không được phép. Thực chất việc quản lý tài chính và tài sản trong các trường không có gì thay đổi.

Quyền tự chủ về chuyên môn là một chính sách khá cởi mở trong đào tạo, chính sách này cho phép các trường đạt chuẩn quốc gia được tự chủ mở ngành đào tạo từ đại học đến tiến sĩ. Các trường còn lại được tự chủ trong công tác tuyển sinh, quyết định trong đánh giá cơ sở giáo dục. 

Công cuộc hiện đại hóa đất nước, xu thế cạnh tranh toàn cầu dẫn tới rất nhiều lĩnh vực mới xuất hiện cần phải đào tạo theo hướng liên ngành, nhưng mở ngành mới mà không có trong danh mục cấp 4 thì phải xin ý kiến của Bộ GD&ĐT. Việc này làm cho các trường gặp không ít khó khăn, phiền hà và đã lấy đi quyền tự chủ.

Đồng thời, chương trình đào tạo cũng không do các trường quyết định, Bộ chủ quản chỉ nên quy định số tín chỉ cho mỗi bậc học, số tín chỉ cho các môn học bắt buộc do nhà nước quy định, còn lại do các trường quy định. Bởi vì sản phẩm đào tạo do trường chịu trách nhiệm.

Vì sao nhiều trường từ chối thực hiện tự chủ đại học? - 3

(Ảnh minh hoạ: H.C)

Ở khía cạnh khác, các trường không được phép quyết định mở ngành thì có phản ứng thế nào về vấn đề này? Thực tế cho thấy các trường này không vui, cũng không buồn.

Bởi nhiều trường nhận thấy mở mới một số ngành đào tạo và đặt cho chúng những cái tên rất kêu nhưng vẫn không thu hút được người học. Họ cũng nhận thấy người học hiện nay đã thừa biết các thủ thuật mở ngành mới và đổi tên ngành học nhằm thu hút người học của các trường nên họ cũng không đăng kí vào các ngành này.

Từ đó trường rút ra bài học, xây dựng thương hiệu của ngành học truyền thống để thu hút người học vẫn tốt hơn là mở ngành mới.

Một bất cập khác về việc quy định chuẩn ngoại ngữ và tin học trong toàn quốc là không phù hợp, việc này nên để cho các trường đại học tự đưa ra các chuẩn đầu ra khi tốt nghiệp để có sự phù hợp với từng ngành, từng vùng và từng đối tượng. Như sinh viên dân tộc thiểu số khi học bằng tiếng kinh đã là "ngoại ngữ thứ nhất", lại học tiếng nước ngoài là "ngoại ngữ thứ hai" thì yêu cầu về "ngoại ngữ thứ hai" cần phải quy định ở mức độ thấp hơn.

Khai thông tắc nghẽn

Để giải quyết những khó khăn trên, trước tiên Bộ chủ quản cần có kế hoạch hành động cụ thể. Một mặt thúc đẩy các trường phấn đấu đạt được các điều kiện tự chủ; trực tiếp giải quyết những khó khăn nằm trong phạm vi quyền hạn của mình. Mặt khác đứng ra làm đầu mối giải quyết những khó khăn vướng mắc có liên quan đến các bộ ban ngành khác. 

Bộ chủ quản nên quy định lộ trình cho các trường thực hiện các điều kiện tự chủ, hết lộ trình này các cơ sở không thực hiện được thì cần xử phạt nghiêm minh. Không dùng tiêu chí tự túc hoàn toàn kinh phí chi thường xuyên như một điều kiện tiên quyết, bắt buộc để các trường được tự chủ.

Thành lập mới các đơn vị kiểm định chất lượng, khuyến khích các trường mời các đơn vị kiểm định chất lượng quốc tế thực hiện công tác kiểm định; xem xét và giải quyết các vấn đề như mở ngành, chuẩn đầu ra ngoại ngữ, tin học....

Bộ chủ quản cần làm việc với Bộ Nội vụ, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội để giải quyết các vấn đề có liên quan đến nhân sự như tuyển dụng, sa thải, trả lương; làm việc với Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường để giải quyết các vấn đề liên quan đến đất đai, tài sản cố định, kinh doanh, thành lập doanh nghiệp khoa học trong trường đại học, quyền sử dụng kinh phí từ nguồn thu hợp pháp của các trường...

TS Từ Quang Hiển(ĐH Thái Nguyên)
Bình luận
vtcnews.vn